Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Sau bỏ rác BRI: Úc đe dọa hủy hợp đồng TQ thuê cảng Darwin

Sau khi hủy bỏ thỏa thuận “Vành đai và Con đường” (BRI) tiểu bang Victoria, chính phủ Úc lại đe dọa hủy hợp đồng cho công ty Trung Quốc thuê cảng Darwin 99 năm, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ.

Tổng trưởng Quốc phòng Úc, Peter Dutton gây sóng gió với phát biểu về việc hủy bỏ cho Trung Quốc thuê cảng Darwin 99 năm (Hình Guancha).

Theo trang tin Four Corners ngày 26/4, trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình ABC hôm 25/4, Tổng trưởng Bộ Quốc phòng Úc Peter Dutton khi nói về cho công ty Trung Quốc thuê cảng Darwin trong 99 năm, cho rằng “thực tế có hàng nghìn trường hợp như vậy cần được xem xét lại. Tổng trưởng Ngoại giao Marise Payne đang xử lý tất cả các trường hợp kiểu này”.

Ông Dutton nói thêm: “Đối với các trường hợp mà bà ấy đang xem xét, tôi không nói trước hoặc ám chỉ điều gì. Tôi nghĩ bà Marise nên nghiên cứu những trường hợp này. Nếu chúng không phù hợp lợi ích quốc gia của chúng ta, thì chắc hẳn bà ấy sẽ hành động”.

Về vấn đề này, tờ The West Australian chạy tiêu đề, “Dutton: Có thể chấm dứt hợp đồng thuê cảng của Trung Quốc” Tờ The New Daily khi đưa tin về vụ này cũng giật tít “Dutton nói rằng việc cho Trung Quốc thuê cảng Darwin không phải là không thể thay đổi”.

Vào tháng 11 năm 2015, chính phủ Lãnh thổ phía Bắc đã quyết định cho một công ty Trung Quốc thuê cảng Darwin (trong ảnh) trong 99 năm (Hình NT Government)

Điều đáng nói là trước đó vào ngày 21/4 chính phủ Úc đã thông báo hủy bỏ thỏa thuận “Vành đai và Con đường” đã ký giữa chính phủ tiểu bang Victoria và Trung Quốc.

Ngày 22/4, Chính phủ Úc tuyên bố rằng quyết định hủy bỏ hai thỏa thuận giữa tiểu bang Victoria và Trung Quốc về sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường” là để đảm bảo tính nhất quán trong quan hệ đối ngoại của Úc và không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào.

Tổng trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne ngày 22/4 cho biết Úc nỗ lực tiếp xúc với Trung Quốc và “yêu cầu tất cả các chính phủ trên toàn thế giới tôn trọng thẩm quyền ra quyết định của chính phủ chúng tôi”.

Vị trí cảng Darwin (Úc) đang cho Trung Quốc thuê 99 năm.

Trang Guancha (Nhà quan sát) của Trung Quốc tối 25/4 đăng bài cho rằng, gần đây, một số cơ quan truyền thông Úc và giới chỉ huy quân đội Úc thường xuyên đề cập đến vấn đề Đài Loan, nhấn mạnh về khả năng can thiệp của Úc trong trường hợp xảy ra “xung đột eo biển Đài Loan”; giờ đến lượt Tổng trưởng Quốc phòng Úc vừa nhậm chức cũng lên tiếng.

Theo một bản tin của hãng ABC ngày 25/4, Tổng trưởng Quốc phòng Úc mới được bổ nhiệm Peter Dutton đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn cùng ngày hôm đó rằng “nếu xung đột eo biển Đài Loan thực sự nổ ra, vấn đề này không nên bị cho qua, Úc sẽ cùng với các đồng minh trong khu vực nổ lực duy trì hòa bình”.

Guancha viết, điều đáng chú ý là cách đây ít lâu, một số cơ quan truyền thông Úc cho rằng chính phủ Úc đã “gấp rút nâng cấp” công tác chuẩn bị để đối phó với các hành động quân sự có thể xảy ra ở eo biển Đài Loan. Mặt khác, Mỹ cũng đang thổi phồng sự can dự của Úc.

