Tại sao hộ chiếu vắc-xin đang gây ra hỗn loạn?
Hỗn loạn là do con người, không phải do công nghệ
Không nhiều quốc gia yêu cầu hộ chiếu trước chiến tranh thế giới thứ nhất. Nhưng khi xung đột lan rộng, các nước tranh nhau đưa ra giấy thông hành để giúp bảo vệ biên giới của họ. Kết quả là, sau hiệp định đình chiến, một đống thông tin gây hoang mang về các quốc tịch khác nhau tạo ra tình trạng hỗn loạn hơn là sự rõ ràng tại các cửa khẩu biên giới. Nhưng việc quay trở lại một thế giới nơi mọi người có thể đi lại tự do xuyên biên giới là điều không tưởng.
Năm 1920, Hội Quốc Liên (the League of Nations) vào cuộc. Tổ chức này đã thiết kế một tập sách nhỏ 32 trang với tên quốc gia trên bìa và thông tin cá nhân cơ bản như nơi ở và ngày sinh. Một số chính phủ phàn nàn – Pháp cho rằng tập sách này quá đắt so với tài liệu chỉ có một tờ của họ – và quốc gia này phải mất vài năm để thích nghi. Nhưng ngày nay tất cả các hộ chiếu đều theo cùng một kiểu. Dù ở sân bay Heathrow ở Anh hay Moshoeshoe I International ở Lesotho, nhân viên hải quan có thể xem qua hộ chiếu và khá chắc chắn về quyền đi lại của người sở hữu.
Trong đại dịch covid-19, một quá trình tương tự đang diễn ra. Các quốc gia đã gấp rút làm hộ chiếu vắc-xin để ngăn chặn vi-rút ở biên giới — hoặc ở cửa ra vào nhà hàng hoặc phòng tập thể dục. Thường thì người dân phải chứng minh rằng đã chủng ngừa, mới có kết quả xét nghiệm âm tính, hoặc đã mắc covid và bình phục.
Lần này các chính phủ không đơn độc. Công nghệ đã mở rộng cánh cửa cho những công ty như IBM và Microsoft, các hiệp hội ngành như Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế và các tổ chức phi chính phủ như Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Ba sinh viên chưa tốt nghiệp tại Đại học Khoa học Ứng dụng Upper Austria đã thức nhiều đêm mùa hè năm ngoái để tạo ra một loại giấy thông hành xuyên Liên minh châu Âu. Những sinh viên này không có đủ khả năng tiếp thị, nhưng ứng dụng này, GreenPass, đã được tải xuống 100,000 lần.
Như trong cuộc Đại chiến, tình trạng cấp bách lấn át sự phối hợp. Ấn Độ, đã tiêm hơn 1 tỷ liều vắc-xin hiện có giấy chứng nhận “CoWIN” với mã QR, thông tin nhận dạng và một bức ảnh dễ gây nhầm lẫn do đó là ành của thủ tướng Narendra Modi chứ không phải của người mang giấy thông hành. Người Anh có thể chọn giữa mã QR trên ứng dụng hoặc trang web của Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) hoặc thư xác nhận của bác sĩ. Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố sẽ không tạo cơ sở dữ liệu tiêm chủng quốc gia nhưng ở Mỹ đang sử dụng nhiều thẻ y tế của nhà nước và tư nhân khác nhau.
Vấn đề là những giấy thông hành này không thể thay thế nhau. Chũng hầu hết trông giống nhau: mã QR trên điện thoại thông minh hoặc một mảnh giấy. Tuy nhiên, ngay cả việc quét mã cũng có thể là một vấn đề. Các ứng dụng xác minh khác nhau đọc các thẻ khác nhau. Sau khi được quét, các mã này cung cấp nhiều thông tin khác nhau, tùy thuộc vào hệ thống y tế quốc gia hoặc địa phương hoặc thái độ về quyền riêng tư. Một số hộ chiếu vắc-xin, như CommonPass được sử dụng ở các vùng của Hoa Kỳ, chia sẻ dữ liệu thô về tình trạng tiêm chủng. Những loại giấy khác, như giấy thông hành do NHS phát hành, chỉ mang lại một biểu tượng, một dấu tích hoặc một chữ thập. Và luật không cố định. Trong đợt gia tăng ca nhiễm trong tháng này, Israel đã thu hồi “thẻ xanh” của 2 triệu người chưa được tiêm liều tăng cường.
