Monday, December 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Dịch Covid và câu hỏi ‘Vì sao châu Âu đến nỗi này?’

Ở Anh ngày nay, chuyện cả nhà ‘tụ họp’ trước máy truyền hình xem thời sự là chuyện lạ, chuyện đã đi vào quá khứ thời còn TV đen trắng.

Thế mà tối hôm qua, 31/10 cả nhà tôi: con trai đang là sinh viên đại học và con gái học lớp 12 cùng bố mẹ chờ xem Thủ tướng Boris Johnson công bố lệnh phong tỏa chống Covid-19.

Reuters
Chụp lại hình ảnh, Nhiều người tụ tập trong quán rượu theo dõi tuyên bố của Thủ tướng Boris Johnson chiều tối thứ Bảy 31/10 về việc phong tỏa lần hai.

Vì là ‘lockdown’ lần hai trong năm nay, từ 05/11 tới ít nhất là thứ Tư 02/12, lệnh này sẽ có tác động đến cả việc học, việc chơi của hai thành viên trẻ trong nhà nên chúng cũng rất chú tâm theo dõi.

Thật khổ cho bọn trẻ lớn lên thời ‘đại loạn’, đi đâu cũng không được, và kỳ Giáng sinh năm nay sẽ không vui như năm ngoái.

Nhìn ông thủ tướng Anh đông con, lương thấp, gánh nặng trách nhiệm làm dáng đi gù cả xuống, mái tóc vàng một thời ‘phong thái’ nay bơ phờ trên trán trước camera tôi cũng hơi động lòng thương.

Boris Johnson ra phòng họp báo tại số 10 Downing Street trễ hơn hai giờ, dấu hiệu của việc nội các Anh tranh cãi dữ dội về điều hơn thiệt của việc áp lệnh phong tỏa mới.

Bài toán luôn là vậy: đóng lại thì kinh tế đình trệ, mở ra thì lây lan tăng, y tế bị quá tải, người bệnh nhiều lên, chết cũng tăng.

Khung cảnh một phố tại Paris trong ngày đầu phong tỏa trỏ lại, 30/10/2020.
Khung cảnh một phố tại Paris trong ngày đầu phong tỏa trỏ lại, 30/10/2020. REUTERS – CHARLES PLATIAU

Nhưng sau Pháp, Tây Ban Nha, Ý thì Anh sớm muộn sẽ phải phong tỏa xã hội, và xem ra trước mùa đông này chính phủ Boris Johnson không còn cách nào khác là phải ra tay.

Ngay trước lúc Thủ tướng và hai quan chức y tế xứ Anh (England) phát biểu, đài BBC đã có thông tin về các chi tiết của lệnh phong tỏa lần hai, và phóng viên Chris Mason trình bày ‘live’ trên TV.

Bọn trẻ nhà tôi đánh giá chú ‘Chris’ của BBC nói mạch lạc, rõ ràng và đầy đủ hơn Thủ tướng.

Tôi thì thấy ông Johnson có vẻ mệt mỏi và lặp lại một số từ khóa thời mới thắng cử vinh quang không hề phù hợp với bối cảnh một mùa đông Covid ở Anh ‘xám xịt’ (a bleak winter – như các báo viết).

Chẳng hạn, như để động viên dân chúng, ông cố tỏ ra lạc quan, nhấn mạnh rằng ông “tin tưởng một cách đam mê’ vào bằng chứng khoa học để áp dụng lệnh phong tỏa lần này.

‘Passionately’ nói ở đây hoàn toàn không hợp, tạo vẻ lạc quan khiên cưỡng, nhất là vừa lúc phần trình bày của hai quan chức y tế nêu ra con số hàng trăm người cao niên tử vong vì Covid.

‘Các nước Đông Á làm tốt hơn châu Âu’

Trong buổi truyền hình trực tiếp của BBC News tại Anh, Giáo sư Devi Sridhar, chuyên gia y tế nổi tiếng của ĐH Edinburgh nêu ra một đánh giá mà tôi thấy cần nhắc lại ở đây.

BBC
Chụp lại hình ảnh, Giáo sư Devi Sridhar đánh giá rằng các nước Đông Nam Á đã thành công hơn Anh và châu Âu trong cuộc chiến chống lại virus corona.

Theo bà thì các nước Đông Á như “Đài Loan, Việt Nam, Hàn Quốc… đã làm nhanh, làm mạnh ngay từ đầu dịch”, và nhờ kiểm soát chặt “nguồn bệnh vào”, truy tìm, khoanh vùng ổ lây nhiễm sớm, nên họ đã thành công hơn Anh và châu Âu trong cuộc chiến chống lại virus corona.