Guancha bình luận: “Vào thời điểm quan hệ Trung Quốc-Úc đang suy giảm nghiêm trọng, Úc đã thực sự ‘kéo lùi cỗ xe lịch sử’, tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận ‘Vành đai và Con đường’ một cách tồi tệ. Có thông tin cho rằng sau khi hủy bỏ hợp đồng, chính phủ Úc đang để mắt đến cảng Darwin, nơi có hợp đồng cho Trung Quốc thuê 99 năm. Ông Dutton đã tuyên bố trong cuộc phỏng vấn rằng nếu việc Trung Quốc thuê cảng Darwin không phù hợp lợi ích quốc gia, thì Úc nên ‘có hành động’ (chấm dứt hợp đồng cho thuê)”.

Bài báo của Guancha viết, trong một cuộc trả lời phỏng vấn chương trình “Insiders” (Người trong cuộc) của đài truyền hình ABC vào ngày 25/4, ở nửa đầu, ông Dutton chủ yếu nói về vấn đề rút quân Úc ra khỏi Afghanistan; trong khi nửa sau của cuộc phỏng vấn, ông chuyển chủ đề sang vấn đề Đài Loan. Trong bản tin bằng chữ sau đó, ABC tuyên bố sau khi kết thúc các hoạt động quân sự của Úc tại Afghanistan, trọng tâm sẽ chuyển sang “xung đột tiềm tàng trong vấn đề Đài Loan”.

Khi được người dẫn chương trình hỏi liệu có phải khả năng xảy ra xung đột trong vấn đề Đài Loan đang gia tăng hay không, ông Dutton nói: “Tôi nghĩ không nên xem nhẹ nó (xung đột ở eo biển Đài Loan)”; “Tôi nghĩ rằng thái độ của Trung Quốc đối với việc thống nhất quốc gia là rất rõ ràng. Nếu nhìn vào bất kỳ bài phát biểu nào của người phát ngôn Trung Quốc, đặc biệt là trong những tuần và tháng gần đây, thì mục tiêu này của họ là rất rõ”.

Ông Dutton cũng nhấn mạnh rằng: “Mọi người cần phải nhìn nhận thực tế hơn về tình hình hiện nay, các căn cứ ở khu vực này (eo biển Đài Loan) đều đang quân sự hóa, rõ ràng là giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan có rất nhiều hoạt động (quân sự) và thù địch”.

Về “xung đột Đài Loan” mà ông đề cập, Dutton nói rằng mặc dù lực lượng quân sự của Úc đã chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào chống lại các đồng minh của Úc trong khu vực, Úc vẫn sẽ “nỗ lực để duy trì hòa bình”.

Ông nói: “Chúng ta muốn đảm bảo rằng Úc tiếp tục là một ‘láng giềng tốt’ trong khu vực và hợp tác với các đối tác và đồng minh của chúng ta. Không ai muốn thấy xung đột ở eo biển Đài Loan hoặc những nơi khác”.

Guancha viết, trên thực tế, ngoài ông Dutton, trước đây Bộ Quốc phòng Úc cũng đã lên tiếng về vấn đề Đài Loan, thổi phồng “xung đột eo biển Đài Loan” và nói sẽ can dự. Vào ngày 16/4, tờ Australian Financial Review tuyên bố chính phủ Úc đã “sharply escalated” (gấp rút nâng cấp) công tác chuẩn bị của mình để ứng phó với các hành động quân sự có thể xảy ra ở eo biển Đài Loan.

Bài báo của Australian Financial Review dẫn một nguồn tin nói rằng để đối phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ về vấn đề Đài Loan, chính phủ Úc có thể cử lực lượng quân sự đến phối hợp hành động với Mỹ và đang thảo luận về phạm vi và mức độ hỗ trợ của họ. Trước đó, vào ngày 1/4, Mỹ cũng bắt đầu tuyên truyền về sự can dự của Úc.

