Lệnh cấm WeChat của Tổng thống Trump lần đầu tiên động chạm đến trung tâm ‘Vạn lý Tường lửa’ của ĐCSTQ
Hôm 6/8, việc Tổng thống Mỹ Trump lần đầu tiên ban hành sắc lệnh cấm sử dụng WeChat đã đánh vào trung tâm giám sát mạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vì ứng dụng di động này liên quan mật thiết đến mọi mặt của đời sống kinh tế và xã hội Trung Quốc.
Tờ Washington Post đưa tin, các lệnh trừng phạt của Tổng thống Trump đánh dấu nỗ lực đầu tiên của Hoa Kỳ nhằm chống lại hệ thống kiểm duyệt “Vạn lý Tường lửa” của ĐCSTQ. Bởi trước nay ĐCSTQ vẫn luôn kiểm soát người dân bằng cách xây dựng bức tường ảo của riêng mình, chính là các ứng dụng như TikTok, WeChat.
Bài báo viết: “Rõ ràng là chính quyền Tổng thống Trump đang ngắm chuẩn vào một dịch vụ có vị trí cực kỳ trọng yếu trong đời sống xã hội, thương mại và giao dịch ngoại thương của Trung Quốc”.
Bà Danielle Cave, Phó giám đốc Trung tâm Chính sách Internet Quốc tế thuộc Viện Chính sách Chiến lược Úc, cho biết: “WeChat không chỉ là một ứng dụng trò chuyện. Nó là một trong số ít siêu ứng dụng ‘tất cả trong một’ trên thế giới mà người dùng có thể sử dụng để nhận tin tức, thanh toán hóa đơn, đặt chỗ du lịch và mua sắm trực tuyến”.
Các công ty Trung Quốc từ trước đến nay luôn không có uy tín trong việc bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng. Mặc dù Tencent đã nhiều lần tuyên bố rằng dữ liệu của người dùng quốc tế được lưu trữ ở nước ngoài và hoạt động kinh doanh của WeChat ở các thị trường phương Tây vẫn còn rất hạn chế, nhưng sự kiểm soát của WeChat đối với người Trung Quốc ở nước ngoài lại khiến người ta cực kỳ kinh ngạc.
Trong bức thư Tổng thống Trump gửi các nhà lãnh đạo Nghị viện hôm 6/8 viết rằng: “WeChat vẫn có thể theo dõi thông tin cá nhân và bí mật của công dân Trung Quốc khi họ đến Hoa Kỳ, do đó giúp ĐCSTQ có được một cơ chế giám sát chặt chẽ tình hình của các công dân Trung Quốc – những người mà có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời họ được hưởng lợi ích của xã hội tự do”.
“Theo báo cáo, giống như TikTok, WeChat cũng sẽ kiểm duyệt nội dung mà ĐCSTQ cho là nhạy cảm về mặt chính trị và cũng có thể được sử dụng để thực hiện các hoạt động tuyên truyền thông tin sai lệch có lợi cho ĐCSTQ”.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng WeChat vẫn là nguồn tiếp nhận tin tức phổ biến nhất của cộng đồng người Hoa di cư ra nước ngoài, điều này khiến người Hoa ở nước ngoài cực kỳ dễ bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch từ ĐCSTQ.
Trong những năm gần đây, cộng đồng người Hoa ở New York và những nơi khác đã nổi lên tranh cãi về việc WeChat lan truyền tin tức sai sự thật về chính trị ở Hoa Kỳ.
Năm 2018, nhà nghiên cứu Trương Trì (Zhang Chi) thuộc “Trung tâm Tin tức Kỹ thuật số” của Mỹ phát hiện ra rằng, 79% tin tức của người dùng tiếng Trung Quốc đến từ các nhóm trò chuyện WeChat. Một cuộc khảo sát đối với những người nói tiếng Quan Thoại ở Úc cũng cho thấy, 60% người được hỏi cho biết WeChat là nguồn lấy tin tức và thông tin chính của họ.
Trước đây, trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Epoch Times, ông Hoành Hà (Heng He), một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, nói rằng WeChat là một công cụ quan trọng để ĐCSTQ can thiệp vào công việc nội bộ của Hoa Kỳ. Bởi vì hiện nay vẫn còn một tỷ lệ khá cao số người Hoa ở Mỹ vẫn đang đọc tin tức từ WeChat, vậy nên việc ĐCSTQ sử dụng WeChat để tiến hành phong tỏa tin tức hiệu quả hơn bất kỳ công cụ nào trong quá khứ.
Ngoài ra, tin tức về việc chính quyền Trung Quốc dựa vào lịch sử cuộc trò chuyện trên WeChat để theo dõi những người bất đồng chính kiến ở Trung Quốc, chặn tài khoản người dùng và các nhóm WeChat ở nước ngoài cũng liên tiếp bị phanh phui.
Tính đến tháng 4 năm nay, hàng nghìn Hoa kiều đã tham gia vụ kiện tập thể chống lại WeChat.
Vào ngày 30/5, Ủy ban Liên minh Bảo vệ Quyền lợi người Trung Quốc của Hoa Kỳ đã công khai một bức thư cho biết, Tencent đã kiểm duyệt và đơn phương chặn, khóa tài khoản, khóa nhóm của người dùng WeChat ở nước ngoài với lý do có nội dung nhạy cảm và vi phạm các quy định. Họ đã can thiệp vào quyền tự do ngôn luận của người Mỹ gốc Hoa, can thiệp và phá hoại nền chính trị của người Mỹ gốc Hoa và can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ. Những hành vi nay vi phạm nghiêm trọng luật pháp Hoa Kỳ, vi phạm nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận và quyền hợp pháp của công dân theo Hiến pháp Hoa Kỳ.
Trước cuộc bầu cử liên bang năm 2019 ở Canada, cơ quan an ninh mạng của Nghị viện nước này đã bất ngờ đưa ra cảnh báo về sự nguy hiểm của WeChat, cảnh báo các Nghị sĩ và viên chức làm việc trong Nghị viện không được sử dụng WeChat vì nó có “rủi ro an ninh mạng tiềm ẩn”. (NTD)