Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Đông Nam Á quay lưng với vắc-xin Trung Quốc?

Việt Nam tranh cãi về vắc-xin Trung Quốc

Trong lúc tình hình Đại dịch COVID-19 với biến chủng Delta đang lan rộng, tỉ lệ tử vong ngày càng tăng, vắc-xin được coi là giải pháp bền vững hơn so với các biện pháp “dập dịch” trước đây. Tuy nhiên, bên cạnh bài toán thiếu nguồn cung, việc tiêm vắc-xin tại Việt Nam đang gây ra nhiều tranh cãi, đặc biệt với việc sử dụng vắc-xin từ Trung Quốc.

Vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc (Hình Reuters)

Ngày 13/8, báo chí Việt Nam cho biết Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai một triệu liều vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc đến các điểm tiêm cho người dân trong thành phố. Tuy nhiên, một video được lan truyền trên mạng xã hội Facebook trong cùng ngày cho thấy nhiều người dân khi nghe được tiêm vắc-xin Trung Quốc đã phản đối và bỏ về. Giới chức thành phố cũng thừa nhận có hiện tượng này.

Một khảo sát trên Facebook của Đài Á Châu Tự Do vào đầu tháng 6 cho thấy trong số hơn 4,000 phản ứng có đến 90% phản ứng không muốn dùng vắc-xin Trung Quốc. 

Những tuần gần đây, khi TP HCM nhập về một triệu liều vắc-xin Sinopharm trong tổng số năm triệu liều dự định mua về, nhiều người dân đã lên tiếng bày tỏ nghi ngờ về độ an toàn và hiệu quả của vắc-xin Trung Quốc. Phản ứng mạnh đến nỗi giới chức thành phố phải lên tiếng trấn an rằng việc tiêm vắc-xin là tự nguyện và người dân sẽ không bị phạt nếu chọn không tiêm vắc-xin Trung Quốc

Sự tranh cãi này là một bằng chứng cho thấy quốc gia từng chịu rất nhiều ảnh hưởng trong mối quan hệ với Trung Quốc như Việt Nam cũng đang muốn quay lưng với vắc-xin Trung Quốc. Nhưng điều này đang xảy ra không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn Đông Nam Á.

VIDEO (BẤM VÀO NÚT TRÊN ĐỂ XEM): Vì sao người dân phản đối tiêm vắc-xin Trung Quốc? (RFA)

Thất bại của “ngoại giao vắc-xin” Trung Quốc

Tờ Wasington Post mới đây có bài viết  có tựa tạm dịch “Chủng Delta hoành hành, Đông Nam Á chuyển không dùng vắc-xin của Trung Quốc”.

Theo Washington Post, sự thay đổi nói trên trong một khu vực mà Trung Quốc đang tranh giành ảnh hưởng với Mỹ đã bộc lộ những hạn chế trong chính sách ngoại giao vắc-xin của Bắc Kinh. Các quốc gia như Indonesia và Thái Lan đã từng đặt niềm tin quá lớn vào vắc-xin Sinovac của Trung Quốc, bất chấp cảnh báo từ giới chuyên gia y tế. Tuy nhiên, hệ thống y tế của các nước này đang chịu sức ép quá tải khi biến thể Delta lây lan khắp các thị trấn và thành phố. Hiện Indonesia đã ghi nhận hơn 100.000 ca tử vong.

Sinovac và Sinopharm là hai trong số những vắc-xin bắt đầu được thử nghiệm lâm sàng sớm nhất, nhưng Trung Quốc không công bố dữ liệu đầy đủ về kết quả thử nghiệm lâm sàng. Hàng triệu người dân Đông Nam Á đã được tiêm hai loại vắc-xin này khi chính phủ của họ vội vàng đặt mua trong bối cảnh nguồn cung hạn chế và trước khi nước Mỹ cam kết chia sẻ những loại vắc-xin do phương Tây sản xuất. Khi các quốc gia giàu có hơn nhanh chóng tiếp cận được nguồn vắc-xin Pfizer và Moderna, thì một số nước đang phát triển không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trông cậy vào Trung Quốc.

