Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Nhiều người uống nước rửa tay dẫn đến tử vong

Tính từ đầu năm 2020, đã có 21.074 trường hợp báo cáo ngộ độc tại Mỹ đến từ nước rửa tay. Riêng trong tháng 7 đã có 5097 cuộc gọi, và phần lớn liên quan đến trẻ em…

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Kiểm soát Nhiễm độc Hoa Kỳ (AAPCC), các cuộc gọi đến trung tâm kiểm soát ngộ độc có tới 70% là do chất khử trùng tay.

Số liệu cụ thể là 21.074 trường hợp từ 1/1 cho đến 2/8, gần gấp đôi cùng kỳ 2019 với 12.426 trường hợp. Riêng trong tháng 7 của năm virus Vũ Hán thì đã có tới 5097 cuộc gọi. Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất trong báo cáo của AAPCC là: 12.000/21.074 cuộc gọi do nhiễm độc là ở trẻ em, từ 5 tuổi trở xuống.

Ngộ độc nước rửa tay

Không chỉ có trẻ em bị ngộ độc nước rửa tay. Theo báo cáo của CDC hồi đầu tuần, từ 1/5 đến 30/6, trong nhóm tuổi từ 21 đến 65, đã có 4 bệnh nhân tử vong, 3 người bị suy giảm thị lực, 8 người khác bị động kinh sau khi nuốt phải dung dịch rửa tay. Đây mới chỉ là tại bang Arizona và New Mexico.

Nói chung, trong dung dịch khử trùng tay có một số chất nếu uống phải sẽ gây ra ngộ độc. Thường có 2 nguyên nhân chính:

Ngộ độc ethanol
Eric Adkins là bác sĩ làm việc tại phòng cấp cứu của Bệnh viện Đại học Wexner thuộc bang Ohio. Bác sĩ cho biết rượu vodka thường bắt đầu với khoảng 40% ethanol; còn ở nước rửa tay, ethanol chứa ít nhất 60% lượng cồn.

Rượu có thể khiến gan bị nhiễm độc. Người trưởng thành mới uống rượu cũng có thể bị ngộ độc, người quen uống rượu thì qua thời gian dài cơ thể cũng bị suy kiệt. Chất cồn, hay ethanol, là nguyên nhân gây ra điều này, mà chất rửa tay còn chứa ethanol đến 60%. Nếu trẻ em lỡ uống phải chúng thì vô cùng nguy hiểm.

Bác sĩ Adkins cũng nói: khi uống một lượng lớn dung dịch rửa tay khô, “bạn có thể bị say rượu”. Đây là với nước rửa tay loại thông thường và đạt chuẩn.

Ngộ độc methanol
Công thức hóa học của methanol là CH3OH, một hóa chất quen thuộc với học sinh trung học. Nó còn có tên gọi khác là rượu metylic, rượu gỗ, được biết đến nhiều hơn với tên gọi “cồn công nghiệp”. Cồn công nghiệp được dùng để làm chất chống đông lạnh, chất tẩy rửa sơn, mực in máy photo…

Khác với ethanol là rượu uống, methanol rất độc. Nếu uống rượu metylic, nhẹ thì động kinh, giảm thị lực; nặng hơn chút thì mù, và thậm chí là tử vong. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc khi nếm phải nước rửa tay giả, vì “Methanol không phải là một thành phần được chấp nhận trong chất khử trùng tay và không nên được sử dụng” – FDA cho biết.

Methanol còn độc hơn khi có thể xâm nhập qua da để đi vào cơ thể.

Xét từ một góc cạnh khác, nếu con cái ngộ độc ethanol – từ nước rửa tay – là do sự bất cẩn hay không xử trí kịp thời của cha mẹ; thì ngộ độc methanol là còn do sự phi đạo đức khi cố tình sản xuất nước rửa tay giả vì lợi nhuận.

Người Mỹ uống nước rửa tay dẫn đến tử vong
Nếu chọn mua nước rửa tay khô, bạn nên chọn các loại nước rửa tay khô có nồng độ cồn từ 60-75% là có thể an tâm sử dụng vì chúng có khả năng sát khuẩn cao, tiêu diệt được hầu hết các loại virus gây bệnh vô cùng hiệu quả. Ngoài ra, bạn cũng có thể tự làm gel rửa tay cho riêng mình tại nhà bằng từ những nguyên liệu đơn giản, dễ kiếm. (Ảnh: Shutterstock)
Những cách sử dụng không đúng cách

Theo khảo sát của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), có tới 39% người Mỹ sử dụng các sản phẩm sát khuẩn theo những cách có thể tiềm ẩn những nguy cơ chết người.

  1. Uống hoặc súc miệng với dung dịch tẩy pha loãng, nước xà phòng, và các dung dịch tẩy rửa/khử trùng khác.
  2. Bôi chất tẩy trắng lên các mặt hàng thực phẩm, chẳng hạn như trái cây hoặc rau quả (19%)
  3. Sử dụng các sản phẩm tẩy rửa và khử trùng gia dụng lên tay hoặc da (18%)
  4. Phun sương chất khử trùng (10%) và có 6% đã hít phải hơi từ chất tẩy rửa gia dụng hoặc chất sát khuẩn.

Báo cáo đã liệt kê những phản ứng sau khi bị nhiễm độc, bao gồm: choáng váng, đau đầu, kích ứng mắt, da, mũi và xoang, buồn nôn, các vấn đề về hô hấp… Điều này càng nguy hiểm hơn khi nó tạo ra một số triệu chứng giống với bị nhiễm COVID-19. Ngộ độc cũng có thể khiến người đó dễ bị bệnh nặng nếu nhiễm phải SARS-CoV-2.

Khảo sát cũng cảnh báo thêm: “Việc trẻ em tiếp xúc với nước rửa tay, đặc biệt qua đường uống, có thể kích ứng màng nhầy, ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, và trường hợp nghiêm trọng là bị nhiễm ngộ độc rượu”. (NTD)