Thursday, April 25, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Chừng 1/3 dân số VN phải ở nhà để ngừa dịch COVID-19 lan nhanh

Chừng một phần ba dân số Việt Nam tại 19 tỉnh, thành phố ở miền Nam bắt đầu từ 0 giờ ngày 19/7 phải thực hiện biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tức ở nhà và chỉ ra ngoài trong trường hợp thật khẩn cấp.

Biện pháp vừa nêu được Chính phủ Hà Nội ban hành và bắt đầu được thực hiện sau một ngày số ca nhiễm COVID-19 tăng cao đến mức gần 6 ngàn ca trong một ngày hôm 18/7.

Tại thủ đô Hà Nội, người dân cũng được yêu cầu, chứ chưa phải bị chỉ thị, ở nhà và tất cả các dịch vụ không thiết yếu phải tạm đóng cửa. Mọi sinh hoạt tụ tập hơn năm người nơi công cộng bị cấm. Biện pháp này được AFP dẫn lời một người dân tên Nguyễn Thanh Vân là quá đột ngột; tuy nhiên người này sẽ tuân thủ và mong muốn tình hình sẽ không lây lan nhanh như ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Chừng một phần ba dân số Việt Nam phải ở nhà để ngừa dịch COVID-19 lan nhanh
Một người đàn ông đi qua một tấm biển cổ đồng phòng ngừa COVID-19 ở Hà Nội hôm 19/7/2021 (Hình AFP).

Ba địa phương gồm TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai đã thực hiện lệnh giãn cách xã hội hơn một tuần nay, thế nhưng số ca nhiễm COVID-19 vẫn tăng liên tục.

Đợt dịch thứ tư bùng phát dịch do vi-rút corona gây nên khởi phát từ ngày 27/4 sau khi Việt Nam được đánh giá thành công ngăn chặn dịch lây lan trong ba đợt trước. Tâm dịch chuyển từ các tỉnh có nhiều khu công nghiệp ở phía Bắc gồm Bắc Giang, Bắc Ninh vào các tỉnh, thành với nhiều khu công nghiệp tại miền Nam như vừa nêu.

Cơ quan chức năng TPHCM đã cho thiết lập một số bệnh viện dã chiến có thể thu nhận hằng ngàn bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Việt Nam bị cho là chậm trễ trong công tác tìm mua vắc-xin và tiêm chủng cho người dân. Tính đến ngày 19/7, số mũi vắc-xin được tiêm chỉ được 4.283.906.

Thống kê của Bộ Y tế Việt Nam vào tối ngày 19/7 cho thấy trong ngày cả nước có thêm 4,195 ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Tính từ ngày 27/4 đến nay tổng số ca lây nhiễm trong cộng đồng là 52,215 ca. Số tử vong tính đến nay là 254 ca; riêng trong đợt dịch thứ tư có 219 ca so với 35 ca trong suốt ba đợt bùng phát kể từ đầu năm 2020. (RFA)