Saturday, April 20, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Tình hình Covid toàn thế giới: Nhiều nước mạnh tay mua dự trữ vắc-xin cho tương lai

Đến 9h ngày 24-4 (giờ Úc), thế giới ghi nhận 146,184,234 ca mắc Covid-19, trong đó có 3,097,981 ca tử vong, 123,999,278 người đã bình phục. 

Phát biểu tại họp báo nhân dịp tròn một năm ra đời chương trình Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó dịch Covid-19 (ACT-A), đánh dấu sự ra đời của cơ chế tiếp cận vắc-xin toàn cầu (COVAX), Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ quan ngại về tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19 khi tới nay vắc-xin vẫn chưa đến được với các nước nghèo. Theo nhà lãnh đạo WHO, gần 900 triệu liều vắc-xin đã được sử dụng trên toàn cầu, nhưng hơn 81% trong số này là ở các quốc gia thu nhập cao hoặc trung bình. Con số này ở các nước thu nhập thấp chỉ là 0.3%.

Châu Âu

Ủy ban châu Âu cho biết Lục địa già đang tiến tới hoàn tất thỏa thuận mua vắc-xin lớn kỷ lục từ Pfizer trong những ngày tới, với số lượng lên tới 1.8 tỷ liều. 

Cơ quan quản lý dược phẩm Liên minh châu Âu (EMA) dẫn kết quả đánh giá vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca cho thấy những người càng lớn tuổi càng có hiệu quả phòng bệnh cao và lợi ích của việc tiêm vắc-xin này ở người trưởng thành vẫn lớn hơn so với rủi ro.

Đức đang gấp rút chuẩn bị cho cú “phanh khẩn cấp” –bao gồm hàng loạt biện pháp hạn chế phòng dịch dự kiến sẽ áp dụng trên toàn quốc từ hôm nay, nhằm làm chậm lại tốc độ lây lan Covid-19. Hiệp hội Y khoa nước này kêu gọi chấm dứt quy định ưu tiên tiêm chủng cũng như đẩy nhanh việc sử dụng lượng vắc-xin ngừa Covid-19 đang bảo quản trong các kho lưu trữ, trong bối cảnh số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tại nước này tăng mạnh trong những tuần qua. 

Bỉ thông báo ghi nhận sự xuất hiện của biến thể vi rút tại Ấn Độ ở quốc gia này. Biến thể mới được phát hiện ở 20 sinh viên điều dưỡng từ Paris (Pháp) đến Bỉ vào giữa tháng 4 này. 

Áo thông báo sẽ nới lỏng các biện pháp phòng dịch vào ngày 19-5 tới, cho phép nhà hàng, khách sạn và rạp hát mở cửa trở lại –lần đầu tiên sau 5 tháng. 

Thân nhân mặc đồ bảo hộ khi một bệnh nhân COVID-19 được hỏa thiêu ở New Delhi ngày 21/4 Ảnh: Reuters
Thân nhân mặc đồ bảo hộ khi một bệnh nhân COVID-19 được hỏa thiêu ở New Delhi ngày 21/4 (Hình Reuters)

Châu Á – châu Đại dương

Tình hình dịch tại Ấn Độ vẫn chưa có tín hiệu khả quan. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 345,147 ca mắc mới Covid-19 và 2,621 ca tử vong. Cả hai con số này đều là những con số ghi nhận theo ngày cao nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở quốc gia Nam Á này. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, Chính phủ Ấn Độ đã áp đặt các biện pháp mới nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Một số kỳ thi trung học đã phải hoãn hoặc hủy do tình hình dịch bệnh xấu đi.

Dịch bệnh gia tăng khiến nhiều nước trên thế giới, trong đó có Úc, Canada, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Singapore, Indonesia, siết chặt các biện pháp phòng dịch, trong đó có hạn chế và đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ Ấn Độ, cũng như không cho phép nhập cảnh hoặc quá cảnh đối với những người đã đến quốc gia Nam Á này trong vòng 14 ngày.

Tại Đông Nam Á, dịch bệnh leo thang tại một số nước. Campuchia ghi nhận thêm 655 ca lây nhiễm mới – mức cao nhất trong ngày từ trước tới nay. Trong số này, có 1 ca nhập cảnh, còn lại là lây nhiễm trong cộng đồng. Dù đã ban bố lệnh phong tỏa, song thủ đô Phnom Penh và tỉnh Preah Sihanouk vẫn có số ca nhiễm mới cao nhất cả nước.

Lào ghi nhận thêm 65 ca nhiễm SARS-CoV-2, tất cả đều là lây nhiễm cộng đồng, trong đó có 60 ca ở thủ đô Viêng Chăn. Đây là mức tăng trong ngày cao chưa từng có kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Lào. Trước tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, thêm nhiều tỉnh của Lào đã ra lệnh hạn chế đi lại và tạm thời cấm ra, vào tỉnh, trong đó có Khammuan, Bolikhamxay, Viêng Chăn và Xieng Khouang.

Trong khi đó, Thái Lan cảnh báo nếu số ca mắc mới Covid-19 tiếp tục ở mức 1,500 ca/ngày, tất cả các giường chăm sóc tích cực (IUC) sẽ kín bệnh nhân trong vòng 1 tuần ở thủ đô Bangkok và trong vòng 19 ngày trên toàn quốc. 

Tại Nhật Bản, chính phủ nước này đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh phía Tây gồm: Osaka, Kyoto và Hyogo – chỉ ba tháng trước khi sự kiện thể thao Olympic diễn ra. Đây là lần thứ 3 Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch Covid-19 ở 4 tỉnh, thành này. Quyết định có hiệu lực từ ngày 25-4 tới ngày 11-5, được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới ở các tỉnh, thành này đã tăng mạnh trong những tuần qua, khiến hệ thống y tế rơi vào tình trạng căng thẳng. Các công ty tài chính Nhật Bản ước tính, việc ban bố tình trạng khẩn cấp lần này sẽ khiến GDP của đảo quốc mặt trời mọc giảm khoảng 400 tỷ yên (4 tỷ USD), tương đương mức giảm 0.1%. 

Tại Úc, Thủ hiến tiểu bang Tây Úc Mark McGowan thông báo quyết định phong tỏa 3 ngày tại thành phố Perth, thủ phủ của tiểu bang, và khu vực phía Nam thành phố từ nửa đêm 23-4 sau khi phát hiện 2 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Các sự kiện kỷ niệm ngày lễ Anzac sẽ bị hủy bỏ ở tiểu bang này. Trong bối cảnh dịch xuất hiện trở lại ở Úc, New Zealand đã quyết định tạm dừng “bong bóng đi lại” với quốc gia láng giềng này. 

Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhận liều tiêm vắc-xin AstraZeneca tại một trạm y tế ở Ottawa (Ontario, Canada) ngày 23-4 (giờ địa phương).

Châu Mỹ

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới từ dịch Covid-19, với 584,957 ca tử vong trong tổng số 32,724,339 ca nhiễm.

Tại Canada, Thủ tướng Justin Trudeau cho biết nước này đã đạt thỏa thuận với hãng dược Pfizer để mua 35 triệu liều vắc-xin bổ sung trong năm 2022 và 30 triệu liều nữa trong năm 2023 nhằm phòng ngừa việc hiệu quả ngăn chặn SARS-CoV-2 của vắc-xin bị suy giảm và cần tiêm lại. (HNM)