Tuesday, September 10, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Aurélia Nguyen: Người phụ nữ gốc Việt được tạp chí Time ca ngợi là “nắm trong tay tình hình sức khỏe của cả thế giới”

Aurélia Nguyen, một người phụ nữ gốc Việt, hiện là Giám đốc Điều hành của COVAX, với nhiệm vụ đảm bảo những liều vắc-xin đến được những quốc gia và khu vực cần đến nó.

Khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu lây lan và trở thành mối đe dọa với cả thế giới, cơ quan y tế các nước nhận ra rằng cách để chiến thắng cơn khủng hoảng toàn cầu phải là một chiến dịch toàn cầu, đặc biệt là với vắc-xin. Đó là lý do vì sao Tổ chức Y tế Thế giới WHO hợp tác cùng liên minh vắc-xin toàn cầu Gavi và nhiều tổ chức khác để thành lập ra COVAX -chương trình tiếp cận vắc-xin toàn cầu.

Và Aurélia Nguyen -người phụ nữ gốc Việt -là Giám đốc Điều hành của COVAX, với nhiệm vụ đảm bảo những liều vắc-xin đến được những quốc gia và khu vực cần đến nó. Trong một thế giới kết nối như ngày nay, dịch bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ đâu. Chỉ khi toàn bộ người dân trên hành tinh được tiêm chủng, chúng ta mới xây dựng được bức tường miễn dịch đủ vững chắc để chống lại sự lây lan của virus mà thôi.

Với vai trò đầu tàu, Aurélia Nguyen đã giám sát khoản ngân quỹ 6 tỉ USD từ 98 quốc gia giàu có để hỗ trợ COVAX. Kể từ tháng 11/2020, cô dẫn dắt và đảm bảo phân phối miễn phí các liều vắc-xin đến 92 quốc gia có nguồn lực yếu hơn -cả về thu nhập lẫn nền tảng y tế. COVAX đã phải đấu tranh với nhiều nước lớn vốn đang tìm cách giữ lại vắc-xin cho nước họ, và cuộc hành trình ấy “không hề suôn sẻ” -theo lời cô thừa nhận.

Năm 2021, Aurélia dự đoán COVAX sẽ phân phối được 1.8 tỉ liều tính đến đầu năm 2022, dù hiện tại mục tiêu vẫn còn cách khá xa khi con số mới là 209 triệu liều cho 138 quốc gia, trong đó có Việt Nam (tính đến thời điểm ngày 19/8).

Trong một buổi phỏng vấn với the Bloomberg, Aurélia Nguyen đã có những chia sẻ rất thực tế về tình hình dịch bệnh, cũng như sứ mệnh phân phối vắc-xin đang diễn ra như thế nào.

Tại sao thế giới không chuẩn bị để đối mặt với dịch bệnh (Covid-19)?

Thực ra là có. Thế giới có chuẩn bị, nhưng lại nhầm dịch bệnh. Đa số các nghiên cứu đã tập trung vào cúm mùa, và chúng ta có sẵn máy móc nhờ vào điều đó. Dẫu vậy, sự chuẩn bị có Covid-19 là bằng 0.

Bài học lớn nhất thế giới có được cho đến lúc này là gì?

Chúng ta đã tìm ra cách để không lặp lại những gì đã xảy ra vào dịch bệnh năm 2009 – 2010 -khi chỉ có một số lượng nhỏ quốc gia tiếp cận được vắc-xin chống cúm lợn. Vậy nên chúng tôi đã xây dựng khối hợp tác này để hỗ trợ 193 nền kinh tế -đại diện cho 90% dân số thế giới, nhằm đảm bảo người dân ở mọi đất nước sẽ được san sẻ vắc-xin một cách công bằng.

Bài học thứ 2 có lẽ nằm ở tính thời điểm. Chúng ta đã may mắn khi có được những loại vắc-xin đủ an toàn và hiệu quả, nhưng có rất nhiều biến số xuất hiện. Nếu không nhanh chóng bảo vệ được đủ số lượng người, chúng ta có thể sẽ rơi vào một vòng lặp luẩn quẩn, nơi dịch bệnh cứ thế tiếp diễn mãi mãi.

Nguồn lực mà COVAX yêu cầu là khá nhạt nhòa so với những gì các nước giàu có đã đổ vào trong đại dịch lần này. Phải làm sao với sự mất cân bằng đó?

Cũng là khá dễ hiểu khi chính phủ các nước phải ưu tiên bảo vệ người dân nước họ. Nhưng thế giới cũng đang nhận thức được thực tế là với một dịch bệnh lây lan mạnh như vậy, để bảo vệ cư dân của mình cũng đồng nghĩa với việc phải bảo vệ cả thế giới.

Có một khái niệm được nghe khá nhiều lần: Tìm cách để trở lại bình thường! Nhưng phải chăng có những thứ không nên trở lại? Đại dịch này đã làm thay đổi vĩnh viễn điều gì?

Vẫn còn là quá sớm để biết “điều bình thường mới” sẽ diễn ra như thế nào. Vẫn có khả năng Covid-19 sẽ tồn tại như một dịch bệnh thông thường. Trong trường hợp đó, chúng ta sẽ cần đến các liều vắc-xin thường niên – giống như những gì đang làm với cúm mùa. Vậy nên, chúng ta cần phải nghĩ đến việc chuẩn bị cho một đại dịch tiếp theo, và tìm cách đưa vắc-xin đến mọi hang cùng ngõ hẻm của thế giới càng nhanh càng tốt.

Chúng ta đã có bài học từ những sai lầm, như việc chặn xuất khẩu và tích trữ vắc-xin quá mức. Bước kế tiếp là phải làm mọi thứ có thể để tăng khả năng sản xuất, tích cực chuyển giao công nghệ, đảm bảo có được hệ thống phân phối toàn cầu, và có được hệ thống theo dõi dịch bệnh chất lượng.

Điều tích cực mà đại dịch lần này mang tới?

Covid-19 là một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Trong cơn khủng hoảng ấy, chúng ta nhận ra mình đang sống trong một thế giới đa kết nối. Việc tất cả đều có thể tiếp cận chăm sóc y tế một cách công bằng là điều hết sức quan trọng. Vậy nên tôi mong rằng đại dịch sẽ làm tiền đề cho sự hợp tác của các quốc gia khi phải đối mặt với một đại dịch toàn cầu. Và chúng ta cũng cần tận dụng cơ hội này để xây dựng hệ thống y tế vững mạnh, bền bỉ hơn. (K14)