Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Tháng Tư với đêm nhạc “Quê hương ở lại”


“Tháng Tư lại về”, hàng năm khoảng thời gian này cụm từ này lại về với tôi và luẩn quẫn trong đầu óc tôi rất lâu. Chỉ vỏn vẹn bốn chữ tháng Tư lại về mà nó mang lại cho tôi một ký ức thật đầy về một tháng Tư năm xưa thật buồn và nặng trĩu. Mỗi năm tháng Tư về, ở trong nước bao nhiêu lễ lạc, đình đám vẫn diễn ra bất chấp mối hoài niệm về quá khứ vẫn nặng lòng nhiều người Việt, bất chấp mối ưu tư về tương lai đất nước vẫn canh cánh trong lòng những người còn tâm huyết với quê hương đất nước. Những người còn lương tâm và tự trọng không bao giờ vui sướng được trong nỗi thống khổ to lớn ấy của dân tộc. Ở hải ngoại, tháng Tư cũng có những buổi văn nghệ, những buổi văn nghệ vô thưởng vô phạt có, những buổi văn nghệ có tác hại cũng có. Nhưng bên cạnh đó, những buổi văn nghệ có giá trị của những người còn có lòng vẫn còn, mang lại cho chúng ta người Việt tha hương những hình ảnh cũ để chúng ta cùng được sống lại, được hít thở trong dòng nhạc xưa. Tôi muốn nói tới đêm nhạc “Quê hương ở lại” để “Kỷ niệm về Sài Gòn và Người Lính VNCH”.

Trước Đêm Nhạc, dầu chưa tham dự nhưng tôi đã có cái cảm giác tin tưởng qua poster quảng cáo. Poster thật đẹp, bắt mắt và được design thật cẩn thận đã chứa sẵn một nội dung hứa hẹn một đêm nhạc giá trị. Đúng là chương trình văn nghệ có giá trị từ hình thức đến nội dung.

Những bản nhạc ngày xưa cũ thấm đẫm tình tự dân tộc, ngợi ca quê hương đã được cẩn trọng tuyển chọn và trình bày. MC Đinh Hiếu với dẫn giải thật súc tích đã làm tăng giá trị văn nghệ và giá trị tinh thần của đêm nhạc.

Đêm nhạc “Quê hương ở lại” chất đầy âm nhạc đã đưa tôi và mọi người về lại ngày xưa, đã cho người nghe sâu lắng về một thời để nhớ, đó là những kỷ niệm đẹp khó quên. Ngày xưa là một kỷ niệm đẹp như nắng tươi vàng của một thời tuổi trẻ ngập tràn khát vọng.

Đêm Nhạc đã đưa được người nghe trở về ngày tháng quê hương thanh bình với “Bức họa đồng quê”. Những bài hát nhạc chủ đề tình yêu quê hương như “Con đường tình ta đi” và “Trả lại em yêu” của Phạm Duy qua tiếng hát của Hoàng Trang, “Con đường xưa em đi” của Châu Kỳ qua tiếng hát của Lâm Thi đã đưa người nghe trở về một trời kỷ niệm.

“Thời gian tựa cánh chim bay, Qua dần những tháng cùng ngày” là Hoài Cảm của Cung Tiến qua tiếng hát của Hoàng Hiệp đã làm cho người nghe khắc khoải về một “Mùa cũ êm vui” mà “Nhớ thương biết bao giờ nguôi”.

Rồi tình hình chiến sự gia tăng, rồi chiến tranh lan tràn, rồi tuổi trẻ trĩu nặng lên đường theo tiếng gọi núi sông bảo vệ quê hương, đã bỏ lại sau lưng phố thị hoa đèn, mái trường, người tình, người vợ để vào nơi gió cát, lấy máu đào tô thắm sử xanh. “Đi quân dịch là thương nòi giống”, “Cầm tay súng tòng quân tươi cười” (Bức tâm thư – Lam Phương).

