Saturday, November 2, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Nguyên do giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19 giả tràn lan trên mạng


Các nhà chức trách Pháp đang lo ngại về tình trạng những người bài vắc-xin tìm mua các loại giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19 giả trên mạng. Đây là nhóm người không muốn tiêm vắc-xin, không đồng tình với các hạn chế phòng dịch của chính phủ nhưng vẫn muốn được đi lại tự do.

Theo một nghiên cứu của Viện Đối thoại Chiến lược (ISD) có trụ sở tại London, các loại giấy chứng nhận giả này có thể được sử dụng để đi lại trên khắp các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Chúng được bán tràn lan trên mạng, nhất là trên các mạng xã hội nổi tiếng như Facebook và Instagram, hay trên ứng dụng nhắn tin Telegram.

Nghiên cứu viên của ISD Zoé Fourel cho biết, nhóm nghiên cứu đã phát hiện một nhóm trên Facebook với khoảng 1,000 thành viên và một tài khoản Instagram với 17,000 người theo dõi, chuyên bán giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19 giả.

Điều đáng lo ngại hơn, nghiên cứu chỉ ra rằng, thuật toán trên các mạng xã hội lại đang tự động quảng cáo về giấy chứng nhận giả này tới những người có tư tưởng cực hữu, không hài lòng về cách xử lý đại dịch Covid-19 của chính phủ Pháp.

Trong đại dịch Covid-19, Pháp đã giới thiệu “thẻ y tế” nhằm giúp người dân có thể chứng minh tình trạng sức khỏe, cũng như liệu đã tiêm phòng vắc-xin đầy đủ hay chưa. Tuy nhiên, tháng trước, chính phủ nước này thông báo, những người chưa được tiêm chủng đầy đủ sẽ không được đến các khu vực công cộng đông người như nhà hàng, sân vận động… Chính vì vậy, những người bài vắc-xin đang tìm cách lách luật để được tự do hơn.

Bà Fourel cũng cho biết, đây không phải là vấn đề riêng của Pháp, mà là của cả châu Âu khi những người sở hữu giấy chứng nhận giả này có thể đi lại thoải mái trên toàn bộ các quốc gia thành viên trong EU. Nhóm nghiên cứu cũng đã phát hiện được một số trường hợp công dân Pháp mua giấy tờ giả từ Italy.

Pháp nói riêng và châu Âu nói chung không phải là những nơi duy nhất vướng phải vấn đề này. Ngày 19/1, tờ The Star cho biết, nhiều người ở Malaysia cũng tìm kiếm giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19 bán trên mạng Internet do chủ lao động yêu cầu nghiêm ngặt hoặc cần ra nước ngoài.

Nhiều phòng khám quảng cáo về giấy tiêm chủng Covid-19 giả trên các mạng xã hội như Facebook và Telegram. Người mua phải cung cấp tên đầy đủ, số chứng minh nhân dân và số trên ứng dụng MySejahtera (do chính phủ Malaysia phát triển nhằm hỗ trợ nỗ lực truy vết Covid-19).

Khoảng 1-2 tuần sau, người mua sẽ nhận được giấy tiêm chủng Covid-19 mang tên mình. Nếu mua gói năm hoặc nhiều giấy tiêm chủng hơn sẽ được giảm giá. Người bán cũng bảo đảm giữ kín tất cả thông tin liên quan đến giao dịch.

Tại Mỹ, ngày 1/2 vừa qua, giới chức New York đã bắt giữ hai nhân viên y tế Mỹ thuộc phòng khám Wild Child Pediatric Healthcare vì tội danh bán hàng ngàn chứng nhận tiêm chủng vắc-xin giả rồi bỏ túi số tiền lên đến 1.5 triệu USD. Phòng khám trên có kết nối với cơ sở dữ liệu y tế của thành phố New York. Hai nghi phạm được cho là đã nhập dữ liệu tiêm phòng Covid-19 của khách hàng vào hệ thống, nhưng không hề tiêm vắc-xin cho họ.

Có thể thấy, vấn nạn chứng nhận tiêm chủng Covid-19 giả đang hoành hành tại nhiều quốc gia, gây không ít vấn đề cho quá trình trở lại bình thường mới của các nước nói riêng và của thế giới nói chung. (T/H, TGVN)