Saturday, April 20, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Kiều Chinh trên “USA Today” –Ngày 30/4


USA Today, tờ báo có số lượng phát hành rộng rãi nhất nước Mỹ, hôm 29/4, có bài đặc biệt về nữ tài tử Kiều Chinh nhân đánh dấu biến cố 30/4 với sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam. Xin truy cập vào trang mạng sau để đọc bài viết:

Vietnam War, fall of Saigon 47 years later: Kieu Chinh artist in exile (usatoday.com)

Rất nhiều chi tiết trong bài viết được trích dẫn từ cuốn Hồi Ký của bà, “KIỀU CHINH An Artist in Exile” do NXB Văn Học Press xuất bản lần đầu năm 2021. Việt Báo, với sự cho phép của nữ tài tử Kiều Chinh, xin đăng lại đây những dòng chữ thuật lại trải nghiệm của bà trong những ngày u tối, bi thảm nhất của đất nước Việt Nam. Xin cảm ơn Kiều Chinh.

Kiều Chinh trên USA Today, số ra ngày 29/4/2022, với bài viết liên quan đến biến cố 30/4/1975.

Trích đoạn Hồi Ký (Ấn bản Việt ngữ):

Phim Full House và chiến sự Việt Nam

Full House là một phim vui về giới trẻ Singapore ở khía cạnh hội hè, chạy theo thời trang, của những đợt sống mới. Phim khởi quay cuối tháng 2 thì chưa đầy hai tuần sau, chính xác là ngày 10 tháng 3, xe tăng Cộng sản bất ngờ tràn ngập thành phố Ban Mê Thuột, khởi đầu cuộc tổng tấn công tất cả các thành thị ở miền Nam. Tiếp theo, quân đội VNCH được lệnh rút bỏ Pleiku, Kontum, rồi miền Trung.

Ngày ngày tôi vẫn làm đúng và cố gắng làm tốt vai trò của mình trong bộ phim Full House, nhưng đêm tới lòng tôi như lửa đốt. Tôi không ngừng theo dõi tin tức cùng những bình luận của các hãng truyền thông quốc tế về tình hình miền Nam. Thật đau buồn khi nghe các hãng đều đưa một tin giống nhau là sự sụp đổ của miền Nam chỉ còn là vấn đề thời gian. Cách khác, không một phép lạ nào còn có thể cứu nổi miền Nam.

Hằng đêm tôi vẫn dán mắt vào TV, chứng kiến cảnh miền Trung hỗn loạn, chết chóc! Xác người trên sông Ba, khi dân chúng cũng như quân nhân được lệnh rút khỏi Pleiku, chạy ra Tuy Hòa, phải vượt qua sông Ba, bị quân Cộng sản nã pháo bắn chặn… Cùng lúc đó, tôi liên tiếp nhận được điện tín khẩn cấp, đánh đi từ Sài Gòn của gia đình hay Toronto từ các con tôi. Chỉ với  một  nội dung cấp bách:  “Yêu cầu trở lại ngay  Toronto với các con!  Đừng về Sài Gòn.”

Nhưng chồng, bố chồng, gia đình nhà chồng còn kẹt ở Sài Gòn. Làm sao tôi có thể lặng lẽ bay qua Toronto? Khi cách gì thì các con tôi cũng đang được ở một nơi chốn không thể an lành hơn. Chuyện sinh tử rình rập từng phút không trên đầu các con tôi  mà chính là chồng, bố chồng, chị Sâm và những người thân thuộc trong gia đình nhà chồng.

KIỀU CHINH An Artist in Exile, A Memoir.

Ngày quay cuối cùng của cuốn phim, sau đó tôi cắt băng khánh thành một rạp chiếu bóng mới nhất của Singapore và dự dạ tiệc do hãng phim tổ chức tiễn chân tôi. Xong, tôi vội vã đáp chuyến bay Singapore-Sài Gòn, đúng ngày 16 tháng 3 năm 1975. Chuyến bay trống trơn. Tôi là hành khách duy nhất bay ngược về Sài Gòn trong khi hàng triệu người đang nhốn nháo tìm đường ra đi. Một nhân viên phi hành cho biết đây là chuyến bay khẩn cấp về đón nhân viên ngoại giao và kiều dân rời Sài Gòn. Về tới Tân Sơn Nhất, số tiền thù lao đóng ba phim, hai ở Thái Lan và một ở Singapore mang về, bị buộc phải đổi thành tiền Việt Nam thời đó, tôi mang một bao bố tiền Việt Nam về nhà. Thấy vậy, Tế và bố chồng tôi kêu trời vì đã bảo đừng về, và phải giữ lại dollars…