Cảng Darwin nằm ở thành phố cùng tên ở miền bắc Úc, là thủ phủ của Northern Territory (Lãnh thổ phía Bắc), nơi gần châu Á nhất của Úc. Vào tháng 11/2015, Tập đoàn Lam Kiều (Landbridge) của Trung Quốc đã mua lại quyền kinh doanh của cảng Darwin 99 năm với giá 506 triệu AUD (đô la Úc). Tuy nhiên, với sự xấu đi của quan hệ Trung Quốc–Úc và những thay đổi trong tình hình đối nội và đối ngoại, việc cho Trung Quốc thuê cảng Darwin đã bắt đầu được phía Úc xem xét lại từ góc độ địa chính trị.

Trong những năm qua, tại Úc có những người thường xuyên bày tỏ lo ngại về việc cho thuê này, cho rằng điều này sẽ mang lại “nguy cơ chiến lược”. Mỹ, nước có quân đội đồn trú ở Darwin, cũng “không quên” điều này và Mỹ cũng muốn xây dựng cơ sở quân sự ở Darwin, để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc tại địa phương.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân phát biểu tại cuộc họp báo. (Hình Inquirer)

Về phát biểu của ông Dutton, tờ Canberra Times trực tiếp giải thích trong tiêu đề của bài báo là “Ông Dutton nói có thể chấm dứt hợp đồng cho Trung Quốc thuê cảng”. Báo này cũng chỉ ra rằng việc Úc thông báo hủy bỏ thỏa thuận “Vành đai và Con đường” ký kết giữa chính phủ tiểu bang Victoria với Trung Quốc là bước ngoặt mới nhất khiến căng thẳng giữa Trung Quốc và Úc ngày càng gia tăng.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chiều ngày 26/4, một phóng viên đã hỏi: “Tổng trưởng Quốc phòng Úc trong một cuộc trả lời phỏng vấn, khi đề cập đến việc cho thuê cảng Darwin đã nói nếu hợp đồng cho thuê không phù hợp với lợi ích quốc gia của Úc, ông tin rằng Úc sẽ hành động. Trung Quốc có bình luận gì về vấn đề này?”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân trả lời, nói: “Bản chất của hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Trung Quốc-Úc là các bên cùng có lợi và cùng thắng. Chính phủ Trung Quốc khuyến khích các công ty Trung Quốc thực hiện hợp tác đầu tư nước ngoài phù hợp với các nguyên tắc thị trường và quy tắc quốc tế, trên cơ sở tuân thủ luật pháp nước sở tại, đồng thời kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc đầu tư và hoạt động ở nước ngoài”.

Hải quân Úc cùng Hải quân Mỹ và Nhật tập trận chung trên Biển Đông tháng 10/2020 (Hình HĐ7).

Ông Uông Văn Bân nói, hy vọng phía Úc sẽ nhìn nhận hợp tác Trung Quốc-Úc một cách khách quan, tỉnh táo và ngừng can thiệp vào các hoạt động trao đổi, hợp tác bình thường giữa hai nước.

Trước đó, ngày 22/4 trước việc chính phủ Úc hủy bỏ thỏa thuận “Vành đai và Con đường” ký giữa tiểu bang Victoria với Trung Quốc, ông Uông Văn Bân đã tuyên bố “hành động thao túng chính trị và phi lý của Úc đã hoàn toàn vi phạm tinh thần của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc–Úc; kéo lùi cỗ xe lịch sử, tính chất xấu xa”…

Ông nói: “Trung Quốc một lần nữa kêu gọi Úc ngay lập tức thu hồi quyết định sai lầm của mình, thay đổi hướng đi, chấm dứt những lời nói và hành động vô trách nhiệm đối với quan hệ Trung Quốc-Úc, đồng thời chấm dứt hạn chế không chính đáng đối với sự hợp tác và trao đổi bình thường giữa hai nước, nếu không Trung Quốc tất sẽ đáp trả một cách kiên quyết và mạnh mẽ”. (T/H, V/T)