Friday, December 20, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Những điểm chính trong tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh NATO


Trong tuyên bố chung ra ngày 10/7 của Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Mỹ, có nhiều điểm chính liên quan tới Ukraine và Liên bang Nga.

Tổng thống Joe Biden phát biểu trong phiên khai mạc thượng đỉnh NATO ngày 10/07/2024, tại Washington, Hoa Kỳ. Hình AFP

Theo trang web của NATO, trong tuyên bố chung 38 điểm, lãnh đạo các nước thành viên NATO khẳng định đoàn kết trong khối, đồng thời nhấn mạnh NATO tiếp tục là diễn đàn xuyên Đại Tây Dương quan trọng và không thể thiếu nhằm tham vấn, phối hợp và hành động trước mọi vấn đề liên quan tới an ninh tập thể và của mỗi nước.

Các đồng minh NATO khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện ba nhiệm vụ cốt lõi của khối là răn đe và phòng thủ, ngăn ngừa và quản lý khủng hoảng, và an ninh hợp tác.

Tuyên bố chung có các vấn đề chính sau:

Một lá quốc kỳ Ukraine tung bay trước biểu tượng khối NATO ở trung tâm Kyiv, Ukraine, ngày 11/7/2023. Hình Reuters

Vấn đề Ukraine

Theo tuyên bố chung, các thành viên NATO có ý định cung cấp cho Ukraine khoản viện trợ quân sự tối thiểu 40 tỷ euro trong năm tới, nhưng chưa đáp ứng được cam kết tài chính nhiều năm mà Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mong muốn trước đó.

NATO cam kết cung cấp các hệ thống phòng không tiên tiến và chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine.

Tuyên bố nói rằng NATO sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine trên con đường không thể đảo ngược để hội nhập hoàn toàn vào khu vực châu Âu – Đại Tây Dương, trong đó có cả tư cách thành viên NATO khi Ukraine tiếp tục công việc quan trọng là cải cách dân chủ, kinh tế và an ninh.

Tuyên bố tái khẳng định rằng NATO sẽ có thể mời Ukraine gia nhập liên minh này khi các thành viên đồng ý và Ukraine đáp ứng các điều kiện.

Các nước thành viên cũng thống nhất NATO sẽ đảm nhận hầu hết công việc điều phối thiết bị quân sự và đào tạo cho Ukraine trong khuôn khổ liên minh đặc biệt do Mỹ dẫn đầu.

Cụ thể, NATO đã công bố thành lập một phái đoàn hỗ trợ an ninh và đào tạo cho Ukraine, cũng như một trung tâm phân tích, đào tạo và giáo dục chung.

Phái đoàn này có tên Cơ quan Hỗ trợ và Đào tạo An ninh của NATO cho Ukraine (NSATU). Tuyên bố nhấn mạnh: “Mục tiêu của cơ quan này là đặt hỗ trợ an ninh cho Ukraine trên một nền tảng lâu dài, đảm bảo quá trình hỗ trợ được tăng cường, có thể dự đoán được và nhất quán”.

Theo đó, NSATU sẽ hoạt động tại các quốc gia thành viên NATO và sẽ hỗ trợ khả năng tự vệ của Ukraine phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc. Tuyên bố khẳng định: “Theo luật pháp quốc tế, NSATU sẽ không biến NATO thành một bên tham gia vào cuộc xung đột”.

Một số nhà ngoại giao cho rằng đây là động thái nhằm bảo vệ quá trình hỗ trợ Ukraine, để tránh khả năng ông Donald Trump can thiệp nếu ông trở lại Nhà Trắng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng động thái trên không thể ngăn cản ông Trump hạn chế nghiêm ngặt viện trợ của Mỹ cho Ukraine nếu ông muốn.

Hội nghị thượng đỉnh NATO cũng hoan nghênh quyết định của Tổng thư ký bổ nhiệm Đại diện cấp cao của NATO tại Ukraine.

Các nguyên thủ quốc gia khối NATO chụp hình lưu niệm với Tổng Thống Joe Biden và Tổng Thư Ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) tại Tòa Bạch Ốc trước dạ tiệc mừng NATO 75 năm thành lập ở Washington, DC, ngày 10 Tháng Bảy, 2024. Hình AFP/Getty

Vấn đề Liên bang Nga

Trong tuyên bố chung, NATO chỉ trích Nga về những bình luận và động thái liên quan vũ khí hạt nhân, trong đó có động thái triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus. Tuyên bố chung cũng cáo buộc Belarus tiếp tục tạo điều kiện cho Nga tiến hành cuộc chiến ở Ukraine.