Về Sài Gòn, từng giờ chứ không phải từng ngày tôi thấy sau Huế, Đà Nẵng là Quy Nhơn, Nha Trang, Cam Ranh, Phan Thiết rồi Bình Tuy, Long Khánh liên tiếp thất thủ, Sài Gòn càng lúc càng trở nên hoảng loạn, điên dại trong tuyệt vọng. Từng đoàn người lũ lượt, rồng rắn từ các vùng kéo nhau đổ về thành phố, trong lúc dân Sài Gòn và hàng vạn người khác lại nháo nhào tìm đường ra đi! Đường phố đông nghẹt người, ai nấy hớt hơ hớt hải, vội vàng lo lắng đi tìm nhau, tìm đường ra đi. Đủ loại xe máy, xích lô, cam nhông, công-voa nhà binh… chạy ngược xuôi, hoảng loạn.

Tin đồn lại chiếm được ưu thế nhất. Nào là sẽ có thương tuyết giữa Nam-Bắc để ngưng chiến. Sẽ có một chính phủ hòa hợp hòa giải được cả hai bên và quốc tế công nhận. Miền Trung sẽ là vùng trái độn. Chính phủ Pháp sẽ lại đưa vua Bảo Đại về nước, v.v…

Đây cũng là lúc tôi nghĩ tới bố và anh Lân, nếu như tin đồn là sự thật thì tôi hy vọng được gặp bố và anh. Đồng thời, đó cũng là lúc điện tín cũng như điện thoại của các con tôi ở Canada liên tiếp hối thúc tôi phải ra khỏi Việt Nam, phải rời khỏi Sài Gòn, bằng cách nào sớm nhất. Tôi biết vì đang sinh sống ở Canada với gia đình hai bác Hòa, Mão nên các con tôi cập nhật được những tin tức mới nhất và chính xác nhất.

Kiều Chinh và Alan Alda đóng vai chính trong một tập năm 1977 của bộ phim truyền hình “M*A*S*H. Alda cũng viết và đạo diễn tập phim. Hình CBS/Getty

Ngay bố chồng và chồng tôi cũng hối thúc tôi phải ra khỏi nước ngay lập tức bằng mọi cách trong lúc tôi còn thông hành ngoại giao ra đi lúc nào cũng được! Tôi bị giằng co, dày vò, bấn loạn giữa ở và đi!

Trong tôi hình ảnh đứa con gái mới 16 tuổi thình lình mất bố, bơ vơ, sợ hãi trong hoàn cảnh đất nước chia đôi thời 1954, trở lại như những tia chớp lóe trong đầu giúp tôi tỉnh ngộ. Tôi muốn nói chính hình ảnh của tôi 21 năm trước, trong một đêm ở phi trường Hà Nội, đã chỉ cho tôi thấy con đường tôi phải đi, bổn phận tôi phải làm, dù quyết định ấy tôi phải trả một cái giá rất đắt, đau đớn tinh thần cũng như thể chất, chia tay gia đình chồng để ra đi vì ba đứa  con  nhỏ dại. Tôi  không thể để chúng côi cút nơi xứ người, hoảng loạn mất cha mẹ như tôi đã mất bố, một khi Sài Gòn thất thủ, đổi chủ, sang trang.

Nhờ  sự  thúc giục của gia đình và nhất là sự giúp đỡ tận tình của người bạn thân, anh Nguyễn Xuân Thu, Phó Giám đốc hãng Hàng Không Việt Nam, nửa đêm giữa giới nghiêm, lái xe của Air Việt Nam với cờ VIP đưa tôi vào lọt phi trường. Anh Thu nói sáng sớm mai sẽ có chuyến bay cuối cùng của Air Viet Nam đi Philippines, anh đã thu xếp có nhân viên đón và lo cho tôi mọi chuyện khi tới nơi.

Phi trường Tân Sơn Nhất đông nghẹt người, đa số là vợ con người Việt đi theo chồng ngoại quốc hay tiễn chân chồng. Những tiếng dặn dò, khóc lóc ồn ào vang động.

Ming-Na Wen và Kiều Chinh đóng vai mẹ con trong phim “The Joy Luck Club” (1993). Hình Buena Vista

Sáng ra, sắp tới giờ máy bay cất cánh thì phi trường bị pháo kích, cảnh tượng hỗn loạn. Anh Thu kéo tôi trở lại phòng VIP của Air Vietnam. Không một máy bay nào cất cánh suốt ngày hôm đó. Chờ đợi qua một đêm trong không khí ngột ngạt cho tới sáng ngày hôm sau. Anh Thu bỏ tôi ngồi đó chạy đi lo chuyện, lúc trở lại anh nói: “Được rồi, mau mau đi! Không mang theo gì cả! Có một chuyến bay của Pan American chở nhân viên dân sự và quân sự Mỹ rời Sài Gòn.” Tôi vội vã choàng cái xách tay vào cổ.

