Thursday, April 25, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Phân tích: Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân?


Vào thời điểm bắt đầu cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ‘giấu nhẹm’ khả năng tấn công hạt nhân nhằm vào bất kỳ thực thể nào can thiệp vào cuộc xung đột.

Minh họa về vụ nổ hình nấm trên bầu trời khi xảy ra chiến tranh hạt nhân. Hình Pixabay

Dưới đây là một số vấn đề chính xung quanh khả năng – được nhiều nhà phân tích và nhà ngoại giao phương Tây coi là xa vời – rằng ông Putin có thể thực sự sử dụng vũ khí hạt nhân.

Nga nói gì về vũ khí hạt nhân?

Trong bài phát biểu thông báo về cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/2, ông Putin đã đưa ra một cảnh báo ẩn ý nhưng không thể nhầm lẫn rằng, nếu phương Tây can thiệp vào điều mà ông gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt”, ông có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả.

“Bất kể ai cố cản đường chúng tôi hoặc … tạo ra mối đe dọa cho đất nước và người dân của chúng tôi, Nga sẽ đáp trả ngay lập tức, và hậu quả sẽ là điều mà quý vị chưa từng thấy trong lịch sử”, ông cho biết theo bản dịch của Điện Kremlin.

Ba ngày sau, vào ngày 27/2, ông Putin đã ra lệnh chỉ huy quân đội của mình đặt các lực lượng răn đe hạt nhân của Nga trong tình trạng báo động cao độ, trích dẫn tuyên bố gây hấn của các nhà lãnh đạo của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Moscow.

“Các nước phương Tây không chỉ có những hành động không thân thiện với nước ta trong lĩnh vực kinh tế. Tôi đang nói về các biện pháp trừng phạt Nga bất hợp pháp mà mọi người đều biết. Tuy nhiên, các quan chức hàng đầu của các nước NATO cũng đưa ra những tuyên bố mang tính gây hấn đối với đất nước chúng ta. Do đó, tôi ra lệnh Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng Tham mưu trưởng đặt các lực lượng răn đe hạt nhân Nga vào trạng thái chiến đấu cao nhất” – Tổng thống Putin tuyên bố.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, một nhà ngoại giao kỳ cựu, cũng đã nói về nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân, mặc dù ông nói rằng Moscow đang cố gắng hết sức để ngăn chặn điều này.

“Tôi không muốn nâng cao những rủi ro đó. Nhưng nhiều người muốn như vậy. Nguy hiểm là nghiêm trọng và có thật. Chúng ta không được đánh giá thấp nó”, ông nói vào một tuần trước đó, điều mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhận định là “đỉnh cao của sự vô trách nhiệm”.

Trong khi Washington chưa thấy bất kỳ động thái nào của việc lực lượng hạt nhân Nga đang trong tình trạng báo động cao độ, các chuyên gia và quan chức phương Tây cảnh báo không nên bác bỏ những bình luận này vì có nguy cơ ông Putin sử dụng vũ khí hạt nhân nếu ông cảm thấy bị ‘dồn vào chân tường’ trong cuộc chiến với Ukraine hoặc nếu NATO tham chiến.

Phương Tây nói gì?

Các quan chức Mỹ nhanh chóng gọi những bình luận của Putin về việc đặt các lực lượng hạt nhân của Nga trong tình trạng báo động cao độ là nguy hiểm, leo thang và hoàn toàn không thể chấp nhận được. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg chỉ trích Điện Kremlin là ‘hung hăng và vô trách nhiệm’.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cũng ngay lập tức nói rõ rằng, họ không thấy dấu hiệu nào cho thấy việc Nga thay đổi vị thế hạt nhân. Đồng thời, quân đội Mỹ cho biết, họ không cần thiết phải thay đổi vị thế hạt nhân của mình.

Vào ngày 28/2, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói với người dân Mỹ không cần lo lắng về một cuộc chiến tranh hạt nhân với Nga. Trả lời một câu hỏi lớn về việc, liệu công dân Mỹ có nên lo ngại về một cuộc chiến tranh hạt nhân nổ ra hay không, ông Biden nói “không”.

Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp nào?

Bình luận của ông Biden dường như phản ánh quan điểm của các chuyên gia Mỹ và quan chức phương Tây rằng, khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến Ukraine là ‘cực kỳ thấp’.

“Kể từ năm 1945, mọi nhà lãnh đạo của các cường quốc hạt nhân … đều từ chối việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh vì nhiều lý do”, ông Gideon Rose, cựu biên tập viên của tạp chí Foreign Affairs, cho biết vào tuần trước.

“Ông Putin cũng không phải là ngoại lệ, hành động phát xuất ra không phải từ một trái tim nóng, mà từ một cái đầu lạnh. Ông ấy biết rằng sẽ xảy ra các đòn trả đũa phi thường kèm theo áp lực toàn cầu, và không biện pháp chiến lược nào có thể so sánh được”, ông nói thêm.

Các chuyên gia và nhà ngoại giao phương Tây cho biết, mục đích chính của lời đe dọa tấn công hạt nhân dường như nhằm ngăn chặn Washington và các đồng minh NATO tham gia trực tiếp vào cuộc chiến.

“Những lời lẽ này không đáng tin cậy”, một nhà ngoại giao phương Tây và những chuyên gia ẩn danh khác nhận định. “Ông ta chỉ đang cố gắng hù dọa phương Tây”.

Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân như thế nào?

Trong khi các quốc gia phương Tây không ngừng đổ vũ khí vào Ukraine kể từ sau cuộc xâm lược, ông Biden hồi năm ngoái cho biết việc đưa quân đội Mỹ vào thực địa ở Ukraine là “điều không phải bàn cãi”.

Hoa Kỳ và các đồng minh của họ không muốn tham gia vào một cuộc chiến tranh thông thường với Nga, chưa nói đến việc làm mọi thứ có thể để gây ra một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, các chuyên gia đã cho thấy một loạt các khả năng, từ việc kích nổ trên Biển Đen bằng một máy bay không người lái của Ukraine, cho đến một cuộc tấn công nhằm vào một mục tiêu quân sự của Ukraine hoặc vào một thành phố bất kỳ.

Tuy nhiên, việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine có thể gây nguy hiểm cho quân đội Nga và gây nhiễm phóng xạ cho chính nước Nga.

Phương Tây sẽ phản ứng ra sao?

Một số nhà phân tích cho rằng, Washington có thể lựa chọn một phản ứng quân sự thông thường thay vì phản ứng bằng vũ khí hạt nhân – có thể gây tổn hại cho các đồng minh của Mỹ hoặc dẫn đến leo thang hạt nhân hơn nữa. Hệ quả sẽ là nguy hiểm cho toàn bộ châu Âu hoặc chính nước Mỹ.

“Tôi đề xuất là Hoa Kỳ và NATO nên đáp trả bằng lực lượng quân sự, chính trị và ngoại giao thông thường để tăng cường cô lập Nga và tìm cách chấm dứt xung đột mà không leo thang thành chiến tranh hạt nhân”, ông Ông Daryl Kimball, Giám đốc của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí cho hay. Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí là một tổ chức phi lợi nhuận, tìm cách giáo dục công chúng về kiểm soát vũ khí.

Làm thế nào để thay đổi viễn cảnh chiến tranh hạt nhân?

NATO có thể tìm cách thiết kế lại lá chắn tên lửa đạn đạo do Mỹ chế tạo ở Ba Lan và Romania để bắn hạ tên lửa của Nga trong tương lai. NATO từ lâu cho biết, thiết kế hiện tại nhằm mục đích chống lại tên lửa của Iran, Syria và các đối tượng bất hảo ở Trung Đông.

Hiện vẫn chưa rõ liệu một cuộc tấn công của Nga có thể khiến các quốc gia có năng lực hạt nhân khác như Ấn Độ và Pakistan sử dụng vũ khí như vậy hay không. Nếu có sự lên án toàn cầu thì đảm bảo sẽ không nổ ra chiến tranh hạt nhân trong tương lai, các chuyên gia nhận định. (T/H, Reuters, NTD)