Wednesday, April 24, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Trung Quốc đang đe dọa các nước láng giềng –nhưng Mỹ có thể ngăn chặn điều đó


NEW YORK POST by Bryan Clark – March 29, 2022

(Bryan Clark là thành viên cấp cao tại Viện Hudson và là giám đốc của Trung tâm Công nghệ và Ý tưởng Quốc phòng Hudson).

Các nhà lãnh đạo NATO đã thống nhất vào tuần trước để ủng hộ quân đội Ukraine và theo đuổi các cách thức mới để trừng phạt kinh tế Nga vì hành động xâm lược vô cớ của họ. Tổng thống Vladimir Putin không có dấu hiệu dừng lại, nhưng các chỉ huy của ông ta gợi ý rằng họ có thể thu hẹp các mục tiêu của mình để đáp lại sự phản kháng gay gắt của Kyiv.

Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền đối với một vùng biển quốc tế rộng lớn trước sự phản đối của cộng đồng quốc tế và các nước láng giềng như Philippines và Việt Nam. Họ đã chiếm nhiều rạn san hô khác nhau, xây dựng chúng một cách nhân tạo và vũ khí hóa ít nhất bốn hòn đảo trong số này.

Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và đồng minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nên áp dụng các bài học từ Ukraine, nếu không họ có thể thấy mình phải đối mặt với một Trung Quốc đang trỗi dậy được củng cố bởi một thập kỷ tranh chấp trong vùng xám.

Quân đội Nga đang củng cố lợi ích của mình ở đông nam Ukraine xung quanh Crimea và khu vực Donbas – hai khu vực mà Moscow giành được thông qua cuộc nổi dậy do lính đánh thuê và lực lượng bán quân sự lãnh đạo. Trung Quốc thì đang lật sang một trang mới khỏi cuốn kịch bản của Moscow, tại Biển Đông là nơi họ đã xây dựng và trang bị các đảo nhân tạo dọc theo các tuyến đường hàng hải và đường bay quốc tế, cũng như trong các vùng đặc quyền kinh tế của nhiều quốc gia Đông Nam Á.

Bằng cách mở rộng phạm vi hoạt động của hệ thống phòng không và tên lửa chống hạm tới các vùng biển và lãnh hải của các nước láng giềng, Bắc Kinh có thể cầm chân các tàu thuyền của đối thủ ở cảng và phi cơ trên mặt đất, giúp Trung Quốc có lợi thế trong bất kỳ cuộc đối đầu nào. Và giống như Nga ở miền đông Ukraine, Trung Quốc sử dụng vũ khí tầm xa để bảo vệ lực lượng dân quân biển và lực lượng bảo vệ bờ biển của họ ở Biển Đông và Hoa Đông khi họ quấy rối hải quân, đội tàu đánh cá và tàu vận tải biển của đối thủ.

Các công trình và khối kiến trúc của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập Nhân tạo tại nhóm đảo Trường Sa ở Biển Đông. Hình AP

Quân đội Hoa Kỳ và đồng minh đã làm rất ít để đối đầu hoặc chống lại chiến thuật vùng xám của Trung Quốc. Các hoạt động tự do hàng hải đã thất bại trong việc ngăn chặn sự kiểm soát và ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực. Việc gia tăng tần suất hoạt động của các tàu sân bay thân thiện có thể khiến các đồng minh của Mỹ yên tâm, nhưng hành vi của Trung Quốc là không thay đổi và khi các tàu sân bay rời đi, các đồng minh lại một lần nữa phải tự xoay xở.

Lầu Năm Góc đã công bố chiến lược quốc phòng mới trong tuần này, trong đó nhấn mạnh “vận động” là một trong ba hành động chính của họ. Mặc dù tờ thông tin nói trên chưa được phân loại ngắn về chi tiết, song các chiến dịch vận động đòi hỏi các hoạt động nhằm phá hoại sự ép buộc đối với các đồng minh của Hoa Kỳ, làm phức tạp thêm cho đối thủ trong việc ra quyết định, và giúp phát triển năng lực của Hoa Kỳ và đối tác.