Thu lôi tôi chạy băng qua phi đạo, đẩy tôi lên chiếc máy bay đông nghẹt người, anh lên theo thu xếp cho tôi ngồi ở ghế của nhân viên phi hành nơi cuối thân bay, cạnh phòng vệ sinh. Anh nắm tay tôi: “Chinh đi.” Tôi nhìn Thu tất tả đi ngược trở ra trước khi cánh cửa máy bay đóng lại, chưa kịp hỏi Thu máy bay sẽ đi đâu. Nguyễn Xuân Thu ơi! Cám ơn Thu. Sau cùng thì tôi cũng lên được chuyến bay cuối cùng rời khỏi Sài Gòn.

Mới tuần trước tôi trở lại Sài Gòn với một bao tiền Mỹ kim (dù cuối cùng bị đổi hết sang tiền Việt) thì ngày tất tả ra đi tôi không có một vật dụng nào mang theo, ngoài chiếc ví tay nhỏ, có vài chục Mỹ kim sót lại, một cuốn sổ điện thoại, và giấy thông hành.

Tôi không biết có phải định mệnh đã tái diễn một lần nữa hay không? Khi mà 21 năm sau chuyến bay rời khỏi Hà Nội, tôi lại một mình bỏ hết. Ra đi. Lần này, tôi đi khỏi Việt Nam, quê hương tôi, để bắt đầu phần đời của một nghệ sĩ lưu vong, sống bên ngoài tổ quốc của mình!

Jason Momoa và Kiều Chinh trên phim trường “Tempted” năm 2003. Hình Kiều Chinh

Những ngày đen tối 

Tháng 4, chính xác là 30 tháng 4, 1975, chính phủ VNCH của miền Nam mới thực sự bị sụp đổ.

Đó là ngày Bắc quân Cộng sản lăn những vòng xích xe tăng đầu tiên trên đại lộ Thống Nhất ở Sài Gòn, ủi sập cổng sắt Dinh Độc  Lập sau khi đại tướng Dương Văn Minh ra lệnh cho toàn thể quân đội miền Nam phải buông súng, chờ bàn giao miền Nam cho chính quyền miền Bắc.

Nhưng trước đó, có rất nhiều tin đồn về các giải pháp chính trị cho miền Nam khiến một số không nhỏ người dân tin theo những tin đồn ấy. Hai trong số những tin đồn được nhiều người tin tưởng nhất đó là:

– Giải pháp cắt một phần đất miền Trung làm trái độn cho các phe tham chiến ở miền Nam có thời gian thương thảo trong một thời gian dài lâu trước khi đi đến một chọn lựa chung cuộc, xuyên qua một cuộc thăm dò dân ý, xem người dân miền Nam có muốn trở thành trung lập, hay đi theo thể chế Cộng sản của miền Bắc.

Hai nữ diễn viên Kiều Chinh và Tippi Hedren năm 2013 tại Beverly Hills, California. Hedren, ngôi sao của những bộ phim như “The Birds” của Alfred Hitchcock, mẹ của nữ diễn viên Melanie Griffith và bà của nữ diễn viên Dakota Johnson, đã bảo lãnh Kiều Chinh sang Hoa Kỳ vào cuối những năm 1970. Hình Getty Images

– Trung lập hóa toàn thể miền Nam trong vòng 2 năm trước khi chuyển thành một thể chế chính trị nào đó mà người dân miền Nam được quyền quyết định.

Đó là một trong vài nguyên nhân chính khiến một số không nhỏ người đã không nghĩ tới chuyện phải chuẩn bị ra đi! Để cuối cùng, ngoài hàng trăm ngàn công chức, quân nhân của chế độ VNCH cũ, phải đi tù cải tạo, còn có cả triệu người khác thoát thân bằng đường biển, với số người vùi thân nơi biển sâu, tuy chưa có con số thống kê chính xác, nhưng theo ước lượng của cơ quan Hồng Thập Tự Thế Giới, và cơ quan  Cao Ủy Tị Nạn  LQH, thì không dưới nửa triệu người.

