Sunday, December 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Trung Quốc cấm nhập khẩu tôm hùm, gỗ và lúa mạch của Úc

Hôm 2/11, tờ SCMP đưa tin Trung Quốc đã cấm nhập khẩu gỗ từ tiểu bang Queensland của Úc và đình chỉ việc nhập lúa mạch. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu Trung Quốc cũng đang chuẩn bị cho khả năng xảy ra lệnh cấm mới đối với quặng đồng và tinh quặng đồng cũng như đường trong tuần này giữa bối cảnh leo thang thương mại mới nhất giữa Bắc Kinh và Canberra.

Trung Quốc thấy chất độc sinh học từ gỗ xuất khẩu của Úc và ra lệnh cấm nhập khẩu. Ảnh minh họa.

Các lệnh cấm mới xảy ra vào cuối tuần, cùng lúc với việc thông quan các lô hàng tôm hùm đá của Úc bị trì hoãn tại Thượng Hải do phía Trung Quốc tăng cường kiểm tra hàng nhập khẩu.

Hôm Thứ Sáu (30/10), Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã phát hành một thông báo đến các nhà xuất khẩu Úc rằng họ đã phát hiện một loại bọ cánh cứng gây hại thuộc loài Ips grandicollis trong gỗ tròn nhập khẩu từ Queensland và đã cấm tất cả lô hàng xuất khẩu gỗ tròn từ tiểu bang này.

Cơ quan hải quan Trung Quốc cũng cho biết họ đã phát hiện các lô hàng lúa mạch của nhà xuất khẩu ngũ cốc Úc Emerald Grain bị nhiễm bẩn và đã ngừng nhập khẩu từ công ty này hôm 30/10. Việc nhiễm bẩn được cho là được gây ra bởi cây cỏ bìm bịp, một loại cỏ dại.

Theo SCMP, công ty Emerald Grain thu mua ngũ cốc từ khoảng 12.000 gia đình trồng trọt tại các tiểu bang New South Wales và Victoria và xuất ngũ cốc từ 17 kho trên khắp nước Úc.

Theo nhiều nguồn tin thương mại tại Trung Quốc, lệnh cấm về quặng đồng và tinh quặng đồng, cũng như đường, dự kiến sẽ được đưa ra trong tuần này.

Lúa mạch được chứng minh giúp phòng ngừa béo phì, bệnh tim mạch và tiểu  đường

Vào tháng 9, Trung Quốc đã đình chỉ việc nhập lúa mạch của nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất của Úc, tập đoàn CBH Group, sau khi cũng phát hiện côn trùng trong một lô hàng. GACC cũng đã thu hồi đăng ký nhập khẩu của CBH Group, mặc dù công ty này cho biết không có bằng chứng nào chứng minh cho các tuyên bố về việc bị nhiễm bẩn. 

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lúa mạch lớn nhất của Úc, thường thu mua khoảng 70% sản lượng lúa mạch của xứ sở chuột túi.

Vào tháng 5, ngành sản xuất lúa mạch của Úc đã hứng chịu một đòn giáng nặng nề khi Trung Quốc áp đặt thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp lên đến 80,5% đối với các lô hàng xuất khẩu sau cuộc điều tra kéo dài 18 tháng.

Bộ trưởng Nông nghiệp Úc David Littleproud cho biết, theo quy định mới được áp dụng từ ngày 30/10, tôm hùm của Australia sẽ phải kiểm tra nguyên tố vi lượng của khoáng chất và kim loại tại cơ quan hải quan Trung Quốc.

Cuối tuần qua tại Thượng Hải, hải quan Trung Quốc đã tạm giữ một lô hàng tôm hùm đá Tây Úc để kiểm tra. Lô hàng này được kiểm tra ngẫu nhiên, nhưng chưa có thông báo chi tiết cho biết khi nào kết quả sẽ được công bố. Trong khi việc kiểm tra đang được tiến hành, các lô hàng tôm hùm sống đã bị chặn không cho nhập vào Trung Quốc và vẫn được cách ly trong các nhà kho.

Tổ chức Tư vấn Thương mại Hải sản Úc đã yêu cầu các nhà xuất khẩu Úc ngừng xuất khẩu tôm hùm sống sang Trung Quốc.

Bộ trưởng Thương mại Úc Simon Birmingham, cho biết hôm Thứ Hai (2/11) rằng các lô hàng tôm hùm đá đang được kiểm tra về “mức độ hàm lượng kim loại”. Chính phủ Úc và các tổ chức trong ngành đang tìm cách làm rõ thêm vấn đề với Bắc Kinh.

Trung Quốc cũng là thị trường chính mua gần như tất cả các lô hàng xuất khẩu tôm hùm đá của Úc, với giá trị 750 triệu đô la Úc (527 triệu USD) vào năm ngoái.

Các nguồn tin cho biết nhiều doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã nhận được chỉ thị chính thức từ Bắc Kinh về việc ngừng mua bảy loại sản phẩm của Úc, gồm lúa mạch, đường, rượu vang đỏ, gỗ tròn, than đá, tôm hùm, quặng đồng và tinh quặng đồng từ thứ 6 (30/10), mặc dù thông tin chi tiết rất ít ỏi bởi vì không có thông báo chính thức nào được phát hành.

Trước đó, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu thịt bò, than đá và bông của Úc, đồng thời tiến hành một cuộc điều tra chống bán phá giá nhằm vào rượu vang Úc.

Những động thái này của Trung Quốc được dự đoán sẽ làm mối quan hệ vốn đã nhiều sóng gió với Úc thêm phần căng thẳng. (T/T theo SCMP)