Nghi ngờ về hiệu quả

Những nghi ngờ về tính hiệu quả của vắc-xin Sinovac đã tăng lên vào tháng 6/2021 khi Indonesia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong số những bác sĩ của nước này đã được tiêm phòng đầy đủ. Hiệp hội Y khoa Indonesia đã ghi nhận ít nhất 20 ca tử vong là các bác sĩ đã được tiêm hai liều vắc-xin Sinovac. Đầu tháng 6/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phê duyệt loại vắc-xin này để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Đại diện của hai công ty dược phẩm Sinovac và Sinopharm của Trung Quốc đã không trả lời các yêu cầu bình luận về những thông tin nói trên. Hồi tháng 6, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc dẫn lời Giám đốc Điều hành Sinovac Doãn Vệ Đông (Yin Weidong) cho biết vắc-xin của họ không thể bảo vệ 100%, nhưng có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng và tử vong. Phát biểu tại một diễn đàn do Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tổ chức hồi tuần trước, ông Doãn Vệ Đông cho biết công ty ông sẽ đệ trình lên các cơ quan quản lý Trung Quốc trong những ngày tới đơn cấp phép nghiên cứu lâm sàng và sử dụng khẩn cấp đối với biến thể Delta. Vị giám đốc này cũng cho biết công ty Sinovac có “đủ năng lực sản xuất” để phát triển và sản xuất loại vắc-xin có thể ngăn chặn các biến chủng mới.

Theo truyền thông Indonesia, trong số những ca tử vong ở Indonesia có Novilia Sjafri Bachtiar, nhà khoa học đứng đầu trong các đợt thử nghiệm vắc-xin Sinovac ở nước này. Đến cuối tháng 7/2021, quốc gia 270 triệu dân này mới bắt đầu sử dụng vắc-xin Moderna do Mỹ sản xuất để tiêm chủng cho các nhân viên y tế sau khi được Washington tặng tám triệu liều.

Cảnh tượng Indonesia tiếp nhận những lô vắc-xin của Mỹ tài trợ khác hẳn so với cảnh tượng Jakarta tiếp nhận những lô vắc-xin do Trung Quốc bán hoặc trao tặng. Nếu như vắc-xin do Mỹ cung cấp chỉ “im lặng” đến Indonesia trong những chiếc hộp và được trang trí bằng cờ Mỹ, thì vắc-xin Sinovac của Trung Quốc được đích thân Tổng thống Indonesia Joko Widodo quảng bá bằng cách tiêm chủng loại vắc-xin này và được phát sóng trực tiếp hình ảnh ông tiêm chủng trên truyền hình. Các quan chức y tế đã giơ cao hộp vắc-xin, được tô điểm bằng cái tên Sinovac, nhằm gia tăng niềm tin vào loại vắc-xin này. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã ca ngợi động thái của Tổng thống Widodo, đồng thời quảng cáo loại vắc-xin này là “an toàn và hiệu quả”.

000_99A4D3.jpg
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tiêm vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc hôm 3/5/2021. (Hình: AFP).

Đông Nam Á đang đổi chiều

Thái Lan cũng thay đổi chính sách tiêm chủng của mình từ giữa tháng 7/2021 khi chuyển sang sử dụng kết hợp các mũi tiêm, với mũi đầu là vắc-xin Sinovac và mũi tiêm thứ hai là AstraZeneca. Các nhân viên y tế của Thái Lan trước đó đã được tiêm chủng hai liều vắc-xin Sinovac sẽ được tiêm mũi nhắc lại thứ ba là một trong hai loại vắc-xin AstraZeneca hoặc vắc-xin được sản xuất theo công nghệ mRNA như Pfizer hoặc Moderna.

Trước khi thay đổi chính sách này, truyền thông Thái Lan đã đưa tin về sự tồn tại của một bản ghi nhớ, được cho là bị rò rỉ từ một cuộc họp chính thức về việc sử dụng vắc-xin. Trong đó, bản ghi nhớ này cảnh báo rằng không nên tiêm một mũi nhắc lại thứ ba cho những người đã được tiêm hai liều vắc-xin Sinovac bởi vì làm như vậy sẽ là một sự thừa nhận rằng các mũi tiêm vắc-xin do Trung Quốc sản xuất “không hiệu quả”. Vụ rò rỉ thông tin này đã gây ra một làn sóng phản đối kịch liệt và chủ đề có các từ khóa là “Hãy cung cấp vắc-xin Pfizer cho các nhân viên y tế” bắt đầu thịnh hành trên mạng xã hội.