Áp lực hành chính, thương mại và thậm chí tâm lý là điều không tránh khỏi ở các sân bay. Dù số lượng khách du lịch đã giảm từ 85% đến 90%, nhưng từ cổng ra máy bay trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Dòng người đứng đợi kéo dài khi du khách phải lục tìm giấy chứng nhận và mã QR. Nhân viên hải quan chật vật theo dõi cơ quan quản lý nhà nước đã phê duyệt loại vắc-xin nào và kết quả xét nghiệm có hiệu lực trong bao lâu đối với những điểm đến nào. Như Corneel Koster, giám đốc khách hàng và điều hành của hãng hàng không Virgin Atlantic, đã nói: “Tình hình giống như người ta đang ở trong như một khu rừng rậm”.
Đã đến lúc phải tiêu chuẩn hóa. Tuy nhiên, thiết kế một thẻ sức khỏe kỹ thuật số phức tạp hơn thiết kế một giấy thông hành. Hộ chiếu có thể tiết lộ tuổi tác, nhưng thẻ tiêm vắc-xin là cánh cổng dẫn đến thông tin sức khỏe cá nhân, có khả năng là rất nhiều thông tin cá nhân. Điều đó làm mọi người sợ hãi. Ngay cả ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao, mức ủng hộ giấy thông hành vắc-xin cũng khác nhau, từ 52% ở Hungary đến 84% ở Anh. Ở Ấn Độ, người ta đã quen với việc chia sẻ dấu vân tay và quét mống mắt của hệ thống nhận dạng sinh trắc học Aadhaar. Tuy nhiên, nhiều người, như Debjani Mazumder, một giám đốc điều hành xuất bản ở Delhi, lo lắng về việc các công ty dược phẩm và công ty bảo hiểm nắm được hồ sơ sức khỏe của họ. Bà Mazumder nói: “Tôi cảm thấy mình giống như một con chuột bạch.
Về lý thuyết, công nghệ kỹ thuật số sẽ giúp dễ dàng xác minh tình trạng tiêm chủng. Tuy nhiên, vì các ứng dụng xác minh không thể nhận ra tất cả các mã QR, nhiều người xác minh sử dụng Phương pháp mà Edgar Whitley tại Trường Kinh tế London gọi là phương pháp tiếp cận “làm cho có”, tức là chỉ nhìn kỹ vào chúng. Thị trường chợ đen đang phát triển mạnh. Oded Vanunu tại Check Point Software Technologies, một công ty an ninh mạng, đã đóng giả người mua và đã tìm được nguồn cung cấp giấy chứng nhận vắc-xin giả của Pháp với giá €75 ($87), của Nga với giá 9,500 rúp ($134) và của Singapore với giá €250 trên các trang web đen và Telegram. Những giấy thông hành giả mạo này trông giống như thật nhưng sẽ lộ ra là giả nếu được quét đúng cách.
Khi đại lý của các hãnghàng không, người sử dụng lao động và nhân viên quầy bar quét mã QR, họ sẽ kiểm tra hai thứ: xác nhận rằng người mang giấy thông hành đã được tiêm phòng hoặc xét nghiệm covid và chữ ký điện tử chứng minh thông tin đến từ một tổ chức phát hành đáng tin cậy. Để có sự đồng nhất giữa các thẻ sức khỏe kỹ thuật số, cần xác định cụ thể những thông tin nào là cần thiết, cũng như cách đặt tên và nhóm những thông tin đó. Điều đó lẽ ra phải tương đối dễ dàng. Vào tháng 8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố hướng dẫn khuyến nghị dữ liệu tối thiểu cho một giấy xác nhận. Trên đó cần phải có tên và ngày tháng năm sinh cộng với nhãn hiệu và số lô của vắc-xin. Việc xác định ai đã chủng ngừa thì có giấy có giấy không.
