Ngủ chảy nước miếng cảnh báo vấn đề sức khoẻ gì?
Tình trạng chảy nước miếng khi ngủ thường là vô hại nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe mà bạn cần quan tâm. Vậy ngủ chảy nước miếng là bệnh gì và đâu là nguyên nhân?
Chảy nước miếng khi ngủ là bệnh gì?
Ngủ chảy nước miếng xảy ra phổ biến ở cả trẻ em và người lớn, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Khi ngủ, các cơ ở mặt và phản xạ nuốt luôn trong trạng thái thả lỏng nên lượng nước miếng trong miệng được tích lũy khá nhiều. Nếu nước được tích trữ đến giới hạn nhất định thì cơ mặt sẽ giãn ra và không thể kiểm soát được nữa.
Trong trạng thái này, người đang nằm ngửa thì nước miếng sẽ tự chảy xuống dạ dày và thực quản, song người đang nằm nghiêng bên trái hoặc phải thì nước miếng sẽ chảy ngược ra bên ngoài. Vì tình trạng khi ngủ chảy nước miếng mà khi bạn tỉnh giấc sẽ thấy chăn, gối của mình ướt và có mùi khá khó chịu.
Tình trạng ngủ hay chảy nước miếng xuất hiện phổ biến ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên bạn vẫn nên cảnh giác tìm hiểu xem ngủ chảy nhãi là bệnh gì. Đôi khi đây có thể là tín hiệu cảnh báo một vài bệnh lý, đặc biệt là ở người lớn tuổi.
Nguyên nhân ngủ hay chảy nước miếng?
Muốn biết chảy nước miếng khi ngủ là bệnh gì, cần tìm hiểu sâu hơn về nguyên nhân gây ra tình trạng này. Thông thường, nước bọt được bài tiết khi có kích thích từ bên ngoài như thức ăn, màu sắc và mùi vị món ăn, giờ giấc ăn, những hình ảnh, lời nói hay ý nghĩ liên quan đến việc ăn uống… đặc biệt những đồ ăn có vị chua như me, xoài dễ khiến tuyến nước bọt hoạt động mạnh hơn.
Ngoài những kích thích thông thường thì cũng có một số nguyên nhân khác khiến bạn ngủ hay chảy nước miếng:
– Các vấn đề về thần kinh – tâm lý: Các bệnh lý về thần kinh như thần kinh hệ thực vật, rối loạn thần kinh… sẽ khiến tuyến nước bọt bị kích thích và tăng tiết nhiều hơn kể cả khi ngủ. Ngoài ra, việc cơ thể bị stress, rối loạn giấc ngủ, căng thẳng, mệt mỏi và suy nhược cũng dễ khiến tình trạng ngủ hay chảy nước miếng thường xuyên xảy ra.
– Thói quen ăn uống: Như đã đề cập, việc ăn uống và nghĩ đến thức ăn cũng có ảnh hưởng khá nhiều đến tình trạng khi ngủ chảy nước miếng. Tăng tiết nước bọt xuất hiện khi ngủ có thể do thường xuyên ăn nhiều món có gia vị cay như hồ tiêu, mù tạt, ớt… Bên cạnh đó, ăn quá no vào buổi tối cũng dễ khiến nước bọt tăng tiết khi ngủ.
– Vấn đề về răng miệng: Tình trạng nước bọt không thể kiểm soát khi ngủ thường xuất hiện ở những người có các vấn đề về nha khoa như viêm họng, sâu răng, loét viêm mạc miệng,…
Vấn đề về tiêu hóa: Nhiều ghi nhận cho thấy ngủ hay chảy nước miếng cũng thường xuất hiện ở những những người bị rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày hoặc hành tá tràng,…
Ngoài những nguyên nhân trên thì rối loạn hệ nội tiết và uống một số thuốc,… cũng có thể ảnh hưởng đến tình trạng khi ngủ chảy nước miếng.
Ngủ bị chảy nước miếng là biểu hiện sinh lý tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, khi ngủ chảy nước miếng quá mức cũng có thể cảnh báo các vấn đề sức khỏe ở hệ thần kinh, tiêu hóa và răng miệng, thậm chí là đột quỵ ở người lớn tuổi…
Những biện pháp khắc phục khi ngủ chảy nước miếng
Nếu khi ngủ chảy nước miếng thường xuyên xảy ra thì dễ khiến miệng bị khô và gây hôi miệng. Dưới đây là những cách khắc phục tình trạng này một cách hiệu quả:
– Làm sạch xoang mũi trước khi ngủ: Vệ sinh xoang giúp mũi ít bị bít tắc khi ngủ và sẽ không phải hít thở bằng khoang miệng, nhờ đó nước miếng ít chảy ra ngoài. Nên vệ sinh xoang mũi bằng các sản phẩm chuyên dụng trước khi ngủ để phần khoang mũi được thông thoáng và sạch sẽ.
– Thay đổi tư thế khi ngủ: Nằm nghiêng sang trái hay phải sẽ dễ khiến nước bọt chảy ra gối, chăn khi ngủ. Vì vậy, nằm ngửa là cách tốt nhất để nước bọt chảy vào thực quản và dạ dày thay vì bị chảy ra ngoài. Nên kê thêm gối nằm để nâng cao đầu ở vị trí thoải mái nhất cũng sẽ giúp hạn chế được tình trạng chảy nước bọt khi ngủ.
– Ăn uống hợp lý: Không nên ăn quá nhiều nhiều gia vị cay như ớt, tiêu, mù tạt,… để tránh kích thích tuyến nước bọt tăng hoạt động bài tiết. Ngoài ra, không ăn quá no vào buổi tối cũng giúp tránh được tình trạng chảy nước miếng khi ngủ.
– Giữ tinh thần luôn thoải mái: Giữ cho đầu óc luôn thoải mái, không bị stress và căng thẳng cũng chính là chìa khóa giúp giảm bớt tình trạng khi ngủ chảy nước miếng. Đồng thời, ngủ đúng giờ và đủ giấc cũng là cách giúp cơ thể luôn căng tràn năng lượng, không còn mệt mỏi.
Nhìn chung, ngủ hay chảy nước miếng thường là vô hại, tuy nhiên nếu việc này xảy ra liên tục sẽ khiến nhiều người cảm thấy khó chịu và mất vệ sinh. Vì thế, nên cân nhắc việc áp dụng các phương pháp khắc phục tình trạng này hoặc thăm khám bác sĩ nếu cần thiết. (T/H, VOV)