Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Donald Trump, mạng xã hội và quyền tự do ngôn luận ở Mỹ

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm)

Cuộc tranh cãi về chuyện Facebook và Twitter khóa tài khoản của Tổng thống Donald Trump đang diễn ra. Nhiều người viện dẫn Tu chính án thứ Nhất của Hiến pháp Mỹ để lập luận rằng mạng xã hội đang cản trở quyền tự do ngôn luận của tổng thống. Thậm chí các quốc gia độc tài đang nỗ lực tuyên truyền rằng giá trị tự do ngôn luận của nước Mỹ không có thật. Điều này có đúng không?

Trước hết, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị hay Tu chính án thứ Nhất được ban hành để bảo vệ quyền tự do ngôn luận của công dân trước chính phủ. Hay nói một cách đơn giản hơn là luật được tạo ra để ngăn chặn việc chính phủ hạn chế quyền tự ngôn luận tự do của công dân trong bất kỳ môi trường nào mà họ lựa chọn để bày tỏ. Đối tượng được luật bảo vệ là công dân, và chủ thể xâm phạm quyền tự do ngôn luận là chính phủ. Như vậy có thể thấy đánh đồng Twitter, Facebook với chính phủ Mỹ để lên án rằng quyền tự do ngôn luận của Tổng thống Donald Trump bị xâm phạm là lập luận không đúng.

Twitter, Facebook chặn tài khoản của ông Donald Trump không xâm phạm quyền tự do ngôn luận của tổng thống vì ông hoàn toàn có quyền lựa chọn một mạng xã hội khác, hoặc tổ chức họp báo công khai để bày tỏ quan điểm của mình theo đúng luật pháp và Hiến pháp. Không có Twitter, thì tổng thống Donald Trump vẫn có đủ quyền lực, quyền thực thi tự do ngôn luận của cá nhân.

Như vậy, Twitter và Facebook xóa tài khoản của Tổng thống Trump có đúng luật hay không?

Tôi cho rằng câu trả lời là có.

Trong thời đại kỹ thuật số, các công ty như Facebook, Twitter, Parler… là những công ty tư hữu (private companies) và họ hoạt động như những công ty công nghệ số (Tech Firms) để tạo ra mạng xã hội phục vụ nhu cầu kết nối, bày tỏ quan điểm của công dân khắp nơi trên toàn cầu.

Các công ty tư hữu này không hoạt động trong phân khúc thị trường truyền thông (media) bởi họ không có ban biên tập và đội ngũ viết bài riêng nên không có cơ chế kiểm duyệt. Để bảo đảm rằng cư dân mạng không bị giới hạn tự do ngôn luận, cùng bảo vệ sự an toàn của dịch vụ cung cấp, các công ty công nghệ số đã đưa ra những tiêu chuẩn cộng đồng buộc người chơi phải tuân thủ. Một khi đã tham gia mạng xã hội, người sử dụng không có sự lựa chọn nào khác hơn ngoài việc đồng ý với các điều khoản sử dụng đã được đưa ra.

Đây được xem là một dạng hợp đồng thỏa thuận mà nếu người chơi vi phạm luật chơi, nhà cung cấp sẽ giới hạn quyền sử dụng.

Các nhà cung cấp mạng xã hội ở Hoa Kỳ phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật khi đưa ra luật chơi buộc người sử dụng mạng xã hội phải tuân thủ. Trong trường hợp của tổng thống Donald Trump, điều luật căn bản mà Twitter, Facebook áp dụng chính là Điều 230 trong Đạo luật Chuẩn mực Truyền thông (Communications Decency Act).

Donald Trump
Chụp lại hình ảnh, Twitter cấm vĩnh viễn tài khoản @realDonaldTrump của ông Trump.

Theo thông báo của ông chủ Facebook Mark Zuckerberg viết trên trang Facebook cá nhân hôm 7/1:

“Chúng tôi tin rằng mối nguy hiểm từ việc cho Tổng thống tiếp tục dùng dịch vụ của mình trong giai đoạn này là quá lớn. Vì vậy chúng tôi sẽ kéo dài vô thời hạn lệnh cấm tài khoản Facebook và Instagram của ông ấy, ít nhất trong hai tuần cho tới khi quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình được hoàn tất”,

Twitter ngày 8/1/2021 cũng ra thông báo: “Sau khi xem xét những dòng tweet gần đây từ tài khoản @realDonaldTrump…chúng tôi dừng vĩnh viễn tài khoản này do có thêm nguy cơ kích động bạo lực”

Điều 230 (Protection for private blocking and screening of offensive material) được ban hành năm 1996 được để bảo vệ các nền tảng mạng xã hội như Twitter, Facebook, YouTube khỏi các vụ kiện về việc kiểm duyệt nội dung. Theo quy định này, các nhà cung cấp mạng xã hội có thể ngăn chặn (blocking) hoặc kiểm duyệt (screening) các nội dung nội dung phản cảm, gây ra sự xáo trộn trong cộng đồng. Tuy nhiên, đạo luật này không bảo vệ việc vi phạm bản quyền hoặc một số loại hành vi tội phạm, đặc biệt và việc truyền bá các nội dung khiêu dâm. Người sử dụng mạng xã hội đăng tải các nội dung bất hợp pháp trên vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Giá trị tự do ngôn luận của nước Mỹ không có thật như lời tuyên truyền của quốc gia độc tài có đúng không?

Câu trả lời không.

Không một ai có được đặc quyền xâm phạm các tiêu chuẩn cộng đồng khi thực thi quyền tự do ngôn luận.

Tổng thống Donald Trump trong khi thực hiện quyền Tự do ngôn luận trên mạng xã hội đã gây ra một số hệ lụy ảnh hưởng đến các tiêu chuẩn cộng đồng.

Không một ai – kể cả Tổng thống có được đặc quyền hơn người khác khi tham gia mạng xã hội.

Xét trên Điều 230 của Đạo luật Chuẩn mực Truyền thông (Communications Decency Act), Tổng thống Donald Trump nếu không đồng ý với hành động ngăn chặn của Facebook và Twitter có thể đâm đơn kiện và nơi phán quyết sẽ là tòa án. Người ủng hộ Tổng thống 45 có quyền cao hơn nữa là tẩy chay Facebook và Twitter.

Không thể đánh đồng các công ty tư nhân như Facebook, Twitter với chính phủ Mỹ để kết luận rằng quyền tự do ngôn luận đang bị xâm phạm. Giá trị tự do ngôn luận ở nước Mỹ chưa bao giờ thay đổi cho dù nó đang bị thách thức trong bối cảnh hiện nay. (BBC)

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, thường được biết tới qua bút danh blogger Mẹ Nấm.