Tuy nhiên, tuyên bố chung nhấn mạnh rằng các thành viên NATO vẫn sẵn sàng duy trì các kênh liên lạc với Nga để giảm thiểu rủi ro và ngăn chặn leo thang.

Trước đó, kênh RT của Nga dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết NATO có thái độ thù địch với Nga và đang thúc đẩy xung đột ở Ukraine, do đó các quyết định của khối này rất quan trọng. Theo ông Peskov, Moskva sẽ chú ý tối đa đến bất kỳ quyết định nào được công bố tại hội nghị thượng đỉnh NATO.

Tổng thư ký NATO sắp mãn nhiệm, ông Stoltenberg trước đây từng nói rằng việc Ukraine trở thành thành viên là điều "không thể tránh khỏi", nhưng phải đến khi cuộc chiến với Nga kết thúc.
Tổng thư ký NATO sắp mãn nhiệm Jens Stoltenberg trước đây từng nói rằng việc Ukraine trở thành thành viên là điều “không thể tránh khỏi”, nhưng phải đến khi cuộc chiến với Nga kết thúc. Hình Getty

Vấn đề Trung Quốc

Tuyên bố chung cũng nhắc lại quan điểm của NATO trước đây về Trung Quốc, gọi nước này là nhân tố quyết định trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine và nói rằng Trung Quốc tiếp tục đặt ra những thách thức mang tính hệ thống đối với an ninh châu Âu – Đại Tây Dương.

Tuyên bố kêu gọi Trung Quốc ngừng mọi hỗ trợ vật chất và chính trị cho Nga. Tuyên bố cũng cáo buộc Iran và Triều Tiên hỗ trợ cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Tuyên bố bày tỏ quan ngại về khả năng trên vũ trụ của Trung Quốc, đề cập đến việc nước này mở rộng nhanh chóng kho vũ khí hạt nhân và kêu gọi Trung Quốc tham gia thảo luận giảm thiểu rủi ro chiến lược.

Trước đó, người phát ngôn của phái đoàn Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU) đã chỉ trích dự thảo tuyên bố chung của NATO, nhất là những phần liên quan Trung Quốc.

NATO hiện có 32 thành viên trên khắp châu Âu và Bắc Mỹ, gồm: Bỉ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Iceland, Ý, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, Vương quốc Anh, Mỹ, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Tây Ban Nha, Séc, Hungary, Ba Lan, Bulgaria, Estonia, Latvia, Lithuania, Romania, Slovakia, Slovenia, Albania, Croatia, Montenegro, Bắc Macedonia, Phần Lan, Thụy Điển.

Ấn Độ – Thái Bình Dương

Tuyên bố thảo luận về tầm quan trọng của Ấn Độ – Thái Bình Dương đối với NATO, đồng thời cho rằng những diễn biến ở đó ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh châu Âu – Đại Tây Dương.

NATO cho biết họ sẽ tăng cường hợp tác với các đối tác châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có cả việc hỗ trợ Ukraine và phòng thủ mạng.

Trong ngày 11/7, NATO có kế hoạch họp với các nhà lãnh đạo từ Úc, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu để thảo luận về những thách thức an ninh và hợp tác.

EU và NATO

Tuyên bố nhấn mạnh quan hệ hợp tác giữa NATO và EU đã trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh xung đột ở Ukraine, đồng thời nói thêm rằng NATO công nhận giá trị của nền quốc phòng châu Âu mạnh mẽ hơn và có năng lực hơn.

Tuyên bố khẳng định rằng xây dựng thêm các năng lực phòng thủ nhất quán, có khả năng tương tác và tránh trùng lặp không cần thiết chính là mấu chốt để làm cho khu vực châu Âu – Đại Tây Dương trở nên an toàn hơn.

Phòng thủ tên lửa và phòng không, răn đe hạt nhân

Tuyên bố nhấn mạnh rằng NATO sẽ ngăn chặn và phòng thủ mọi mối đe dọa trên không và mối đe dọa từ tên lửa thông qua tăng cường phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp.

NATO vẫn cam kết thực hiện tất cả các bước cần thiết để đảm bảo độ tin cậy, hiệu quả, an toàn và an ninh của sứ mệnh răn đe hạt nhân. (T/H, tintuc)