Thursday, April 25, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

So sánh vắc-xin của AstraZeneca và Pfizer/BioNTech

Anh ngày 30/12 trở thành nước đầu tiên chấp thuận vắc-xin chống COVID do công ty AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford sản xuất.

Vắc-xin của AstraZeneca hiệu nghiệm ra sao so với các vắc-xin khác?

Nhìn chung, tính hiệu nghiệm từ vắc-xin của AstraZeneca/Oxford trong việc phòng ngừa lây nhiễm có triệu chứng là 70.4% so với 95% hiệu nghiệm của vắc-xin do Pfizer/BioNTech sản xuất vốn cũng đã được Anh chấp thuận.

Trong hướng dẫn cho nhân viên y tế, Anh ngày 30/12 cho biết hiệu nghiệm một liều duy nhất ở mức 52.7% dù một cố vấn y tế Anh cho hay một liều AstraZeneca hiệu nghiệm 70% sau 3 tuần.

Các nhà ban hành qui định Anh khuyến cáo tiêm bồi thêm một liều thứ nhì sau mũi tiêm đầu tiên từ 4 đến 12 tuần, vì tính hiệu nghiệm lên đến 80% đạt được trong 3 tháng giữa hai liều tiêm, một viên chức liên hệ đến quyết định chấp thuận của Cơ quan Ban hành Qui định về Thuốc men và Các sản phẩm y tế (MHRA) nói.

Những khác biệt khác là gì?

Đó là công nghệ, giá cả và khâu tồn trữ.

Thuốc chủng ngừa của AstaZeneca là một “vắc-xin véc-tơ virus”: một virus thường gây bệnh cảm thông thường nơi loài khỉ chuyển giao những chỉ dẫn về gen cho tế bào con người để làm cho các gai nhọn protein nhô ra bên ngoài bề mặt virus corona.

Vắc-xin của Pfizer/BioNtech sử dụng một công nghệ mới đưa những thông tin RNA (mRNA) vào những giọt chất béo nhỏ để chỉ thị cho tế bào làm ra các gai protein này.

AstraZeneca hứa vắc-xin của họ chỉ tốn vài đô la một liều và được bán không lợi nhuận, trong khi vắc-xin Pfizer có giá từ 18.40 đến 19.50 đô la một liều.

Một vắc-xin mRNA của Moderna, được chấp thuận tại Mỹ, tốn khoảng 37 đô la.

Vắc-xin AstraZeneca không đòi hỏi phải tồn trữ ở nhiệt độ siêu lạnh là âm 70 độ C như vắc-xin mRNA của Pfizer/BioNTech, và đã được sản xuất hàng triệu liều.

Vắc-xin AstraZeneca có thể giữ trong tủ lạnh thông thường đến 6 tháng.

Vắc-xin này cũng không tốn nhiều tiền trong việc sản xuất, tạo hy vọng cho những nước đang phát triển vốn đa phần bị gạt qua bên lề trong những giai đoạn đầu xuất hiện vắc-xin.

Anh đã chấp thuận, các nước có làm theo?

Khi Anh ký chấp thuận vắc-xin Pfizer/BioNTech vào đầu tháng 12 gây áp lực cho các nhà ban hành qui định nơi khác, và Mỹ và Châu Âu theo sau không lâu sau đó.

Vắc-xin mRNA tương tự của Moderna cũng nhận được sự chấp thuận của Mỹ.

Hành động của Anh ủng hộ vắc-xin AstraZeneca đặt ưu tiên cho việc tiêm chủng nhanh chóng càng nhiều người càng tốt, trước khi tất cả những câu hỏi về sự hữu hiệu và liều lượng thích hợp nhất được đưa ra.

Thiếu những quan ngại an toàn, các nhà ban hành qui định Anh có thể chọn lựa giữa việc chọn hoàn hảo và làm những gì đang có.

Dù một giới chức thuộc Cơ quan Thuốc men Châu Âu trong tuần cho hay vắc-xin có phần chắc không chắc được chấp thuận trước cuối tháng 1, nhưng một giới chức vắc-xin hàng đầu của Đức ngày 30/12 cho biết ông vẫn hy vọng một “quyết định nhanh chóng” của Châu Âu vì tiến trình duyệt xét đang tiến hành tốt.

Các nhà ban hành qui định Ấn Độ cũng đang thảo luận việc chấp thuận khẩn cấp vắc-xin AstraZeneca, được bào chế với sự hợp tác của Viện Huyết thanh Ấn Độ.

Người nào được tiêm loại vắc-xin nào?

Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh không để cho người dân chọn vắc-xin.

Tuy nhiên với một vài vắc-xin hiện có, các nước cần quyết định người nào sẽ nhận được vắc-xin nào vì một số người có thể thích được tiêm loại vắc-xin có tính hiệu nghiệm cao hơn.

Các chuyên gia nói sự khác biệt giữa tỉ lệ hiệu nghiệm khiến cho việc lựa chọn khó khăn.

Ông Thomas Mertens, người đứng dầu STIKO, một ủy ban chuyên gia Đức về sử dụng vắc-xin, nói với Reuters là tổ chức của ông dự trù nêu vấn đề này “trong tương lai gần” vào lúc ủy ban hy vọng là có thể đưa ra một chiến lược có ảnh hưởng lớn nhất với mức cung có giới hạn.

Tuy nhiên, một số chuyên gia nói chọn lựa này có thể là hoang phí mà một số nước không kham nổi. (VOA)