Những điều cần biết về biến thể mới B.1.1.529 ‘tồi tệ nhất’ từ đầu dịch Covid-19
Các nhà khoa học đang lo ngại về biến thể mới B.1.1.529 ‘tồi tệ nhất’ chứa nhiều đột biến liên quan đến việc tăng khả năng né tránh hệ miễn dịch và có thể làm giảm hiệu quả của vắc-xin.
Vì sao biến thể mới B.1.1.529 đáng lo ngại?
Các nhà khoa học đã phát hiện ra một biến thể SARS-CoV-2 mới được gọi là B.1.1.529 và đang tìm hiểu những tác động tiềm ẩn của nó. Khoảng 50 ca nhiễm biến thể B.1.1.529 đã được ghi nhận ở Nam Phi, Hong Kong (Trung Quốc) và Botswana.
Theo các nhà khoa học, biến thể B.1.1.529 có nhiều đột biến rất bất thường, đáng lo ngại vì chúng có thể giúp virus né tránh phản ứng miễn dịch của cơ thể và có khả năng lây truyền nhanh hơn. Bất kỳ biến thể mới nào có thể né tránh kháng thể do vắc-xin tạo ra hoặc lây lan nhanh hơn biến thể Delta hiện đang áp đảo đều có thể gây ra mối đe dọa đáng kể đối với thế giới.
Các dữ liệu ban đầu từ các phòng thí nghiệm cho thấy, biến thể B.1.1.529 đang lây lan nhanh chóng ở tỉnh Gauteng, Nam Phi và có thể đã xuất hiện ở 8 tỉnh khác của quốc gia này.
Trong bản cập nhật hàng ngày về Covid-19, Viện Quốc gia Nam Phi về Các bệnh truyền nhiễm (NICD) đã báo cáo 2,465 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới. NICD cho rằng, số ca mắc Covid-19 tăng vào thời điểm này không phải do sự xuất hiện của B.1.1.529, dù một số nhà khoa học hàng đầu trong nước nghi ngờ biến thể mới chính là nguyên nhân gây ra sự gia tăng này.
Nam Phi đã xác nhận khoảng 100 mẫu xét nghiệm có biến thể B.1.1.529. Biến thể này cũng được phát hiện ở Botswana và Hong Kong (Trung Quốc), trong đó trường hợp ở Hong Kong (Trung Quốc) là một du khách đến từ Nam Phi. Các nhà khoa học cho rằng có tới 90% ca mắc Covid-19 mới ở tỉnh Gauteng (Nam Phi) có thể nhiễm biến thể B.1.1.529.
B.1.1.529 có nguy hiểm hơn Delta?
Ngày 25/11, giới khoa học gọi B.1.1.529 là biến thể tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. B.1.1.529 có tới 32 đột biến trong protein gai, phần mà hầu hết các loại vắc-xin sử dụng để tạo ra hệ thống miễn dịch chống SARS-CoV-2. Các đột biến trong protein gai có thể ảnh hưởng tới khả năng mắc bệnh và tốc độ lây lan của virus, cũng như khiến tế bào miễn dịch khó tấn công mầm bệnh hơn.
Biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào cuối năm 2020 và sau đó đã lan rộng khắp thế giới, gây ra sự gia tăng về số ca mắc bệnh và tử vong do Covid-19. Ngoài ra, còn có các biến thể khác như Alpha, Beta và Gamma. Nhiều chuyên gia cho rằng, biến thể Delta có độc lực cao có thể đã liên tục biến đổi để “tự bảo vệ mình” và cuối cùng dẫn đến “tự hủy diệt”.
Biến thể Delta lây lan nhanh chóng bởi protein gai của nó thâm nhập vào tế bào của cơ thể con người dễ dàng hơn các biến thể trước đó.
Các nhà khoa học bày tỏ lo ngại trước biến thể B.1.1.529 do số lượng đột biến rất cao, có thể giúp nó tránh được khả năng miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên, hiện tại họ chưa có đủ dữ liệu để so sánh mức độ nguy hiểm của biến thể B.1.1.529 với các biến thể khác.
Giáo sư Christina Pagel, Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng tại Đại học Hoàng gia London, cho biết, B.1.1.529 “có những lợi thế đáng kể so với biến thể Delta”, tiềm tàng khả năng né tránh hệ miễn dịch và lây truyền cao.
“Chúng tôi biết rằng B.1.1.529 có nhiều đột biến hơn các biến thể khác và có các đột biến được thấy ở các biến thể khác có liên quan đến khả năng lây truyền cao hơn và khả năng né tránh hệ miễn dịch. Đó là số lượng đột biến và loại đột biến khiến các nhà virus học và miễn dịch học lo lắng”, bà Pagel nói thêm.
Tiến sĩ Michelle Groome, quan chức của NICD, nói rằng trước sự xuất hiện của các biến thể mới, mọi người “nên tiêm chủng, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và thực hiện giãn cách xã hội” để hạn chế sự lây lan của virus.
Những hạn chế mới nào đang được áp dụng?
Từ ngày 26/11, Anh đã đưa Nam Phi và 5 nước châu Phi khác vào “danh sách đỏ” về hoạt động đi lại sau khi Cơ quan An ninh Y tế nước này (UKHSA) bày tỏ quan ngại về biến thể B.1.1.529. Lệnh cấm cũng sẽ bao gồm các chuyến bay từ Namibia, Lesotho, Botswana, Eswatini và Zimbabwe. Tất cả công dân Anh trở về từ những quốc gia trên sẽ phải cách ly và xét nghiệm PCR. Những người trở về từ miền Nam châu Phi trong thời gian gần đây cũng sẽ phải theo dõi sức khỏe và xét nghiệm SARS-CoV-2 để ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới.
Israel cũng thông báo đưa một loạt quốc gia ở miền Nam châu Phi vào diện “cảnh báo đỏ” liên quan đến dịch Covid-19, bao gồm Nam Phi, Lesotho, Botswana, Zimbabwe, Mozambique, Namibia và Eswatini. Theo đó, những người nước ngoài đến từ 7 quốc gia này sẽ không được phép nhập cảnh vào Israel.
“Danh sách đỏ” về hạn chế đi lại của Anh vẫn trống kể từ khi 7 quốc gia cuối cùng, trong đó có Peru, Colombia và Panama, được xóa khỏi danh sách này vào ngày 1/11. Nam Phi đã ra khỏi danh sách này vào ngày 11/10, nghĩa là những du khách đã tiêm chủng có thể tới Anh mà không cần phải cách ly.
Các nhà khoa học Anh đang tìm hiểu thêm về biến thể B.1.1.529. Do biến thể này chỉ mới xuất hiện gần đây nên các nhà nghiên cứu vẫn chưa có nhiều bằng chứng về khả năng lây truyền hoặc né tránh vắc-xin của nó. Nhiều người lo ngại rằng, khi chỉ còn một tháng nữa là đến Giáng sinh, sẽ có nhiều biện pháp hạn chế được áp dụng nếu biến thể mới lây lan nhanh chóng.
Các nhà khoa học có thể sẽ mất vài tuần để nghiên cứu thêm thông tin về B.1.1.529 và mối đe dọa nghiêm trọng mà biến thể này có thể gây ra.
Các chuyên gia y tế kêu gọi mọi người hãy đi tiêm chủng để tự bảo vệ bản thân trước sự xuất hiện của biến thể mới. Những người dân Anh từ 40 tuổi trở lên và đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin cách đây ít nhất 6 tháng hiện đủ điều kiện để tiêm mũi tăng cường./. (T/H, VOV theo The Guardian)