Quả thật là thế, trang Telegraph hôm qua cũng có bài phân tích rõ ‘Vì sao châu Âu sống dở chết dở với làn sóng Covid lần hai?’

Giới y tế đánh giá rằng châu Âu đã phong tỏa chậm, trễ mà sau lại tháo gỡ các hạn chế đi lại quá sớm, khiến virus bùng phát trở lại, và một biến chủng tại Tây Ban Nha hiện đang gây ra bệnh khắp nơi, gồm cả 80% ca lây nhiễm mới tại Anh.

Sống qua một mùa hè thấp thỏm, tôi nhận thấy scenario của EU và Anh đúng là như thế: Nước nào cũng đóng biên giới với tinh thần chờ số lây nhiễm giảm rồi mở lại ngay.

Thủ tướng Pháp Jean Castex thông báo các biện pháp phong tỏa,  Paris, ngày 29/10/2020.
Thủ tướng Pháp Jean Castex thông báo các biện pháp phong tỏa, Paris, ngày 29/10/2020. Ian LANGSDON / POOL / AFP

Vào mùa hè, Hy Lạp, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đã hoặc mở cửa biên giới hẳn – mở toang, hoặc lập ‘hành lang hàng không’ cho du khách Anh, Đức, Bắc Âu, Đông Âu tới các điểm du lịch.

Nhưng chỉ từ khi trường học năm mới bắt đầu từ tháng 9, biểu đồ Covid toàn châu Âu tăng lên, và tăng nhanh, tăng mạnh.

Khu nhà tôi gần một bệnh viện lớn nên lại nghe tiếng xe cứu thương chạy vụt qua như hồi tháng 3.

Tuần qua, Anh đã vào ‘câu lạc bộ 1 triệu’ số ca mắc Covid, khiến chính phủ phải ra tay trước mùa đông.

Trong cuộc giằng co giữa việc cứu doanh nghiệp, nền kinh tế và công tác phòng, ngăn ngừa và điều trị bệnh nhân Covid, thật khó nói ưu tiên nào cao hơn.

Getty Images
Chụp lại hình ảnh, Ông Boris Johnson tổ chức họp báo muộn hơn so với dự kiến hai tiếng rưỡi đồng hồ hôm thứ Bảy

Chính phủ nào cũng tung ra chương trình xét nghiệm và triển khai các App theo dõi, giám sát người mang virus nhưng trên thực tế, con số người tuân thủ không cao.

Một ví dụ: TopCovidApp tại Pháp sau ba tháng thử, tính đến tháng 6/2020, chỉ báo động được đúng 14 trường hợp lây nhiễm, và nửa triệu người đã xóa cái App khốn khổ đó khỏi máy điện thoại, theo tin của kênh France24.

Tại Anh, chính tôi cũng xung phong làm xét nghiệm Covid cho Đại học Imperial College, London để giúp họ cùng chính phủ theo dõi việc lây lan trong cộng đồng.

Nhưng sau lần xét nghiệm đầu tiên và kết quả ‘âm tính’, họ nhắn rằng tôi không “còn được” tham gia nữa và việc đăng ký vào App giám sát Covid là không cần thiết.

Tháng qua, kết quả toàn quốc của chương trình cho thấy những ai có Covid trong người còn phải làm thêm hai test nữa để theo dõi về kháng thể.

Đáng tiếc là kháng thể tạo ra trong cơ thể bệnh nhân sau khi lây virus corona chỉ đạt mức dưới 20% trong nhóm tham gia thí nghiệm y tế nói trên ở Anh.

Một tờ báo bình luận rằng như thế, hy vọng tạo miễn dịch cộng đồng xem ra ‘vứt qua cửa sổ’. Bạn bị Covid một lần rồi thì vẫn có thể mắc lại.

Reuters
Chụp lại hình ảnh, Bồ Đào Nha hôm thứ Bảy tuyên bố áp lệnh hạn chế tại 121 trên tổng số 308 đơn vị hành chính trên toàn quốc, trong đó gồm cả Lisbon và Porto.

Nhìn rộng ra cả châu Âu, phải thừa nhận rằng cuộc chiến chống Covid đã thất bại nặng nề.

Tôi không muốn nhắc lại con số lây nhiễm và tử vong đang cao lên hàng ngày ở từng nước, nhưng nhiều yếu tố cộng lại khiến cho tình hình đang xám ngắt, dù nhìn ra ngoài trời mới là tiết thu, nắng sáng chói, nhiệt độ ở Anh có hôm lên tới 18 độ C.

Đến mùa đông, nhiều vùng của Anh và châu Âu sẽ xuống âm độ thì không hiểu khủng hoảng y tế sẽ ra sao.