Điều khó khăn hơn là tạo ra một hệ thống thống nhất để kiểm tra chữ ký số của các cơ quan y tế. Tạo một kho lưu trữ tất cả các chữ ký đáng tin cậy là một việc tốn kém và đầy căng thẳng về mặt chính trị. Các quốc gia có dịch vụ y tế quốc gia, như Anh, chỉ có một tổ chức phát hành. Nhưng ở Mỹ, có khoảng 300, bao gồm chính quyền tiểu bang, bệnh viện và nhà thuốc.
Nếu không có cách đáng tin cậy để xác minh các giấy thông hành, thì ngay cả những công nghệ tiên tiến nhất cũng phải chịu thua. George Connolly là giám đốc điều hành của OneLedger, công ty đã thiết kế OnePass, một hộ chiếu vắc-xin dựa trên blockchain. Ông nói rằng nó chỉ có quyền truy cập vào dữ liệu từ khoảng 20 khu vực pháp lý. Vì vậy, ông ta yêu cầu các nhà thầu kiểm tra thẻ từ nơi khác bằng cách gọi điện và gửi thư điện tử cho các cơ quan y tế. Dakota Gruener đứng đầu ID2020, một tổ chức hợp tác công tư tập trung vào thẻ nhận dạng cá nhân kỹ thuật số, trợn mắt. “Có cần blockchain không? Không,” bà nói. “Có phải blockchain làm cho người ta mất tập trung? Đúng vậy.”
Những người thích theo lối cổ điển có lý do để cảm thấy tự mãn. Như Albert Fox Cahn của nhóm vận động Dự án Giám sát Công nghệ Giám sát nói: “Rất nhiều tiền được chi cho việc xây dựng hàng rào kim loại mới sáng bóng này trong xã hội của chúng ta khi cánh cổng gỗ vẫn hoạt động tốt”. Những mẩu giấy có chữ ký của các bác sĩ lâm sàng, giống như “thẻ vàng” là đủ để làm hồ sơ tiêm chủng trong nhiều thập niên. Những giấy thông hành kiểu này mang tính toàn cầu hơn, do nhiều người ở các nước nghèo không có điện thoại thông minh. Đánh giá theo giá chợ đen, hộ chiếu vắc-xin bằng giấy không dễ làm giả hơn nhiều so với loại điện tử. Các giấy chứng nhận vắc-xin giả mạo giấy do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cấp có giá 150 đô la một tờ trên Telegram, đắt hơn chứng nhận kỹ thuật số.
Vượt qua biên giới
Trở ngại lớn nhất đối với một kiểu hộ chiếu vắc-xin hợp lý không phải là công nghệ mà là địa chính trị. Sẽ cần một tổ chức đáng tin cậy trên toàn cầu có đủ hiểu biết về y tế, công nghệ và ngoại giao để các quốc gia đồng ý về các tiêu chuẩn toàn cầu. Điều này có vẻ như vai trò rõ ràng dành cho WHO. Tuy vậy, bị lôi kéo vào sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, tổ chức này đã bị mọi phía mắng mỏ vì việc xử lý đại dịch. Với giấy thông hành kỹ thuật số, WHO đã tự đưa mình vào thế gặp rắc rối. Ngay cả khi đã xuất bản các tài liệu dài dòng mô tả hộ chiếu vắc-xin nên như thế nào, họ vẫn khẳng định rằng không nên yêu cầu bằng chứng tiêm chủng khi đi du lịch quốc tế vì việc phân phối vắc-xin quá lệch sang các quốc gia giàu có.
