Sunday, April 28, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Thủ tướng Úc thăm Mỹ: Một chuyến đi, nhiều mục đích


Nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đồng minh, Thủ tướng Úc Anthony Albanese đã thực hiện chuyến thăm Mỹ từ ngày 23 đến 26/10.

President Biden welcomes PM Albanese to the White House | 9 News Australia
Anthony Albanese đang có chuyến thăm 4 ngày tới Washington DC để thảo luận về mối quan hệ Úc-Mỹ. Hình AP

Sau khi hai quốc gia cùng Anh thiết lập liên minh quân sự 3 bên (AUKUS) năm 2021, có rất nhiều vấn đề hợp tác cần bàn thảo để triển khai những mục tiêu chung tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây cũng là trọng tâm cuộc gặp của Thủ tướng Úc Anthony Albanese với Tổng thống nước chủ nhà Joe Biden trong hôm 25/10.

Khi AUKUS ra đời vào tháng 9/2021, Chính phủ Mỹ, Anh và Úc đều xác định AUKUS là một phần quan trọng trong chiến lược nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, an toàn và ổn định. AUKUS được chia làm 2 trụ cột.

Thứ nhất, hải quân Mỹ sẽ triển khai 4 tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia đến Úc, bắt đầu từ năm 2027, trong khi Anh sẽ gửi một tàu ngầm lớp Astute sau đó vài năm.

PM Albanese arrives at the White House for private dinner with President Biden | Sky News Australia
Thủ tướng Úc Albanese, Tổng thống Biden và phu nhân của họ đã ăn tối cùng nhau trước bữa tối cấp nhà nước vào tối Thứ Ba.

Thứ hai, 3 nước sẽ hợp tác phát triển các năng lực quốc phòng liên quan tới 8 lĩnh vực, gồm: Các năng lực dưới biển, công nghệ lượng tử, trí tuệ nhân tạo (AI), các năng lực mạng tân tiến, năng lực siêu thanh và chống vũ khí siêu thanh, tác chiến điện tử, đổi mới sáng tạo và chia sẻ thông tin. Nếu như trụ cột 1 của AUKUS có thể mất nhiều thời gian để hoàn thành mục tiêu, trụ cột 2 được Mỹ, Anh và Úc kỳ vọng mang tới những bước tiến sớm hơn.

Tuy nhiên, quy định hiện nay của Mỹ về hạn chế xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng đang là rào cản đối với nỗ lực triển khai thực hiện trụ cột thứ 2 của AUKUS. Để giải quyết tình trạng này, Washington cần có những điều chỉnh về các quy trình cấp phép xuất khẩu và chia sẻ công nghệ quốc phòng của Mỹ. Thế nhưng, quá trình xem xét sửa đổi luật pháp đang bị ảnh hưởng bởi những diễn biến bất ngờ tại Hạ viện Mỹ. Bất đồng liên quan tới ngân sách, mức độ ủng hộ tài chính dành cho Ukraine cùng với cuộc tìm kiếm Chủ tịch Hạ viện mới có thể làm chậm lại lộ trình các thỏa thuận trong AUKUS khiến Canberra lo ngại.

Một trong những mục đích trong chuyến thăm lần này của Thủ tướng Anthony Albanese là thuyết phục các thành viên Quốc hội Mỹ thông qua các dự luật liên quan tới chương trình tàu ngầm cũng như hợp tác quốc phòng trị giá hàng tỷ USD với Úc và tìm kiếm sự bảo đảm của “ông chủ” Nhà Trắng trong vấn đề này.

Ngoài ra, Thủ tướng Anthony Albanese cũng tập trung vào các nội dung hợp tác như chống biến đổi khí hậu và an ninh chuỗi cung ứng, đồng thời thúc đẩy triển khai Hiệp ước về khí hậu, khoáng sản chủ chốt và chuyển đổi năng lượng sạch hai bên đã ký kết hồi tháng 5/2023. Đây được coi là trụ cột hợp tác trong quan hệ liên minh Mỹ-Úc trong thập kỷ tới.

Dự định đến cuối năm nay, hai bên sẽ phát triển một kế hoạch hành động mới liên quan tới chiến lược chuỗi cung ứng năng lượng sạch. Bên cạnh đó, Mỹ và Úc cũng quyết tâm đến tháng 5-2024 sẽ hoàn thành chương trình cụ thể hướng tới các mục tiêu đặt ra trong hiệp ước.

Theo đánh giá của các nhà phân tích, khoáng sản chủ chốt và các nguyên tố đất hiếm là những thành phần cơ bản trong một nền kinh tế hiện đại. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, thế giới đang trên đà tăng gấp đôi nhu cầu tổng thể về các loại khoáng sản chủ chốt nhằm phục vụ công nghệ năng lượng sạch vào năm 2040. Úc may mắn khi sở hữu một số mỏ giàu trữ lượng khoáng sản chủ chốt nhất trên thế giới như lithium, cobalt và đất hiếm. Chúng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao vai trò của Úc trên toàn cầu cũng như trở thành trọng tâm hỗ trợ các mục tiêu địa chính trị giữa các đồng minh và đối tác.

Hiệp ước về khí hậu, khoáng sản chủ chốt và chuyển đổi năng lượng sạch mở đường cho các nhà cung cấp khoáng sản và năng lượng tái tạo của Úc -được coi là nhà cung cấp nội địa theo Đạo luật sản xuất quốc phòng Mỹ. Điều đó có nghĩa, các nhà cung cấp của Úc có thể tiếp cận các khoản trợ cấp năng lượng được nêu trong Đạo luật giảm lạm phát (IRA) của Mỹ.

Trong bối cảnh xung đột tại Trung Đông bùng phát và có nguy cơ lan rộng, chuyến thăm của Thủ tướng Anthony Albanese cũng thể hiện lập trường của Úc ủng hộ những chính sách của Mỹ đối với đồng minh Israel và các vấn đề trong khu vực Trung Đông.

Dựa trên những giá trị lợi ích chung, việc thắt chặt hợp tác song phương và tăng cường phối hợp trong các vấn đề chiến lược ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không chỉ tạo đà cho những bước phát triển tiếp theo trong quan hệ Mỹ-Úc, mà còn góp phần củng cố vị thế cũng như tầm ảnh hưởng của mỗi nước ở khu vực và trên thế giới. (T/H, HNM)