Ngay cả những đồng minh thân cận nhất của Bắc Kinh cũng đang thay đổi chính sách tiêm chủng của mình. Tuần trước, Campuchia cho biết họ sẽ bắt đầu cung cấp các mũi tiêm nhắc lại AstraZeneca cho những người hiện đã tiêm hai liều vắc-xin do Trung Quốc sản xuất. Hiện khoảng một nửa dân số Campuchia đã được tiêm phòng bằng vắc-xin của Trung Quốc.

Trả lời câu hỏi hồi tháng 5/2021 về việc Campuchia có phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc hay không, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đáp: “Nếu tôi không dựa vào Trung Quốc, thì tôi sẽ dựa vào ai? Nếu tôi không nhờ đến Trung Quốc, thì tôi sẽ biết nhờ cậy ai? Và nếu không có sự hỗ trợ từ Trung Quốc, có thể chúng tôi sẽ không có vắc-xin cho người dân của mình”.

Trung Quốc coi hoạt động hỗ trợ vắc-xin là vì lợi ích cộng đồng, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển, đồng thời chỉ trích chủ nghĩa dân tộc vắc-xin. Hồi tuần trước, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết nước này sẽ cung cấp hai tỷ liều vắc-xin cho thế giới trong năm nay.

Tuy nhiên, ngay cả trước khi có sự gia tăng đột biến số ca lây nhiễm do biến thể Delta, người dân đã tỏ ra ưa chuộng các loại vắc-xin do phương Tây sản xuất, đặc biệt là các mũi tiêm vắc-xin do Mỹ sản xuất theo công nghệ mRNA. Một cuộc khảo sát hồi đầu năm 2021 ở Philippines cho thấy, hơn 63% người lớn ưa thích nguồn vắc-xin do Mỹ cung cấp. Tháng 5/2021, người dân đã đổ xô đến một địa điểm cung cấp các liều Pfizer với các hàng dài được xếp từ 2 giờ sáng.

Tờ Washington Post trích lời ông Vincen Gregory Yu, bác sĩ và nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng của Philippines đánh giá: “Chúng tôi nhận thấy sự chia rẽ lớn này ngay cả trong cộng đồng y tế giữa những người sẵn sàng và hoàn toàn không sẵn lòng tiếp nhận vắc-xin Sinovac”. 

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người đã tuyên bố vào đầu nhiệm kỳ rằng ông sẽ nói lời “tạm biệt” với đồng minh lâu đời Washington, hiện đang duy trì quan hệ nồng ấm với Trung Quốc. Ông đã cho tiếp nhận thêm một triệu liều vắc-xin Sinovac vài ngày trước khi Philippines phải áp đặt một đợt phong tỏa mới trong bối cảnh gia tăng các ca lây nhiễm.

Tuy nhiên, ông Duterte cũng thừa nhận rằng việc Mỹ gần đây tài trợ vắc-xin Moderna cho Manila đã tác động đến quyết định duy trì hiệp ước quân sự giữa Mỹ và Philippines. Ông Duterte giải thích: “Đó là sự cho và nhận. Hãy cảm ơn nước Mỹ và tôi đã nhượng bộ họ”.

Còn theo Giáo sư Chong Ja Ian, Phó Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học quốc gia Singapore và cũng là chuyên gia nghiên cứu về cạnh tranh Mỹ-Trung ở châu Á, bài học rút ra từ kết quả tiêm chủng đã khiến một số quốc gia Đông Nam Á nhận ra rằng “chỉ phụ thuộc vào Trung Quốc là không đủ, cho dù là vắc-xin hay các vấn đề khác”. (Bài dịch của Nguyễn Mạnh Cường theo Washington Post, RFA)