Điều quan trọng là, WHO đã từ chối tham gia vào việc xác định giá trị và tính trung thực của một loại hộ chiếu . Duy trì một danh sách các bên ký kết đáng tin cậy sẽ đòi hỏi một đội ngũ nhân viên lớn. Những lựa chọn mang tính chính trị cũng cần phải có, chẳng hạn như công nhận chữ ký từ Palestine hay Afghanistan, và loại vắc-xin nào đủ tốt. WHO cũng sẽ phải làm gì khi có quốc gia vi phạm các quy tắc. Carmen Dolea, người đứng đầu Ban Thư ký Phụ trách Luật lệ Y tế Quốc tế tại WHO, cho biết nhiệm vụ này vượt quá trách nhiệm được giao của tổ chức này. “Có những vấn đề về trách nhiệm pháp lý,” bà nói thêm.
Tuy nhiên thế giới dường như đang hội tụ vào một vài tiêu chuẩn và công nghệ. Ví dụ: các tiêu chuẩn của Liên minh Châu Âu về chứng chỉ mã hóa kỹ thuật số cũng đang được Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Sĩ sử dụng. Sri Lanka và Philippines chọn làm như Ấn Độ.
WHO nói, bước tiếp theo là để các nước đàm phán các thỏa thuận song phương hoặc khu vực. Các cuộc đàm phán gần đây giữa Anh và Ấn Độ cho thấy điều này có thể lộn xộn như thế nào. Anh đã từ chối công nhận giấy chứng nhận vắc-xin CoWIN của Ấn Độ, một phần vì chúng không nêu rõ ngày sinh chính xác của người mang vắc-xin. Chính phủ ở New Delhi chỉ yêu cầu năm sinh vì nhiều người Ấn Độ nghèo không biết chính xác ngày sinh của họ. Việc hạn chế đi lại khiến người trong gia đình xa cách nhau và các chuyến công tác bị đình trệ trong nhiều tuần trước khi đạt được một thỏa thuận vào đầu tháng này. Ấn Độ đã thêm ngày chính xác, lý do rằng hầu hết những người có đủ khả năng đi du lịch quốc tế đều biết ngày sinh của họ.
Một số người trong cuộc vẫn nghĩ rằng họ có thể khắc phục các vấn đề của quản trị kém với nhiều công nghệ hơn. Nandan Nilekani, người đồng sáng lập công ty công nghệ Infosys và là công ty phát triển hệ thống Aadhaar của Ấn Độ, đang đặt hy vọng vào “bộ điều hợp” có thể chuyển đổi một loại giấy thông hành này thành một loại khác. Việc tạo các bộ điều hợp sẽ giống như việc tìm ra cách giúp người mua sắm không phải loay hoay với thẻ American Express, MasterCards và thẻ Visa trong trường hợp các cửa hàng yêu cầu các loại thẻ thanh toán khác nhau. Nhưng công nghệ xây dựng cầu nối giữa các loại giấy thông hành sẽ không giải quyết được vấn đề là các nhà phát hành sẽ phải tin tưởng lẫn nhau — và người dùng sẽ phải tin tưởng vào các bộ điều hợp đang tìm kiếm dữ liệu sức khỏe của họ.
Có lẽ, từ đống tro tàn của đại dịch, thế giới sẽ nghĩ ra một hộ chiếu vắc-xin kỹ thuật số chuẩn có thể thay thế thẻ vàng. Nhưng khi covid vẫn đang giết chết hàng nghìn người mỗi tuần, thì việc tranh cãi về mã QR và chữ ký số giữa các tổ chức đa phương, các nhóm công nghệ và các quốc gia là chuyện không quan trọng, nếu không muốn nói là làm cho người ta phân tâm. Hộ chiếu tiêm vắc-xin sẽ không bao giờ ngăn chặn được vi-rút mà chỉ có vắc-xin mới có thể làm được. Hơn 3/4 người dân ở Đan Mạch, Singapore và Qatar được tiêm chủng đầy đủ theo Đại học Johns Hopkins. Tuy nhiên, chưa đến 1% người Ethiopia và Uganda được tiêm chủng. Một ngày nào đó, hộ chiếu vắc-xin có thể giúp giữ hòa bình. Nhưng ngay bây giờ thế giới phải tập trung để chiến thắng cuộc chiến đại dịch. (VNTB theo The Economist)