Đột phá: Phát hiện thứ giúp trẻ em ‘bất tử’ trước Covid, như siêu vắc-xin
Nghiên cứu mới của Úc phát hiện ra cơ chế ngoạn mục bên trong mũi của trẻ em, khiến trẻ có khả năng chống và vô hiệu hóa bớt virus SARS-CoV-2 cực tốt dù chưa được tiêm vắc-xin.
Hiện tượng trẻ em khó bị nhiễm bệnh và bệnh nhẹ hơn người lớn rất nhiều đã được quan sát từ đầu đại dịch và dường như lớp bảo vệ vô hình này tồn tại ở mọi biến chủng. Ngoại trừ những trẻ có bệnh nền nặng (như béo phì, bệnh tim, bệnh thận mạn…) hầu hết bệnh nhi đều trải qua Covid-19 như một cơn cảm nhẹ, nhờ một “vũ khí riêng” bên trong mũi.
Theo Medical Xpress, công trình dẫn đầu bởi Phó giáo sư Kirsty Short từ Trường Hóa học và khoa học sinh học phân tử thuộc Đại học Queensland – Úc cho thấy niêm mạc mũi của trẻ em có khả năng ức chế sự lây nhiễm và sao chép của SARS-CoV-2 một cách hoàn toàn tự nhiên, y như cơ chế của vắc-xin.
Như vậy, virus đi qua kênh quan trọng của đường hô hấp này có thể bị loại bỏ một phần, và nếu có xâm nhập được thì cũng rất khó phát triển mạnh.
Nghiên cứu nhằm cố gắng tìm ra bí ẩn đằng sau sự để kháng không thể chối cãi của trẻ em với SARS-CoV-2, đã tuyển chọn 23 trẻ em khỏe mạnh 2-11 tuổi và 15 người lớn khỏe mạnh từ 19-66 tuổi, lấy mẫu niêm mạc mũi của những người này.
Kết quả được công bố trên PLoS Biology cho thấy chỉ có tế bào niêm mạc mũi của trẻ em là có khả năng vô hiệu hóa SARS-CoV-2 trong các mẫu thử tại phòng thí nghiệm. Dường như cơ chế kỳ diệu này đã mất đi khi lớn lên.
Các tác giả lưu ý virus được sử dụng trong nghiên cứu là chủng tổ tiên và biến chủng Delta, chưa thử nghiệm với Omicron. Tuy nhiên trong đợt bùng phát Omicron khắp thế giới hồi đầu năm, hiện tượng “trẻ em bệnh nhẹ” vẫn được ghi nhận phổ biến ở các nước, dù trẻ em hầu hết vẫn chưa được tiêm chủng.
Một điểm thú vị khác là khá nhiều hãng sản xuất vắc-xin trên toàn thế giới cũng đang theo đuổi nghiên cứu về các loại vắc-xin mũi dạng xịt, cũng nhắm vào việc làm gia tăng khả năng chống lại virus của niêm mạc mũi, đơn cử như một loại mà AstraZeneca đang nghiên cứu.
Vắc-xin mũi được kỳ vọng sẽ chống lây nhiễm tốt, trong bối cảnh vắc-xin truyền thống vẫn chống bệnh nặng tốt nhưng chống lây nhiễm kém. Có lẽ, trẻ em đã may mắn trong đại dịch này khi sở hữu một cơ chế tự nhiên có tác dụng y như các “siêu vắc-xin” người lớn đang nỗ lực tìm kiếm. (T/H, NLD)