Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

TQ sử dụng AI và đánh bạc để xâm nhập vào Úc


Bắc Kinh đang bị nghi ngờ xâm nhập vào Úc thông qua các tập đoàn tội phạm đánh bạc, sử dụng các trang web đánh bạc trực tuyến và một số lượng lớn tài khoản mạng xã hội giả mạo do AI tạo ra để lan truyền và quảng bá thông tin sai lệch.

Một biểu tượng AI (Trí tuệ nhân tạo) được kết hợp với bốn tài khoản Twitter giả mạo có ảnh hồ sơ rõ ràng do phần mềm AI tạo ra được chụp ở Helsinki, Phần Lan, hôm 12/06/2023. Hình AFP/Getty

The Daily Telegraph đưa tin, cơ quan tình báo Úc cho biết chính quyền cộng sản Trung Quốc đã sử dụng một tổ chức tội phạm đánh bạc xuyên quốc gia có trụ sở tại Myanmar để đưa ra thông tin sai lệch về nền chính trị Úc, chẳng hạn như cuộc trưng cầu dân ý về “Tiếng Nói Trước Quốc Hội,” thông qua các diễn đàn và phòng trò chuyện trực tuyến của nhóm này.

Mặc dù chủ đề đó là có thật nhưng các tài khoản trò chuyện do AI lập ra khuếch đại hơn nữa thông tin sai lệch được tạo ra. Ngay cả các cuộc trò chuyện do AI tạo ra từ các tài khoản Twitter với hình ảnh và nội dung trò chuyện ngẫu nhiên cũng là giả mạo, chúng đã được những người dùng Twitter thật chấp nhận, phản hồi hoặc đăng lại, vì cho rằng đó là tin tức hợp pháp.

Đặc biệt, nhiều người trong cộng đồng người Úc gốc Hoa không nghi ngờ rằng họ đang trò chuyện với AI vì những tin nhắn trò chuyện này sử dụng các thẻ bắt đầu bằng các hashtag hợp pháp dễ nhận biết như #AUKUS và #MeToo để thu hút sự chú ý.

Mặc dù các chiến dịch tuyên truyền và gây ảnh hưởng của Bắc Kinh ở hải ngoại không phải là điều gì mới lạ, nhưng đây là lần đầu tiên Bắc Kinh sử dụng một tổ chức tội phạm xuyên quốc gia làm tác nhân ủy quyền.

Một tài khoản Twitter bị nghi ngờ có liên quan đến Đảng Cộng sản Trung Quốc để quảng cáo các trang web cờ bạc trực tuyến và sử dụng các thẻ bắt đầu bằng # chính trị phổ biến của Úc để gây tranh luận. Hình cung cấp

ASPI cảnh báo công nghệ dựa trên AI của Trung Quốc

Hồi tháng trước (tháng Bảy), Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) đã công bố một báo cáo có tựa đề “Giảm thiểu rủi ro của AI độc tài” (De-risking authoritarian AI), đã cảnh báo rằng trong lĩnh vực công nghệ dựa trên AI, Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể gây ra nhiều rủi ro cho Úc hơn các cường quốc độc tài khác.

Báo cáo viết: “Trái ngược với các quốc gia độc tài khác như Nga, Iran, và Triều Tiên, Trung Quốc là một siêu cường công nghệ có năng lực và tham vọng toàn cầu, đồng thời là nhà xuất cảng lớn về công nghệ dựa trên AI hiệu quả, cạnh tranh về giá cả vào các nền dân chủ.”

Ông Simeon Gilding, tác giả của báo cáo và là thành viên cấp cao của viện, cho biết mối lo ngại không phải là năng lực AI của Trung Quốc mà là các công ty cần phải tuân theo luật an ninh trên phạm vi rộng của chính quyền độc tài này.

Một nhân viên an ninh canh gác trước tấm biển AI tại sự kiện Huawei Connect thường niên ở Thượng Hải, Trung Quốc hôm 18/09/2019. (Ảnh: Aly Song/Reuters)
Một nhân viên an ninh canh gác trước tấm biển AI tại sự kiện Huawei Connect thường niên ở Thượng Hải, Trung Quốc hôm 18/09/2019. Hình Aly Song/Reuters

Ông viết: “Họ phải tuân theo chỉ thị của các cơ quan an ninh và tình báo của CHND Trung Hoa (PRC).”

Báo cáo nêu rõ ba loại công nghệ dựa trên AI của Trung Quốc mà người Úc nên lo lắng là:

Sản phẩm và Dịch vụ (thường là cơ sở hạ tầng vật chất), trong đó quyền sở hữu của PRC khiến các nền dân chủ có nguy cơ trở thành mục tiêu của hoạt động gián điệp (đặc biệt là giám sát và đánh cắp dữ liệu) và phá hoại (gây gián đoạn và từ chối sản phẩm và dịch vụ)

Công nghệ dựa trên AI tạo thuận tiện cho sự can thiệp của ngoại quốc (bí mật gây ảnh hưởng thâm độc thay mặt cho một thế lực ngoại quốc), ví dụ phổ biến nhất là TikTok

‘AI mô hình ngôn ngữ rộng lớn’ và các hệ thống AI có tính tổng quát mới nổi khác—một mối đe dọa trong tương lai mà chúng ta cần bắt đầu nghĩ đến ngay từ bây giờ.

