Saturday, June 29, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Nhịn ăn có thể tăng cường khả năng chống ung thư trong cơ thể


Theo nghiên cứu, nhịn ăn có thể tăng cường khả năng chống ung thư của các tế bào sát thủ tự nhiên.

Theo nghiên cứu, nhịn ăn có thể tăng cường khả năng chống ung thư của các tế bào sát thủ tự nhiên. Hình Freepik

Trong quá trình nhịn ăn, những tế bào này sản xuất nhiều hơn các protein đóng vai trò chủ chốt trong phản ứng chống khối u.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy, nhịn ăn có thể kích thích các tế bào miễn dịch nhất định trong cơ thể chống lại ung thư tốt hơn, đồng thời cải thiện khả năng sống sót của tế bào trong môi trường khối u.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Immunity vào ngày 14/6, xem xét cách nhịn ăn ảnh hưởng đến các tế bào sát thủ tự nhiên, một loại tế bào máu trắng có khả năng tiêu diệt các tế bào bị tổn thương hoặc bất thường như tế bào ung thư và các tế bào bị nhiễm virus.

Sự hiện diện của số lượng tế bào sát thủ cao hơn trong khối u thường được coi là có lợi cho bệnh nhân ung thư.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, nhịn ăn có thể tái lập trình quá trình trao đổi chất của các tế bào sát thủ tự nhiên, cải thiện khả năng chống ung thư và cho phép các tế bào sống sót trong môi trường khắc nghiệt bên trong và xung quanh khối u.

“Những phát hiện của chúng tôi xác định mối liên hệ giữa việc ăn uống hạn chế và tối ưu hoá phản ứng miễn dịch bẩm sinh, có khả năng nâng cao các chiến lược liệu pháp miễn dịch” cho bệnh nhân ung thư, bài báo cho biết.

Nghiên cứu đã phân tích những con chuột bị ung thư không được cho ăn trong 24 giờ, hai lần một tuần. Vì những con chuột được phép ăn tự do giữa các lần nhịn ăn nên chúng không bị giảm cân.

Trong thời gian nhịn ăn, nồng độ glucose trong máu của chuột giảm, tương tự như ở người, cùng với sự gia tăng các axit béo tự do. Trong khi đó, các tế bào sát thủ tự nhiên đã trải qua một sự biển đổi lớn.

Nhịn ăn có thể tăng cường khả năng chống ung thư trong cơ thể.

Rebecca Delconte, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Trong mỗi chu kỳ nhịn ăn, các tế bào sát thủ tự nhiên học cách sử dụng các axit béo như một nguồn nhiên liệu thay thế cho glucose. Điều này thực sự tối ưu hóa phản ứng chống ung thư của chúng vì môi trường vi mô của khối u chứa nồng độ lipid cao, giờ đây chúng có thể xâm nhập vào khối u và sống sót tốt hơn nhờ quá trình đào tạo trao đổi chất này”.

Nghiên cứu cũng cho thấy nhịn ăn làm phân bố lại các tế bào sát thủ tự nhiên trong cơ thể.

Một số tế bào di chuyển vào tủy xương, tiếp xúc với nồng độ cao của một protein tín hiệu. Điều này dẫn đến việc các tế bào sát thủ tự nhiên sản xuất nhiều Interferon-gamma hơn, một loại protein đóng vai trò chủ chốt trong phản ứng chống khối u của cơ thể.

Các tế bào sát thủ tự nhiên trong lá lách trải qua một quá trình lập trình riêng biệt, cho phép chúng sử dụng lipid tốt hơn làm nguồn nhiên liệu.

“Với cả hai cơ chế này được kết hợp lại, chúng tôi thấy rằng các tế bào sát thủ tự nhiên được kích hoạt trước để sản xuất nhiều cytokine hơn bên trong khối u”, bà Delconte nói.

“Và với sự tái lập trình trao đổi chất, chúng có khả năng sống sót cao hơn trong môi trường khối u và được chuyên biệt hóa để cải thiện các đặc tính chống ung thư”.

Nghiên cứu được thực hiện trong bối cảnh các thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành để nghiên cứu về độ an toàn và hiệu quả của việc nhịn ăn kết hợp với các phương pháp điều trị ung thư tiêu chuẩn.

Nghiên cứu được tài trợ bởi nhiều nguồn, bao gồm Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, Hội đồng Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Quốc gia Úc và Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ. Các tác giả tuyên bố không có lợi ích cạnh tranh trong nghiên cứu.

Một nhóm các nhà nghiên cứu từ MSK lần đầu tiên đã chứng minh rằng việc nhịn ăn có thể lập trình lại quá trình trao đổi chất của các tế bào tiêu diệt tự nhiên, giúp chúng tồn tại trong môi trường khắc nghiệt bên trong và xung quanh các khối u, đồng thời cải thiện khả năng chống ung thư của chúng. Hình MSK

Nguy cơ của nhịn ăn

Mặc dù nghiên cứu ngày 14/6 tìm thấy mối liên hệ tích cực giữa nhịn ăn và chống ung thư, chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng Juhina Farooki cho biết tính an toàn của quá trình này chỉ nên được xác định với từng trường hợp cụ thể.

“Mỗi bệnh nhân là khác nhau, và những gì an toàn cho bệnh nhân này thì chưa chắc đã tốt cho bệnh nhân khác”, bà nói, theo bài đăng ngày 29/1 tại Trung tâm Ung thư MD Anderson.

Suy dinh dưỡng là một trong những rủi ro của việc nhịn ăn trong quá trình điều trị ung thư.

Việc thiếu hụt dinh dưỡng có thể dẫn đến giảm cân, làm chậm quá trình lành bệnh và làm tình trạng mệt mỏi trầm trọng hơn, bài đăng cho biết.

Nó cũng có thể gia tăng căng thẳng trong giai đoạn vốn đã áp lực đối với cá nhân.

Bà Farooki khuyên các bệnh nhân ung thư muốn nhịn ăn chỉ nên thực hiện sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ. Điều này đảm bảo bệnh nhân được cung cấp đủ chất dinh dưỡng.

Một nghiên cứu trên chuột vào tháng 2/2023 nhằm điều tra tác dụng của việc bỏ bữa ăn cho thấy có sự khác biệt về số lượng monocyte trong các sinh vật này.

Monocyte là một loại tế bào máu trắng được tạo ra trong tủy xương, có chức năng chống lại ung thư.

Một nhóm chuột được cho ăn sáng trong khi nhóm còn lại bị bỏ đói. Sau bốn tiếng nhịn ăn, 90% đơn bào ở những con chuột nhịn đói đã biến mất hoàn toàn khỏi máu, con số này giảm mạnh hơn sau tám tiếng.

Ngược lại, ở những con chuột không nhịn ăn, mức độ đơn bào không bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, một nghiên cứu gần đây của Đức cho thấy việc nhịn ăn gián đoạn có tác dụng bảo vệ chống lại viêm và ung thư gan. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành các thử nghiệm trên chuột đã bị viêm gan.

Sau bốn tháng nhịn ăn gián đoạn, các xét nghiệm chức năng gan trên chuột được cải thiện. Chuột được phát hiện là ít có khả năng mắc ung thư gan hơn. (T/H, NTD)