Wednesday, April 24, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Nếu một ngày Trung Quốc tấn công Việt Nam


Nhìn từ phản ứng của phương Tây trước chuyện Nga xâm lược Ukraine, ý kiến của giới quan sát nói ngay cả trong trường hợp Trung Quốc tấn công Việt Nam vì nguyên nhân nào đó, chắc chắn Hoa Kỳ và các nước châu Âu càng không muốn đối đầu.

Quân đồn trú của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ở Hong Kong chuẩn bị đón Chủ tịch Tập Cận Bình trong buổi lễ kỷ niệm 20 năm Anh trả Hong Kong về cho Trung Quốc hôm 30/6/2017.
Trung Quốc đang đóng thêm nhiều tàu sân bay để phục vụ “sứ mệnh” của nước này tại khu vực Biển Đông và Đài Loan

Theo Đài Á Châu Tự Do, những vũ khí hiện đại mà Việt Nam mua từ Nga lại chính là những vũ khí sẽ được sử dụng để chống lại Trung Quốc – quốc gia hiện có vẻ là “người bạn tốt nhất” của Nga. Có thể, việc Việt Nam bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết lên án Nga là do mối quan hệ lịch sử sâu sắc của hai nước này với Nga cũng như sự phụ thuộc về thiết bị quân sự vào Nga.

Điều này đặc biệt quan trọng đối với Hà Nội: ước tính 84% thiết bị quân sự của Việt Nam đến từ Nga. Điều này khiến Việt Nam phụ thuộc vào việc cung cấp và bảo trì thiết bị từ Nga, điều tối cần thiết nếu Hà Nội muốn duy trì khả năng răn đe đối với sự xâm lược của Trung Quốc.

Cuộc khủng hoảng tại Ukraine là một trong những dấu hiệu cho tham vọng xây dựng trật tự thế giới mới của Nga và Trung Quốc.

Việt Nam đang trong vị thế rất chông chênh

Tuyên bố chung mạnh mẽ giữa Nga và Trung Quốc hôm 4/2 cam kết ủng hộ nhau bảo vệ các lợi ích cốt lõi đã gây bất ngờ cho nhiều người trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trung Quốc từ trước đến nay vẫn coi Biển Đông là một trong những lợi ích cốt lõi của mình. Việt Nam hiểu rõ giới hạn của mình trong mối quan hệ tay ba Nga – Việt Nam – Trung Quốc. Việt Nam đang trong vị thế rất chông chênh, khi mà những vũ khí Nga bán cho Việt Nam, thì đồng thời Nga cũng cung cấp cho Trung Quốc. Nếu xảy ra xung đột trên Biển Đông, liệu các vũ khí của Nga cung cấp cho Việt Nam có phát huy hiệu quả như mong đợi?

Việt Nam
Người dân Việt Nam tưởng niệm cuộc chiến tranh Biên giới 1979. Hình Getty

Ông Anh Pham, nhà quan sát từ Mỹ, cho biết: “Nhiều bạn Việt Nam hay tranh luận kiểu kỳ bí nói là yên tâm đi Việt Nam ta còn nhiều vũ khí bí mật khi cần sẽ tung ra đảm bảo Tàu phải sợ. Những thứ vũ khí đó nếu có phần lớn là đến từ Nga.

Tuy nhiên những yếu kém về tác chiến của quân Nga và của khí tài quân sự Nga ở chiến trường Ukraine phải là tiếng chuông cảnh tỉnh cho chiến lược và chính sách quốc phòng của Việt Nam, lâu nay vẫn dựa vào vũ khí Liên Xô – Nga, và sách lược quân sự kiểu cũ.

Lực lượng vũ trang Ukraine ngày 10/3 công bố video phục kích và tấn công đoàn xe tăng Nga tại Brovary, cách thủ đô Kiev khoảng 35 km về hướng đông, theo Guardian

Khí tài quân sự Nga, nhất là những thứ mà tầm tiền Việt Nam mua được, giờ là mồi ngon cho những thứ hỏa tiễn cá nhân mà Tàu đủ sức sản xuất hay mua sắm. Sự xuất hiện của drones rẻ tiền mà hiệu quả kiểu Bayraktar khiến cho những bài tập chiến thuật ví dụ kiểu tấn công hay bảo vệ điểm cao trở nên hết hữu hiệu.

Tránh được cuộc chiến tranh nào thì là thắng được cuộc chiến tranh đó. Để tránh và thắng các cuộc chiến với Tàu, cần xây dựng lại hình ảnh Việt Nam đàng hoàng, có tự trọng, có nhân phẩm, đạo đức, trọng sự thật, bênh vực kẻ yếu, bao dung, dũng cảm.

Có được hình ảnh đất nước với những giá trị cao thượng như thế thì thế giới mới có cảm hứng mà bênh vực Việt Nam lúc Việt Nam bị đe dọa, và kẻ thù thấy thế mới sợ hãi quay đi không dám đánh ta.”

Lính hải quân Trung Quốc PLA trên một tàu hải quân ở Biển Đông. Hình Asia Times

Trong khi đó, ông Nguyễn Huy Vũ, nhà quan sát từ Na Uy, nêu suy đoán: “Ngay cả trong trường hợp Trung Quốc tấn công Việt Nam vì những nguyên nhân nào đó, chắc chắn Hoa Kỳ và các nước châu Âu càng không muốn đối đầu. Và vì biết Hoa Kỳ và NATO không muốn đối đầu trong những trường hợp như vậy Trung Quốc chắc chắn sẽ mạnh bạo hơn trong việc trấn áp những nước nào có ý định kết thân với phương Tây hay có ý định chống đối lại chính sách bá quyền của mình.

Hành động của Nga và thái độ do dự của NATO do đó đang đẩy thế giới rơi vào cảnh bất an. Nó buộc các nước phải chạy đua vũ trang nếu muốn duy trì nền hòa bình cho nước mình.” (T/H, D/V)