Cũng vì số đồng bào miền Nam liều chết, bỏ nước ra đi đó mà lần đầu tiên lịch sử tị nạn thế giới có hai chữ “Boat People” chỉ chung những người Việt Nam bỏ nước ra đi bằng thuyền bè, dù đến hay không đến được bến bờ tự do. Đó là xét về phương diện chính trị với sự sắp xếp thỏa thuận ngấm ngầm của các cường quốc trực tiếp hay gián tiếp tham dự vào cuộc chiến miền Nam 20 năm. Về phương diện xã hội, tình hình miền Nam vẫn chưa cho thấy một xáo trộn trầm trọng nào, nhất là tại Sài Gòn hay những thành phố lớn.

Tôi nhớ Tết Nguyên Đán 1975 vẫn được dân chúng đón chào với tất cả tưng bừng, hy vọng, cầu nguyện hạnh phúc, tốt lành đúng như truyền thống đã có từ bao nhiêu ngàn năm của người Việt. Cũng thời gian này, ở phạm vi nghệ thuật Điện ảnh, thì sau khi Asian Film Festival 1973 tổ chức tại  Sài  Gòn rất thành công, kỹ nghệ Điện ảnh Việt Nam cũng bước qua thời kỳ non trẻ để cất cánh bay tới những đỉnh cao.

Kiều Chinh, thứ hai từ trái sang, cùng chồng con ở Sài Gòn những năm 1970. Hình Kiều Chinh

Tôi muốn nói sự phát triển hay trưởng thành của điện ảnh Việt Nam ở thời điểm này chính là sự ra đời dồn dập, liên tiếp của phim Việt Nam, do các nhà sản xuất, đạo diễn, tài tử Việt Nam đảm trách. Tôi nhớ, giữa không khí phấn khởi, hầu hết các rạp chiếu phim lớn nhỏ ở Sài Gòn đã hân hoan mở cửa chào đón sự vươn vai lớn dậy của nền Điện ảnh Việt Nam thuở đó,  cũng  là thời kỳ  tôi bận rộn,  sôi nổi  nhất  với nghề nghiệp chuyên môn của mình.

Sau hai phim tôi được mời đóng vai nữ chính của hai hãng phim Châu Á, quay ở Thái Lan, thì từ cuối tháng 2 năm 1975, tôi đã có sẵn hợp đồng quay cuốn phim Full House tại Singapore. Vì tháng 2/75, với tôi là tháng mở đầu của một năm với quá nhiều công việc muốn làm, những cuốn phim đã nhận đóng và những dự tính làm phim mới với Hoàng Vĩnh Lộc, người đạo diễn mà tôi rất quý mến, chưa kể công việc liên quan tới gia đình, dự tính đi thăm các con đang du học tại Toronto, Canada…

Mùng Một Tết Ất Mão nhằm ngày 11 tháng 2 năm 1975, vừa xong Tết và giỗ chạp với gia đình, là cuộc họp mặt mừng Tết tại Alpha Films, với Hội Điện Ảnh Việt Nam. Nhân dịp này, ông Thái Thúc Nha, chủ nhân Alpha Films, nhắc nhở tôi:

“Bà Chủ tịch phải sớm lo việc mời một số tài tử ngoại quốc đến dự ‘Ngày Điện Ảnh Việt Nam kỳ VII’ vào tháng 8 năm 1975.”

Tất nhiên là tôi không lo gì được cho “Ngày Điện Ảnh Việt Nam kỳ VII” vào tháng 8 năm 1975 giản dị vì khi ấy miền Nam Việt Nam đã không còn nữa.

Hình bìa tạp chí Female (Singapore), 21/4/1975.

Từ nhà tù Singapore tới Toronto

Ngay khi máy bay đáp xuống phi trường Singapore, nơi tôi vừa rời đó đúng một tuần lễ trước, tôi bị cảnh sát áp tải vào… nhà tù. Lý do, thông hành ngoại giao của tôi,  được  cấp  bởi một chính phủ bị  coi là không còn  hiệu lực, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã từ chức. Trong nhà tù, lòng dạ rối bời, tôi ngồi co quắp qua đêm giữa đủ loại người, sáng khi đi làm vệ sinh, tình cờ tôi thấy một người cai tù đang đọc cuốn tạp chí Female, với hình bìa chính là tôi: Kiều Chinh. (Tờ báo đăng bài viết và hình ảnh tôi được phỏng vấn sau khi quay xong phim Full House). Tôi mừng rỡ, nói với người cai tù rằng tôi chính là người phụ nữ nơi trang bìa mà ông đang coi… Làm ơn giúp tôi, tôi cần gọi điện thoại. Ông ta nhìn tôi, từ đầu đến chân, xong trở lại với tờ báo, mà không hề nói một lời.

