Thursday, November 21, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Thay đổi lối sống tốt hơn phẫu thuật trong việc phòng ngừa đột quỵ, theo nghiên cứu Úc


Theo một nghiên cứu tại Đại học Monash của Úc, có thể hạn chế nguy cơ đột quỵ tốt hơn bằng việc thay đổi lối sống và sử dụng thuốc, thay vì thực hiện các thủ thuật xâm lấn.

Thay đổi lối sống mang lại hiệu quả cao trong việc phòng ngừa đột quỵ. Hình Friends Stock/Adobe Stock

Nhà nghiên cứu của Đại học Monash, phó giáo sư Anne Abbott đến từ Trường Lâm sàng Trung ương đã phân tích dữ liệu trong hơn 40 năm về các phương pháp điều trị phổ biến cho chứng hẹp động mạch cảnh tiến triển – nguyên nhân hàng đầu gây ra đột quỵ. Kết quả cho thấy, trong việc giảm thiểu nguy cơ đột quỵ, phẫu thuật và đặt stent chỉ có hiệu quả tương đương hoặc thậm chí thấp hơn so với việc thay đổi lối sống (bao gồm cách ăn uống, tập luyện, và không hút thuốc) kết hợp với việc dùng thuốc thích hợp.

Hẹp động mạch cảnh là một tình trạng bệnh lý ảnh hưởng đến 10% những người ở độ tuổi 80, do sự tích tụ chất béo (các mảng xơ vữa) ở thành động mạch, từ đó hạn chế cấp máu lên não và dẫn đến nguy cơ cao mắc đột quỵ.

Theo phân tích của Đại học Monash, nguy cơ đột quỵ ở những bệnh nhân hẹp động mạch cảnh tiến triển không có triệu chứng đã giảm ít nhất từ 65% xuống còn 1% hoặc ít hơn ở những người chỉ dùng các phương pháp không xâm lấn. Nguy cơ này là tương đương hoặc thấp hơn nguy cơ ở những người đã trải qua phẫu thuật mạch cảnh hoặc đặt stent trong các thử nghiệm trước đó.

Trong một thông cáo trên Monash vào ngày 18/07, bà Abbott nói rằng những phát hiện trên đã làm thay đổi nhận thức sai lầm phổ biến về việc phẫu thuật hoặc đặt stent là phương pháp điều trị tốt nhất cho chứng hẹp động mạch cảnh mặc dù nguy cơ gây hại nhiều hơn là lợi.

Bà giải thích: “Đây là sai lầm phổ biến dẫn đến việc chăm sóc bệnh nhân không thích hợp, gây ra những tổn thất lớn và là nguyên nhân của tử vong sớm, đồng thời lãng phí các nguồn lực y tế quan trọng.”

“Mọi người cần hiểu rằng chính bản thân họ sở hữu tiềm năng lớn nhất để phòng ngừa đột quỵ cho chính mình,” bà nói, và bổ sung thêm rằng các thói quen sinh hoạt lành mạnh như hoạt động thể chất, ăn uống cân bằng và bỏ hút thuốc, kết hợp với dùng thuốc phù hợp sẽ giúp giảm thiểu các yếu tố nguy cơ chính như tăng huyết áp, do đó giúp giảm nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim một cách hiệu quả.

Phòng ngừa đột quỵ
Hình ảnh 3D minh họa quá trình nong mạch và đặt stent. Hình SciePro/Adobe Stock

Biến chứng có thể gặp phải của phẫu thuật mạch cảnh và đặt stent

Thủ thuật cắt bỏ nội mạc mạch cảnh (CEA) được thực hiện bằng cách rạch một đường ở cổ phía trên mạch cảnh bị tổn thương, sau đó mở rộng động mạch và loại bỏ mảng bám. Cuối cùng là khâu động mạch liền lại.

Biến chứng của thủ thuật trên bao gồm: đột quỵ, thiếu máu não cục bộ thoáng qua, nhồi máu cơ tim, các vấn đề về thần kinh liên quan đến chức năng cụ thể của mắt, tai, mũi hoặc lưỡi, xuất huyết trong não, hẹp [động mạch] mới ở phía đối diện, nhiễm trùng, tăng huyết áp và nhịp tim không đều.

Trong khi đó, thủ thuật nong mạch và đặt stent mạch cảnh được thực hiện bằng cách luồn một ống nhỏ thông với đầu bóng từ động mạch đùi ở vùng bẹn đến chỗ hẹp của động mạch cảnh, dưới sự hướng dẫn của X-quang.

Đầu bóng sẽ được bơm căng để đẩy mảng bám và mở rộng lòng mạch, sau đó một ống lưới kim loại nhỏ (stent) được đặt vào để cố định và ngăn mạch tái hẹp. Tiếp theo, ống thông sẽ được rút ra.

Những rủi ro có thể xảy ra liên quan đến thủ thuật gồm: đột quỵ hoặc thiếu máu cục bộ thoáng qua, do cục máu đông vỡ ra và di chuyển đến não trong quá trình nong mạch. Cục máu đông cũng có thể hình thành trong stent chỉ vài tuần hoặc vài tháng sau khi thực hiện thủ thuật, từ đó dẫn đến đột quỵ.

Bà Abbott cũng nhấn mạnh rằng tỷ lệ đột quỵ hiện đang rất thấp, vì mọi người thường chỉ thực hiện các can thiệp không xâm lấn. Vậy nên, thủ thuật với động mạch cảnh không chắc mang lại bất kỳ lợi ích nào cho đại đa số người bệnh.

Bà nói: “Tuy nhiên, thủ thuật với động mạch cảnh vẫn được thực hiện phổ biến tại Úc và nước ngoài, và tiếp tục gây ra các biến chứng đáng kể, bao gồm đột quỵ, tử vong và nhồi máu cơ tim, mặc dù rất tốn kém.”

Hiện tại bà Abbott đang kêu gọi cơ quan y tế nên sử dụng những phương pháp can thiệp không xâm lấn và tạm dừng các thủ thuật không cần thiết tiềm ẩn mối nguy hiểm để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Phân tích của bà Abbott được công bố trên tạp chí khoa học mở Frontiers in Neurology. (T/H, ETV)