Giải pháp là gì?

Báo cáo của APSI đề xướng ba giải pháp khả thi để giải quyết mối đe dọa từ Bắc Kinh: kiểm tra các hệ thống hiện tại, xây dựng một “đội đỏ” gồm các chuyên gia để tìm ra lỗ hổng trong hệ thống bảo mật, và kiểm soát công nghệ mới nổi.

Một ví dụ cho giải pháp “đội đỏ” là phương pháp dùng “một kẻ trộm để bắt một kẻ trộm”.

“Chúng tôi biết rằng các cơ quan của Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu TikTok vốn được cho là cũng chứa vị trí của người dùng trong đó, vì vậy rõ ràng là các quan chức quân đội và chính phủ không nên sử dụng ứng dụng này. Các ký giả cũng nên cân nhắc kỹ về điều này. Ngoài ra, giá trị của lệnh cấm chung vì lý do an ninh kỹ thuật còn hơi mù mờ,” báo cáo cho biết.

“Đội Đỏ của chúng tôi có thể sử dụng ứng dụng này để truy cập vào hệ thống CNTT và điện thoại di động được kết nối để cài phần mềm độc hại gián điệp không? Những biện pháp giảm nhẹ hệ thống nào có thể ngăn họ truy cập vào dữ liệu trên các hệ thống được kết nối? Nếu đội này tiết lộ những lỗ hổng nghiêm trọng không thể giảm thiểu thì lệnh cấm chung có thể phù hợp”.

Du khách đi ngang qua gian hàng có camera an ninh AI sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt tại Triển lãm Quốc tế về An toàn và An ninh Công cộng lần thứ 14 của Trung Quốc tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Trung Quốc ở Bắc Kinh vào ngày 24/10/2018. (Ảnh: Nicolas Asfouri/AFP qua Getty Images)
Du khách đi ngang qua gian hàng có camera an ninh AI sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt tại Triển lãm Quốc tế về An toàn và An ninh Công cộng lần thứ 14 của Trung Quốc tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Trung Quốc ở Bắc Kinh vào ngày 24/10/2018. Hình AFP/Getty

Quy định cũng có thể bao gồm việc cấm công nghệ AI của Trung Quốc trên một số hệ thống nhất định, chẳng hạn như mạng an ninh quốc gia hoặc thiết bị của chính phủ, hoặc cấm hoàn toàn.

Ông Gilding cho biết cần có quy định để ngăn chặn các mối đe dọa an ninh tiếp theo.

“Đó là một biện pháp cân bằng trong một thế giới mà Trung Quốc không hòa bình cũng không gây chiến với chúng ta,” ông nói. “Chúng ta nên cảnh giác với những quả bóng bay trên bầu trời, nhưng chúng ta nên cân nhắc kỹ hơn về những con ma này trong máy móc”.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng lệnh cấm toàn diện sẽ tốn kém và gây rối loạn.

Ông nói: “Nhiều doanh nghiệp và nhà nghiên cứu ở các nền dân chủ muốn tiếp tục hợp tác về các sản phẩm dựa trên AI của Trung Quốc vì điều này giúp họ đổi mới, xây dựng sản phẩm tốt hơn, cung cấp dịch vụ rẻ hơn, và công bố những đột phá khoa học”.

Bộ trưởng An ninh mạng Clare O'Neil nói chuyện tại Tòa nhà Quốc hội ở Canberra, Úc, hôm 05/09/2022. (Ảnh: AAP Image/Mick Tsikas)
Tổng trưởng An ninh mạng Clare O’Neil nói chuyện tại Tòa nhà Quốc hội ở Canberra, Úc, hôm 05/09/2022. Hình AAP

Tổng trưởng Nội vụ: Không dung thứ cho sự can thiệp của ngoại quốc

Tổng trưởng Nội vụ và An ninh mạng Clare O’Neil trước đây đã cảnh báo rằng các thế lực thù địch ngoại quốc đang tìm cách gây ảnh hưởng đến nền dân chủ của Úc sẽ bị giải quyết bằng hành động nhanh chóng.

“Chúng tôi sẽ không dung thứ, trong bất kỳ trường hợp nào, những nỗ lực của các chính phủ ngoại quốc – và điều quan trọng cần nhấn mạnh là sự can thiệp của ngoại quốc không chỉ đến từ một quốc gia – nhằm bí mật gây ảnh hưởng đến nền dân chủ trân quý của chúng ta,” bà nói hồi tháng Hai, ngay trước khi ông Mike Burgess, Giám đốc Tổ chức Tình báo An ninh Úc (ASIO), tiết lộ sự can thiệp của ngoại quốc đã gia tăng đáng kể ở Úc.

“Sự can thiệp của ngoại quốc là không ngừng nghỉ, ngấm ngầm và điều này không chỉ ảnh hưởng đến các cá nhân mà về căn bản còn làm suy yếu các tiến trình dân chủ của chúng ta. Chính phủ Úc đang làm mọi thứ trong khả năng của mình để bảo vệ nền dân chủ của chúng ta trước mọi nỗ lực nhằm làm suy yếu nền dân chủ này”. (T/H, ETV)