Khi theo đoàn tù bước vào khu vực dành cho tù nhân rửa mặt, làm vệ sinh, nhìn mình trong gương, tôi chợt hiểu lý do tại sao người cai tù kia không thể nào liên tưởng tôi lúc này, một phụ nữ thất thần, tóc tai rũ rượi lại có thể là một nữ tài tử với bức hình thật đẹp đăng trên trang bìa tờ Female Magazine nổi tiếng của Singapore. Dù không có một phương tiện trang điểm  nào trong tay, tôi vẫn cố gắng vuốt tóc, sửa lại quần áo cho ngay ngắn.  Trở lại, một lần nữa, tôi năn nỉ người cai tù mở lại trang center-fold của tờ tạp chí, sẽ thấy người trong hình chính là tôi. Ông ta mở trang giữa của tờ báo, có thêm một tấm hình Kiều Chinh rất lớn tràn cả hai trang, mặc áo dài Việt Nam trang trọng. Tới lúc này thì ông ta nhận thấy rõ ràng người trong hình và người tù chính là một.

Ông ta gật đầu cho phép tôi gọi điện thoại tới tòa đại sứ VNCH. Nhờ sự trợ giúp tận tình của đoàn làm phim Full House cũng như của Đại sứ Trương Bửu Điện, tôi được lãnh ra khỏi nhà tù, với điều kiện phải rời Singapore trong vòng 48 tiếng. Suốt một ngày chạy đôn chạy đáo, với tình hình khi ấy của miền Nam Việt Nam, không một tòa đại sứ của bất cứ quốc gia nào tại Singapore chịu cấp giấy phép cho tôi nhập cảnh. Họ giải thích rằng  Sài Gòn  sẽ thất thủ bất cứ lúc nào, và cách duy nhất trong tình cảnh  ngặt  nghèo  ấy  là  tôi  lấy  một vé máy bay, bay vòng vòng từ Đông sang Tây, chờ Sài Gòn chính thức đổi chủ thì tôi mới có thể xin tị nạn chính trị tại nơi nào mà máy bay đáp xuống.

Sau bốn ngày ba đêm sống vất vưởng giữa trời, từ Singapore, Bangkok, Hong Kong, Korea, Tokyo, Paris, New York, Toronto… mà giữa các chuyến bay là những giây phút khắc khoải chờ đợi, ở các phòng đợi phi trường, uống nước máy phông-tên, ăn những mẩu bánh mì cũ để dành từ những bữa ăn trên máy bay, trong xách tay chỉ còn vỏn vẹn vài chục dollar. Khi tới Tokyo tôi gọi điện thoại báo tin cho chị Tĩnh biết giờ máy bay sẽ tới phi trường Charles de Gaulle. Trong khi tôi bay trên trời mây thì dưới đất chị Tĩnh ngồi trên chuyến xe lửa đi từ Marseille lên Paris.

Nữ diễn viên Kiều Chinh sau năm 1975, bà định cư tại Hoa Kỳ và đã tham gia nhiều vai diễn trong nhiều chương trình truyền hình và phim của Hollywood, nổi bật nhất là chương trình truyền hình “M*A*S*H” và bộ phim “The Joy Luck Club”. Hình Kiều Chinh

Cuối cùng tại Paris, chúng tôi được nhìn thấy mặt nhau qua bức tường kính. Chị ra dấu bảo tôi ra chỗ có điện thoại. Trên điện thoại, chị la lên: “Sài Gòn sắp mất rồi. Em cứ ở đây chờ đừng đi tiếp nữa. Em đừng sợ, có chị và bác Nghị sẽ lo cho em tất cả, rồi em sẽ đón các con sang đây…”

Tôi nhìn chị lắc đầu. Hai chị em áp tay trên tường kính, nước mắt trào ra. Tôi không nghe lời khuyên của chị Tĩnh cứ ở lại Paris chờ tình hình miền Nam biến chuyển rồi sẽ xin tị nạn. Tôi quay lưng lại chị tiếp tục leo lên những chuyến bay kế tiếp…

Từ New York tôi gọi điện thoại cho các con ở Toronto.

Đúng 6 giờ chiều ngày 30 tháng 4 năm 1975, phi cơ đáp xuống phi trường Toronto, ôm các con vào lòng, tim tôi thắt lại khi nghe tin Sài Gòn đã thất thủ.

Tôi trở thành người Việt tị nạn đầu tiên tại Toronto, Canada.

– Kiều Chinh (T/H, V/B)