Ca khúc “Một mai giã từ vũ khí” được trình bày mang một cảm xúc sâu lắng, chất chứa bao mong mỏi, ước ao tưởng chừng đơn giản nhưng lại khó thực hiện của người lính chinh chiến xa nhà. Là niềm mong ước “Rồi có một ngày, sẽ một ngày chinh chiến tàn”, chiến tranh kết thúc để người lính có thể bỏ lại sau lưng “Thép gai giăng với lũy hào sâu, Lỗ châu mai với những địa lôi” trả lại súng đạn cho chiến trường khói lửa, nói lên nỗi ước vọng hòa bình của những người lính.

Rồi những năm 70, tình hình chiến sự leo thang, chiến tranh ác liệt, nhiều người lính đã phải đền nợ nước, bỏ lại thân xác trên chiến trường khói lửa, giã từ vũ khí trong đau thương. Nhiều người lính may mắn trở về được quê nhà nhưng lại không trọn vẹn thân thể. Nhạc phẩm “Giữa quê người tôi hát tên anh” của nhạc sĩ Dzuy Lynh qua tiếng hát của Hoàng Trang và Ánh Hằng đã tạo cho người nghe một nỗi buồn xót xa, như một mũi kim xoáy vào vùng trời dĩ vãng làm lòng tôi ray rứt và làm cho người nghe tuôn trào những giọt lệ chua xót ngậm ngùi.

Thời gian đã trôi qua quá lâu nhưng hình ảnh người lính kiêu hùng năm xưa vẫn còn sống mãi trong ký ức của tôi và mọi người. Người thương binh đã mất nước vẫn âm thầm cay đắng hiên ngang làm người. Cuối bài hát là một đoạn clip mặc niệm để tưởng nhớ các dân, quân, cán, chính VNCH đã hy sinh trong công cuộc chiến đấu chống lại sự xâm lược của Cộng Sản để bảo vệ tự do cho miền Nam Việt Nam. Cuối clip, lúc mọi người đang lắng động thì tiếng mấy phát súng lục vang lên làm xé tan sự yên lặng của hội trường. Không cần dẫn giải, không cần một lời giải thích, ai cũng hiểu được rằng đó là những phát súng tự kết liễu đời mình của 5 vị tướng VNCH tuẫn tiết ngay trong ngày 30/4. Hội trường lúc đó đèn mờ mờ tối và thật im lặng, nhưng trong câm lặng đó ai cũng có thể nghe được tiếng uất nghẹn và thấy được những giọt nước mắt rơi trên má của không ít người.

Rồi vận nước đổi thay, miền Nam VN rơi vào tay cộng sản, quân đội VNCH phải bị bức tử và người dân đã đã hốt hoảng bỏ nước ra đi. Thời gian qua đi thật nhanh, mới đó đã gần 50 năm. “Quê hương ơi, Việt Nam nước tôi, tôi mong ngày về từng phút người ơi” là “Đường về quê hương” của nhạc sĩ Lam Phương qua trình bày của Triệu Minh đã làm não lòng người nghe.

“Tôi vẫn tin, tôi vẫn tin mãi sẽ có ngày trở lại; Sài Gòn ơi, sao em còn mãi trong tim tôi” (Biết bao giờ trở lại – Ngô Thuỵ Miên)

Và Tháng Tư lại về, “Tháng Tư cay đắng xót xa lòng, Ta đi bỏ quê hương ở lại”

Ta bỏ lại Sài Gòn hoa lệ

Chọn làm người viễn xứ lưu vong! Bốn mươi bảy mùa xuân dâu bể Tháng Tư cay đắng xót xa lòng

Đó là “Quê hương ở lại” của nhạc sĩ Dzuy Lynh Hàn Dạ Lữ và cũng là chủ đề của đêm nhạc Kỷ niệm về Sài Gòn và Người Lính VNCH. Tháng Tư, chúng ta người Việt tỵ nạn hải ngoại rất cần những buổi nhạc như thế này để ôn lại một thời đã qua, một trời kỷ niệm, để giữ lửa và để nung nóng tinh thần VNCH.

Vĩnh Thao

Tháng Tư 2022