Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Cuộc trưng cầu dân ý The Voice nguy cơ thất bại


Cuộc thăm dò Resolve Political Monitor do tờ Sydney Morning Herald thực hiện cho thấy các cử tri đã phản đối chương trình The Voice ‘Tiếng nói của người bản địa trước Quốc hội’ trong tháng thứ 5 liên tiếp.

Cuộc thăm dò Resolve Political Monitor do tờ Sydney Morning Herald thực hiện cho thấy 43% cử tri ủng hộ chương trình The Voice ‘Tiếng nói của người bản địa trước Quốc hội’.

Kết quả một cuộc thăm dò ngày Thứ Hai 11/9 cho thấy sự ủng hộ đối với việc đưa Ban cố vấn về người Bản địa vào Hiến pháp Úc đã giảm mạnh hơn, khiến đề xuất mang tính bước ngoặt này có nguy cơ thất bại trước cuộc bỏ phiếu toàn quốc diễn ra vào tháng tới.

Cuộc thăm dò do tờ Sydney Morning Herald thực hiện cho thấy các cử tri đã phản đối chương trình “Tiếng nói của người bản địa trước Quốc hội” trong tháng thứ 5 liên tiếp —khi chính phủ vật lộn để thuyết phục những cử tri còn hoài nghi và chưa quyết định bỏ phiếu cho đề xuất này.

Người dân Úc sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 14/10 tới. Khi đó, họ sẽ được hỏi liệu có ủng hộ việc thay đổi Hiến pháp để thành lập một ủy ban Bản địa nhằm cố vấn cho Quốc hội Liên bang hay không.

Cuộc khảo sát của Resolve Political Monitor cho thấy 43% có kế hoạch bỏ phiếu đồng ý với tiếng nói của Người bản địa. Hình AAP

Cuộc trưng cầu dân ý cần phải có đa số phiếu trên toàn quốc cũng như đa số phiếu ở ít nhất 4 trong 6 tiểu bang thì mới thay đổi được Hiến pháp. Tuy nhiên, cuộc khảo sát chỉ cho thấy duy nhất đảo Tasmania ủng hộ “Tiếng nói trước Quốc hội.”

Kể từ khi Úc độc lập vào năm 1901 —chỉ có 8 trong số 44 đề xuất thay đổi Hiến pháp được thông qua. Tỷ lệ ủng hộ đã giảm xuống 43% trong cuộc khảo sát mới nhất, giảm từ mức 46% hồi tháng 8/2023 khi các cử tri ở tiểu bang New South Wales và Victoria —các tiểu bang đông dân nhất Úc -quay sang phản đối đề xuất này.

Số phiếu “Không” là cao nhất ở tiểu bang Queensland và Tây Úc với 61% người từ chối ủng hộ “Tiếng nói trước Quốc hội”.

Thủ tướng Anthony Albanese trong buổi ra mắt ngày trưng cầu dân ý The Voice. Hình SMH

Cuộc thăm dò cũng cho thấy tỷ lệ tín nhiệm đối với Thủ tướng Anthony Albanese —người đã đặt cược “vốn liếng chính trị” đáng kể vào cuộc trưng cầu dân ý này —bị sụt giảm, lần đầu tiên rơi vào “vùng tiêu cực” kể từ cuộc bầu cử hồi tháng 5/2022.

Cuộc tranh luận về trưng cầu dân ý đã gây chia rẽ quan điểm, khi những người ủng hộ cho rằng “Tiếng nói trước Quốc hội” sẽ mang lại tiến bộ cho cộng đồng thổ dân, công nhận nền văn hóa 65,000 năm tuổi và “đoàn kết dân tộc”.

Những người phản đối nói rằng nó sẽ gây chia rẽ và trao quyền lực quá mức cho cơ quan này (ban cố vấn Bản địa), trong khi những người khác mô tả nó là chủ nghĩa tượng trưng và không có ý nghĩa.

Chiếm khoảng 3.2% trong tổng số gần 26 triệu dân của Úc, thổ dân bị chính quyền thực dân Anh gạt ra ngoài lề xã hội và không được nhắc đến trong hiến pháp 122 năm tuổi của Úc./. (T/H, VN+)