Sunday, December 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Triệu chứng, cách phát hiện và điều trị rối loạn đông máu do tiêm vắc-xin AstraZeneca

Mặc dù tỷ lệ người tiêm vắc-xin gặp phải biến chứng rối loạn đông máu rất nhỏ, song các nhà khoa học Úc đã tìm ra các triệu chứng điển hình, cách thức phát hiện và điều trị khi bị đông máu do tiêm vắc-xin AstraZeneca.

Hình ảnh qua kính hiển vi điện tử của tế bào máu đông dưới lưới fibrin. Nguồn: David Gregory & Debbie Marshall
Hình ảnh qua kính hiển vi điện tử của tế bào máu đông dưới lưới fibrin (Hình David Gregory & Debbie Marshall).

Dấu hiệu của đông máu sau khi tiêm vắc-xin AstraZeneca

Theo Tiến sĩ Vivien Chen, một chuyên gia huyết học về rối loạn đông máu thuộc trường Đại học Sydney cho biết, thời điểm có thể phát hiện rối loạn đông máu dẫn đến xuất hiện cục máu đông là sau khi tiêm vắc-xin từ 4 – 30 ngày, trong đó giai đoạn đỉnh điểm là từ 6 – 14 ngày. Khi đó, người bệnh sẽ bị đau đầu dữ dội không ngừng, đồng thời có thể bị đau bụng, mắt bị mờ đi, đau hoặc sưng chân.

Khi các triệu chứng này xuất hiện, nếu bác sỹ chỉ định xét nghiệm máu thì có thể phát hiện một số dấu hiệu như sau.

Thứ nhất là số lượng tiểu cầu sụt giảm dưới ngưỡng trung bình. Người bình thường sẽ có từ 150 – 400 tỷ tế bào tiểu cầu trong 1 lít máu. Tuy nhiên, với những người có rối loạn đông máu dẫn đến xuất hiện các cục máu đông, số lượng tiểu cầu sẽ giảm xuống dưới 150 tỷ tế bào trong 1 lít máu. Tình trạng này thường diễn ra do bị chảy máu ồ ạt. Tuy vậy, Tiến sĩ Vivien Chen cho rằng, nếu tình hình này xuất hiện sau khi tiêm vắc-xin thì đây là báo hiệu của tình trạng đông máu bất thường có thể sẽ xảy ra, mặc dù thực tế là rất ít khi xảy ra.

Sở dĩ xuất hiện hiện tượng này là do ở một số ít người, hệ thống miễn dịch kích hoạt các kháng thể không chỉ nhận ra protein Covid-19 mà còn cả tiểu cầu. Vì thế, các kháng thể kích hoạt cả các tiểu cầu khiến cho chúng tụ lại với nhau tạo thành các cục máu đông. Tiến sĩ Vivien cho biết, vì các tiểu cầu bị dồn lại trong các cục máu đông nên số lượng của chúng trong máu bị giảm xuống.

Thứ hai, khi phát hiện tiểu cầu giảm dưới mức trung bình, bác sỹ cũng có thể chỉ định tìm kiếm các đoạn protein D-dimer trong các mẫu máu. Các protein D-dimers được cơ thể sản xuất để phá vỡ các cục máu đông vì thế theo Tiến sĩ Jim Tiao, nhà sinh học phân tử chuyên về rối loạn máu của Đại học Murdoch, protein D-dimers có thể đo mức độ đông máu trong cơ thể. Nếu D-dimers có số lượng cao hơn 5 lần so với mức trung bình thì cũng được coi là dấu hiệu của việc xuất hiện cục máu đông.

Thứ ba, sau khi phát hiểu tiểu cầu giảm, số lượng D-dimers tăng cao, xét nghiệm máu để phát hiện sự xuất hiện các kháng thể nhắm vào một loại protein PF4 hay không. Nếu phát hiện kháng thể PF4 kích hoạt các tiểu cầu trong máu người bệnh thì đó cũng là bằng chứng cho thấy xuất hiện cục máu đông.

Theo Tiến sĩ Jose Perdome, các xét nghiệm máu chỉ có thể phát hiện hiện tượng này khi người bệnh cảm thấy không khỏe và xuất hiện các triệu chứng trong giai đoạn từ 4 – 20 ngày sau khi tiêm vắc-xin. Những xét nghiệm sớm hơn thời điểm này dường như không có tác dụng. Tuy vậy điều đáng mừng là các xét nghiệm máu này sẽ có kết quả sau 1 giờ vì thế bác sỹ sẽ nhanh chóng tiến hành điều trị sau khi phát hiện bệnh lý.

Phương pháp điều trị ca rối loạn đông máu hiếm gặp do vắc-xin

Hiện nay, tại Úc đang sử dụng 2 cách thức để điều trị các ca rối loạn đông máu hiếm gặp do tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.

Thứ nhất, bệnh nhân sẽ được sử dụng thuốc làm loãng máu để làm chậm quá trình hình thành cục máu đông. Tiến sĩ Vivien Chan cho hay, loại thuốc chống đông máu phổ biến nhất được sử dụng trong trường hợp này là fondaparinux. Tuy nhiên cần lưu ý là thuốc chống đông máu thường sử dụng để điều trị các bệnh về tim là heparin lại được khuyến cáo không nên sử dụng trong trường hợp này vì có thể làm cho mọi thứ xấu đi đối với một số bệnh nhân.

Thứ hai đó là làm dịu hệ thống miễn dịch của cơ thể. Để làm được điều này, người bệnh sẽ được tiêm một lượng lớn immunoglobulin, là một loại protein của hệ thống miễn dịch của cơ thể có tác dụng làm xáo trộn hệ thống kháng thể, do đó các kháng thể do vắc-xin tạo ra không thể kích hoạt các tiểu cầu vì thế làm giảm tình trạng rối loạn đông máu dẫn đến xuất hiện các cục máu đông.

Theo Tiến sĩ Vivien Chan, thuốc làm loãng máu và một liều immunoglobulin có thể giúp đưa lượng tiểu cầu về trở mức bình thường trong vài ngày. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp nghiêm trọng thì có thể mất nhiều thời gian hơn. Tiến sĩ Vivien Chan cũng cho hay, những biện pháp can thiệp này cũng an toàn đối với cả những trường hợp xuất hiện các cục đông máu không liên quan đến vắc-xin.

Không nên lo sợ vắc-xin AstraZeneca

Mặc dù tại Úc mới chỉ xuất hiện 48 ca rối loạn đông máu hiếm gặp liên quan đến vắc-xin, trong đó 2 người thiệt mạng trong tổng số hơn 3.3 triệu liều vắc-xin AstraZeneca được tiêm cho người dân, các chuyên gia y tế của nước này đề nghị người dân nếu sau khi tiêm vắc-xin của AstraZeneca mà bị đau đầu dữ dội cho dù đã uống thuốc giảm đau thì nên đi gặp bác sỹ ngay lập tức. Còn nếu xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng khác như cảm giác tê bì, nói năng khó, hoặc đi cầu ra máu thì nên đế ngay phòng cấp cứu để được điều trị kịp thời.

Tiến sĩ Vivien Chan khẳng định mặc dù các biến chứng rối loạn đông máu rất ít xuất hiện sau khi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca song mọi người cũng cần biết được các triệu chứng để xử lý kịp thời chứ không nên lo sợ vắc-xin này./. (VOV)