Nhìn sang Hoa Kỳ, hệ quả của dịch bệnh đã và đang tác động đến kết quả bầu cử tổng thống.

Tuần sau, ai thắng cử ở Mỹ cũng sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng còn kéo dài qua mùa đông này, thậm chí tới hết 2021, theo nhiều dự báo.

Vì như ‘tiên tri’ Yuval Noah Harari vừa nói trên một tờ báo Anh, “bệnh do Covid gây ra không tàn phá thế giới bằng nạn thất nghiệp và khủng hoảng tâm lý”.

Điều ông nói đang thành sự thật trên toàn cầu.

Con người hứng chịu bệnh dịch vì tấn công vào thiên nhiên

Cuối cùng, xin chia sẻ đôi điều về một chuyện khác, có liên quan đến Việt Nam.

Đại lộ Champs-Elysees, Paris, Pháp vắng bóng người do lệnh giới nghiêm. Ảnh chụp ngày 27/10/2020.
Đại lộ Champs-Elysees, Paris, Pháp vắng bóng người do lệnh giới nghiêm. Ảnh chụp ngày 27/10/2020. REUTERS – CHARLES PLATIAU

Đó là cảnh báo của Liên Hiệp Quốc, Quỹ WWF và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi tháng 8 vừa qua về nạn tàn phá thiên nhiên gây ra các bệnh dịch.

Trên phạm vi toàn thế giới, báo cáo này nói rõ ‘Thiên nhiên đang bị tàn phá và tất cả chúng ta hứng chịu’, không chỉ vì Covid-19 mà sẽ có nhiều dịch bệnh khác.

Nạn phá rừng, khai thác cạn kiệt nguồn nước, đất đai để sản xuất nông phẩm đại trà, nạn săn bắt, ăn thịt thú hoang được nêu ra như nguyên nhân làm hư hại hệ sinh thái.

Sự tàn phá đó đã ‘làm thoát ra’ nhiều loại virus và sẽ còn có thêm những chủng loại khác xâm nhập quần thể loài người nếu quá trình ‘tấn công thiên nhiên’ cứ tiếp diễn.

Thậm chí, có ý kiến nói rằng Covid chỉ là ‘cuộc tập dượt’ cho những đợt đại dịch lớn hơn trong tương lai.

Châu Âu đang vất vả đối phó với làn sóng Covid thứ hai. Ảnh minh họa: nhân viên y tế Tây Ban Nhan chuyển bệnh nhân đến một khoa hồi sức, Madrid, ngày 2/9/2020.
Châu Âu đang vất vả đối phó với làn sóng Covid thứ hai. Ảnh minh họa: nhân viên y tế Tây Ban Nhan chuyển bệnh nhân đến một khoa hồi sức, Madrid, ngày 2/9/2020. REUTERS/Juan Medina

Nếu băng hà tiếp tục tan, một số virus ‘siêu cổ đại’ nằm dưới biển hàng triệu năm sẽ ‘trồi lên’, mà toàn là loại khủng khiếp, con người không có kháng thể.

Việt Nam đã có thành công đáng nể trong việc kiềm chế Covid nhưng ngay lập tức bị bão lũ tấn công.

Đại lụt, lũ chồng lũ gây thảm trạng đau lòng ở miền Trung Việt Nam làm lộ ra một phần quá trình con người khai thác, thậm chí tàn phá môi trường tại chỗ, gây hậu quả ngay tức khắc.

Bên cạnh công tác dự phòng bão biển (bất khả kháng), thì việc kiềm chế cơn sốt chặt cây, đào bới rừng, quét sạch sông, biển cục bộ bỗng nhiên trở nên cấp bách như việc chống dịch hồi đầu năm.

Với cuộc sống của gia đình chúng tôi tại Anh, phương châm những ngày tới là cẩn trọng nhưng không được bi quan để vượt qua.

Chúng tôi đồng ý rằng cả nhà phải điềm tĩnh lựa chọn các giải pháp trong sinh hoạt, làm việc, tập thể thao, giao lưu xã hội làm sao để vẫn có cuộc sống chất lượng, cân bằng tâm lý và khoẻ mạnh.

Nước Anh đáng kính, nơi tôi đang sống đây, chắc chắn sẽ cần làm tốt hơn việc chống Covid.

Nhưng xứ sở này, bên cạnh khá nhiều vấn đề, còn là một kho tàng về trí tuệ, và… tính hài hước rất thâm thuý.

Xin trích ra đây câu thành ngữ thay lời kết:

Cheer up, tomorrow will be worse” – Vui lên đi, ngày mai còn tệ hơn hôm nay! (BBC)