Monday, April 29, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

COVID-19: EC cảnh báo siết chặt hơn việc xuất khẩu vắc-xin

Cơ chế xuất khẩu vắc-xin COVID-19 của EU hiện đang gây tranh cãi trong khối do nhiều ý kiến lo ngại điều này có thể ảnh hưởng tới vấn đề tự do thương mại của EU.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ ngày 26/2/2021. (Hình Getty)

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 8/3 cảnh báo EU có thể có thêm những biện pháp cứng rắn liên quan đến việc cấm xuất khẩu vắc-xin phòng COVID-19 sau khi Italy chặn lô hàng vận chuyển vắc-xin tới Úc hồi tuần trước.

Tại Berlin, trả lời phỏng vấn tạp chí Tuần Kinh tế (WIWO) của Đức, Chủ tịch EC von der Leyen đã lên tiếng mạnh mẽ chỉ trích hãng dược phẩm AstraZeneca, đồng thời bảo vệ cho lệnh cấm xuất khẩu vắc-xin của EU.

Bà nêu rõ: “EU sẽ không tiếp tục là vật tế thần nữa. Trong thời gian từ tháng 12/2020-3/2021, AstraZeneca mới chỉ bàn giao cho EU dưới 10% lượng hàng đã đặt.”

Theo bà, do AstraZeneca chậm tiến độ giao hàng nên hồi tháng 1/2021, EC đã thông qua cơ chế xuất khẩu minh bạch, theo đó, các công ty phải đăng ký xuất khẩu vắc-xin sang các nước thứ 3 và phải được các quốc gia thành viên chấp thuận cùng với sự tham vấn EU.

Cơ chế xuất khẩu của EU đã gây tranh cãi trong khối, do nhiều ý kiến lo ngại điều này có thể ảnh hưởng tới vấn đề tự do thương mại của EU.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch EC, cơ hội xuất khẩu sẽ rộng mở nếu các công ty giữ đúng hợp đồng đã ký kết.

Bà cho biết 95% đơn hàng xuất khẩu cho đến nay thuộc về sản phẩm của BioNTech/Pfizer, loại vắc-xin sản xuất tại châu Âu vốn đã được chuyển tới hơn 30 quốc gia trên thế giới.

Về lý do chậm trễ trong việc giao vắc-xin cho EU, theo Chủ tịch EC, AstraZeneca đã không sản xuất đủ vắc-xin trước khi được phê duyệt như đã thỏa thuận trong hợp đồng.

Bà cũng thừa nhận châu Âu chưa quan tâm đầy đủ tới việc xây dựng các cơ sở sản xuất và đánh giá thấp quy trình sản xuất.

Bà cũng cho rằng để đẩy nhanh việc phê duyệt vắc-xin, EC sẽ phải rút ngắn quy trình theo cơ chế phê duyệt khẩn cấp, song đây sẽ là tiến trình phức tạp liên quan tới pháp lý.

Tuần trước, Italy lần đầu tiên ngăn chặn việc xuất lô hàng 250.700 liều vắc-xin AstraZeneca tới Úc, viện dẫn lý tình trạng khan hiếm vắc-xin ở Italy cũng như EU, việc AstraZeneca chậm giao hàng cho EU cũng như việc Úc chưa cấp thiết cần vắc-xin.

Trong khi đó, các nhà sản xuất vắc-xin khác đang nỗ lực để có thể cung cấp vắc-xin cho EU.

Theo Chủ tịch EC, sau giai đoạn trục trặc ban đầu, các công ty BioNTech và Pfizer đã có quy trình sản xuất ổn định và đang nỗ lực để đạt mục tiêu giao hàng trong quý I/2021 cho EU.

Bà von der Leyen cũng bày tỏ kỳ vọng EU có thể nhận được 100 triệu liều mỗi tháng từ tháng Tư tới, với tổng cộng khoảng 300 triệu liều vào cuối tháng Sáu, khi năng lực sản xuất của các công ty được nâng cao cũng như việc có thêm vắc-xin được EU cấp phép sử dụng.

Theo các số liệu chính thức, EU với số dân khoảng 446 triệu người đến nay đã nhận được tổng cộng 51,5 triệu liều vắc-xin.

Hiện có 3 loại vắc-xin đã được EU cấp phép sử dụng, gồm vắc-xin của BioNTech/Pfizer, AstraZeneca và Moderna./. (VN+)