Monday, November 25, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Liệu biến thể Delta có làm thay đổi diễn biến của đại dịch?

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cảnh báo rằng trong những tháng tới, biến thể Delta có thể lây lan và trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia. Vậy, biến thể Delta là gì và liệu biến chủng này có thể làm thay đổi diễn biến của đại dịch?

Biến thể Delta được ghi nhận lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 12 năm 2020, là một trong ba dòng của biến thể B.1.617 và đến tháng 6 năm 2021 đã được phát hiện ở khoảng 80 quốc gia.

Mặc dù vẫn chưa rõ chính xác làm thế nào mà biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao, ít nhất 40% so với biến thể Alpha và được dự báo là biến thể chiếm ưu thế trong những tháng tới.

Các ca nhiễm mới gần đây tại Anh, chủ yếu ở người trẻ tuổi.

Delta có làm gia tăng tỷ lệ tử vong?

Sự gia tăng các ca COVID-19 hiện tại của Vương quốc Anh chủ yếu ở những người trẻ tuổi và chưa được tiêm chủng. Hầu hết các ca nhiễm gần đây đều ở độ tuổi dưới 40, một nhóm tuổi vốn ít có nguy cơ nhiễm COVID-19 nghiêm trọng. Điều này khiến việc xác định chắc chắn liệu biến thể Delta có gây tử vong nhiều hơn các biến thể trước đây là một thách thức.

Tuy nhiên, nếu sự gia tăng các ca nhiễm này tiếp tục, nó sẽ làm tăng tỉ lệ nhiễm ở những người lớn tuổi hơn, đối tượng dễ bị tổn thương hơn, vì vắc-xin không hiệu quả 100% và không phải ai cũng được tiêm phòng đầy đủ. Điều này dẫn đến nhiều trường hợp nhập viện và tử vong hơn, đồng thời có nguy cơ làm quá tải hệ thống y tế, đó là lý do tại sao điều quan trọng là mọi người phải được tiêm chủng đầy đủ và tiếp tục tuân thủ các quy tắc giãn cách xã hội.

Hiệu quả của vắc-xin

Các nghiên cứu dịch tễ học ban đầu đang cho thấy vắc-xin COVID-19 hiện tại có hiệu quả chống lại biến thể Delta. Tuy nhiên, hoàn thành một liệu trình tiêm chủng đầy đủ gồm hai liều là rất quan trọng để có được sự bảo vệ hiệu quả chống lại biến thể mới này.

Một nghiên cứu của Bộ Y tế Công cộng Anh cho thấy vắc-xin Pfizer có hiệu quả 96% và một nghiên cứu ở Scotland cho thấy vắc-xin Pfizer có hiệu quả 79% trong việc ngăn ngừa nhiễm biến thể Delta. Có sự giảm nhẹ hiệu quả của vắc-xin so với các chủng SARS-CoV-2 trước đây, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết tin tốt là vắc-xin vẫn hoạt động khá hiệu quả để chống lại biến thể này. Vì vậy, nếu bạn được tiêm chủng, bạn sẽ được bảo vệ.

Các triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với cảm cúm

TS. Tim Spector, một nhà nghiên cứu từ Đại học King’s College London đang điều hành một dự án nghiên cứu Triệu chứng Zoe COVID cho biết, biến thể Delta dường như xuất hiện với một loạt các triệu chứng hơi khác trước đây, các triệu chứng như ho hoặc mất khứu giác là dấu hiệu rất nổi bật của COVID-19, nhưng với biến thể Delta các triệu chứng như nhức đầu và chảy nước mũi xuất hiện nhiều hơn. Ông lưu ý rằng những triệu chứng “giống như cảm lạnh” này có thể khiến những người trẻ tuổi không nhận ra họ bị COVID-19. Điều này rất nguy hiểm.

Các triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với cảm cúm thông thường.

Có làm thay đổi diễn biến của đại dịch?

Có thể còn quá sớm để hiểu tác động cuối cùng của biến thể Delta đối với các trường hợp nhập viện và tử vong, nhưng các nhà nghiên cứu lưu ý rằng biến chủng này có thể làm thay đổi toàn bộ tiến trình của đại dịch. Tony Blakely, một nhà dịch tễ học từ Đại học Melbourne chỉ ra sự gia tăng các ca nhiễm gần đây ở Anh cho thấy một tỷ lệ cao dân số cần được tiêm chủng đầy đủ để chống lại biến thể Delta.

Ví dụ, nhìn vào Vương quốc Anh, hiện có khoảng 80% dân số trưởng thành đã được tiêm một liều vắc-xin, nhưng mới chỉ 50 % đã hoàn thành liệu trình hai liều. Tại Mỹ, 45% tổng dân số đã được tiêm chủng đầy đủ nhưng tỷ lệ khác nhau đáng kể giữa các tiểu bang. Vermont có số lượng rất cao với 64% dân số được tiêm chủng đầy đủ, trong khi các bang như Alabama, Wyoming và Arkansas đều phải vật lộn để đạt được thậm chí một nửa con số đó. Tỷ lệ tiêm chủng khác nhau này có thể là một vấn đề nếu biến thể Delta tiếp tục lan rộng trên toàn quốc.

Delta có thể làm thay đổi cục diện của đại dịch. Vì vậy, việc tiêm phòng ngày càng trở nên quan trọng hơn, không chỉ để bảo vệ con người chống lại tỷ lệ tử vong hoặc bệnh nặng, mà còn để nâng cao khả năng miễn dịch cho cộng đồng và giảm bớt sự lây lan truyền nhiễm”. (SKDS)