Friday, April 26, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Quốc hội CSVN thông qua Hiệp định Tự do Thương mại với EU

HÀ NỘI, Việt Nam – Quốc hội “con dấu cao su” CSVN hôm Thứ Hai mùng 8 Tháng Sáu đã “nhất trí” thông qua Hiệp định Tự do Thương Mại với Liên Âu (EVFTA) đúng như dự đoán.

Nền kinh tế của Việt Nam đang cố gượng lại sau mấy tháng bị ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, nay nhờ có Hiệp định EVFTA châm ngòi cho sự hồi phục kinh tế hy vọng nhanh hơn.

Cuộc bỏ phiếu thông qua EVTFA nằm trong ngày đầu tiên quốc hội của chế độ họp với sự có mặt trực tiếp thay vì họp “trực tuyến” như mấy ngày trước. Theo bản tin chính thức trên quochoi.vn, tất cả 457/457 ông bà đều là đảng viên cao cấp của đảng CSVN được cài cắm làm “đại biểu quốc hội” đã “nhất trí” thông qua hiệp định.

Công nhân may hàng xuất khẩu tại một cơ sở ở ngoại thành Hà Nội. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

Quốc hội Liên hiệp Âu châu (EU) đã thông qua hiệp định EVFTA hồi Tháng Hai vừa qua bất chấp những âu lo của nghị viên nhiều nước về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam.

Sau khi quốc hội CSVN thông qua, hiệp định sẽ có hiệu lực từ tháng tới, theo đó, EU sẽ gỡ bỏ thuế quan trên 85% hàng hóa nhập cảng từ Việt Nam, phần còn lại sẽ được gỡ bỏ từ từ trong 7 năm kế tiếp. Trong khi đó, Viết Nam sẽ gỡ bỏ thuế quan trên 49% hàng hóa nhập cảng từ các nước EU và phần còn lại sẽ được gỡ từ từ trong 10 năm tiếp theo.

Những tháng gần đây, nền kinh tế của Việt Nam gần như đứng lại vì nhà cầm quyền Hà Nội đưa ra các biện pháp ngăn chặn lây lan dịch COVID-19. Xí nghiệp đóng cửa, hàng quan đóng cửa, các khu vực thương mại tại các thành phố vắng người qua lại. Người ta từng thấy có những lời dự báo nếu Việt Nam không mở cửa trở lại được từ nửa sau của năm nay, sẽ có hàng chục ngàn xí nghiệp sập tiệm luôn vì không đủ sức gượng lại.

Đại dịch COVID-19 gây thiệt hại nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà phần lớn các xí nghiệp đều đặt cơ sở sản xuất tại Trung Quốc. Nhiều nước trong đó đặc biệt là Hoa Kỳ và Nhật Bản, khuyến khích các nhà đầu tư của họ chuyển sản xuất trở về xứ sở hoặc chạy sang một nước khác. Việt Nam được coi như một trong những nước có cơ hội đón những xí nghiệp bỏ Trung Quốc chạy đi nhưng hiện vẫn không thấy có sự nhộn nhịp nào.

“EVFTA sẽ làm tăng khuynh hướng tích cực hấp dẫn các nhà sản xuất chạy tới Việt Nam”. Michael Sieburg, một thành viên của công ty YCP Solidiance, một công ty tham vấn về chiến lược đầu tư tại Á Châu nhận đinh với hãng thông tấn AP. “Những nhà sản xuất tìm kiếm nơi chuyển cơ sở đến khu vực (ASEAN) và tìm nơi có giá cả cạnh tranh để sản xuất hàng hóa bán sang EU sẽ có khuynh hướng chọn Việt Nam để kinh doanh nhờ có hiệp định EVFTA.”

Đầu tư ngoại quốc vào Việt Nam đạt $38 tỉ USD trong năm 2019, mức độ cao nhất trong suốt 10 năm qua. Hai phần ba trong số ngân khoản đầu tư đó được dùng cho đầu tư sản xuất hàng hóa mà hiệp định vừa thông qua sẽ giúp duy trì khuynh hướng này, theo ông Sieburg.

Bên cạnh đó, hiệp định cũng có các điều khoản bảo vệ tài sản trí tuệ, quyền người lao động và phát triển bền vững. Hiệp định đòi hỏi các bên tham gia phải cam kết áp dụng các tiêu chuẩn căn bản của nghiệp đoàn lao động quốc tế và các công ước quốc tế liên quan, thí dụ như hợp tác chống lại biến đổi khí hậu hay bảo vệ đa dạng sinh học.

Để trấn an các quan ngại của dư luận, bản thông báo của Hội đồng EU nói rằng hiệp định cũng bao gồm cả sự kết nối pháp lý và định chế với thỏa hiệp Đối tác và Hợp tác EU-Việt Nam, cho phép có các hành động thích hợp trong trường hợp vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Người ta đợi xem EU làm được gì với những nhà báo độc lập, Facebookers bị chế độ Hà Nội bắt từ năm ngoái đến nay. (N/V)