Người biểu tình Việt Nam hô khẩu hiệu trước đại sứ quán Trung Quốc trong cuộc biểu tình ở Hà Nội, ngày 11 tháng 5 năm 2014. Hình AFP

Cần có sự răn đe

Chiến dịch vận động nên là trọng tâm của các hoạt động và răn đe của Hoa Kỳ. Nhưng như cuộc xâm lược Ukraine cho thấy, Trung Quốc khó có thể bị nhụt chí trước những lời đe dọa. Quân đội Trung Quốc đáng gờm ở gần các mục tiêu như Đài Loan mà các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh có thể tin rằng họ sẽ thành công. Và các biện pháp trừng phạt kinh tế, mặc dù có khả năng gây tổn hại, nhưng sẽ không làm tổn thương Trung Quốc như những gì đã làm đối với Nga.

Quân đội Mỹ có thể răn đe Trung Quốc hiệu quả hơn bằng cách tổ chức các hoạt động liên tục thể hiện quyết tâm của Mỹ, đánh giá phản ứng của Trung Quốc, đồng thời tinh chỉnh các khả năng và chiến thuật quân sự của Mỹ. Cách tiếp cận bằng các chiến dịch vận động này sẽ khai thác lợi thế của Hoa Kỳ trong các lĩnh vực, trong đó có thể áp đặt các hành động làm đảo ngược và phủ nhận đối với các nỗ lực trong vùng xám của Trung Quốc, chẳng hạn như chiến tranh điện tử và chiến tranh dưới mặt biển.

Quân đội Mỹ có thể sử dụng máy bay không người lái như MQ-9B Reaper để tiến hành tác chiến điện tử chống lại các đảo trên Biển Đông của Trung Quốc và các tàu dân quân trên biển, gây nhiễu và đánh lừa radar và radio của họ, đồng thời thu thập thông tin tình báo điện tử để sử dụng trong các cuộc đối đầu sau này. Bằng cách sử dụng một máy bay không người lái, các chỉ huy Hoa Kỳ có thể chấp nhận được rủi ro khi một máy bay có thể bị tấn công, giống như một số MQ-9 bị mất ở Trung Đông trước hỏa lực của đối phương.

Một đường băng do Trung Quốc thực hiện được nhìn thấy bên cạnh các công trình và tòa nhà tại đảo nhân tạo trên Đá Vành Khăn, thuộc nhóm đảo Trường Sa ở Biển Đông, được nhìn thấy vào Chủ nhật ngày 20 tháng 3 năm 2022. Hình AP

Chiến tranh dưới mặt biển đưa ra những cách để quân đội Mỹ tạo ra những tác động không thể phủ nhận chống lại các lực lượng Trung Quốc, và đã từng được sử dụng trong suốt Chiến tranh Lạnh để gửi thông điệp tới Moscow về quyết tâm của Mỹ. Ở Biển Đông, các phương tiện dưới mặt biển không người lái của Hoa Kỳ có thể cắt cáp thông tin liên lạc nối các đảo của Trung Quốc với đất liền, các hoạt động nạo vét được sử dụng để xây dựng các thực thể nhân tạo, đồng thời làm rối hoặc phá hỏng hệ thống truyền đẩy của các tàu tuần duyên và dân quân biển. Và nếu các phương tiện bị bắt giữ, thì đó sẽ là một tổn thất có thể chấp nhận được và các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ có thể lựa chọn tuyên bố công nhận hoặc phủ nhận hoạt động đó.

Để ngăn chặn tình trạng tái diễn như ở Ukraine tại Tây Thái Bình Dương, Hoa Kỳ và các đồng minh của họ sẽ cần phải thực hiện một cách tiếp cận mới để răn đe, ưu tiên sự can dự và đối đầu chống lại hành động gây hấn hỗn hợp, thay vì một lối phòng thủ vạch rõ phòng tuyến (goal-line) như hiện nay, mà các đối thủ không coi là đáng tin cậy. Chiến lược phòng thủ mới có thể là một bước đi tốt theo hướng đó. (T/H, basam)