Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Chích vắc-xin rồi vẫn nên đeo khẩu trang! WHO và CDC, ai đúng?

SAN FRANCISCO, California – Tổ chức Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) tổ chức buổi hội thảo trực tuyến với các chuyên gia y tế hôm Thứ Sáu, 9 Tháng Bảy, để thảo luận về việc có nên tiếp tục đeo khẩu trang, một đề tài gây xôn xao dư luận sau khi Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh Hoa Kỳ (CDC) và Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) đưa ra quan điểm trái chiều.

Vào ngày 25 Tháng Sáu, WHO khuyên người dân các nước, dù đã chích ngừa đủ hai mũi vắc-xin COVID-19, nên tiếp tục mang khẩu trang để phòng virus biến thể Delta.

Trong khi đó, vào ngày 9 Tháng Bảy, CDC lại thông báo rằng, học sinh và giáo viên đã chích ngừa đầy đủ không cần phải mang khẩu trang.

Không chỉ hai cơ quan y tế và sức khỏe này mâu thuẫn thông tin với nhau, các tiểu bang và địa phương tại Mỹ cũng có khuyến cáo riêng làm người dân hoang mang.

Để làm rõ vấn đề, EMS mời ba chuyên gia y tế là Bác Sĩ Eric Feigl-Ding, chuyên gia sức khỏe cộng đồng và hiện là nghiên cứu sinh của Federation of American Scientists; Bác Sĩ Jose Perez, giám đốc y tế của South Central Family Health Center ở Los Angeles; và Giáo Sư Ben Neuman, nhà nghiên cứu virus của Global Health Research Complex thuộc đại học Texas A&M University.

Bà Sandy Close, giám đốc EMS, và nhà báo Sunita Sohrabji điều phối buổi hội thảo cùng với sự tham gia của giới truyền thông.

Bác Sĩ Eric Feigl-Ding bắt đầu với việc nói về tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang. Ông so sánh hiệu quả của các loại khẩu trang vải, y tế (disposable mask), và N-95, và chuyện phòng tránh lây nhiễm COVID-19.

“Khoa học chứng minh đeo khẩu trang là tốt nhất trong thời điểm dịch bệnh khó đoán này, đặc biệt là với biến thể Delta” ông nói.

“Biến thể Delta nguy hiểm và lây lan nhanh gấp hai lần ‘virus alpha’ tức ‘coronavirus’ nguyên thủy. Người đã chích ngừa đầy đủ vẫn có thể lây ‘virus’ biến thể cho người khác,” Bác Sĩ Feigl-Ding giải thích.

Ông cũng dẫn chứng rằng: “Ở Úc, biến thể Delta lây nhiễm bệnh nhanh chóng chỉ vọn vẹn khoảng 5 giây nếu người có bệnh đi lướt qua người kia ở khu mua sắm.”

Ông nhấn mạnh việc đeo khẩu trang là vô cùng cấp bách để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và người khác vì phân nửa người dân nước Mỹ vẫn chưa chích ngừa.

“WHO đúng trong việc khuyến cáo người đã chích ngừa nên đeo khẩu trang để tránh lây cho người dễ bị nhiễm như người chưa chích ngừa hay trẻ em. Trong việc này, tôi thấy thông báo của CDC là không đúng,” ông Feigl-Ding bày tỏ.

Bác Sĩ Jose Perez đồng ý với Bác Sĩ Feigl-Ding về việc đeo khẩu trang.

Từ trái, Bác Sĩ Eric Feigl-Ding, Giáo Sư Ben Neuman, và Bác Sĩ Jose Perez tham gia hội thảo về việc đeo khẩu trang, do EMS tổ chức trực tuyến. (Hình: chụp từ màn hình zoom)

“Tôi khuyên quý vị, nhất là người dân vùng Los Angeles County, nên đeo khẩu trang, nhất là khi di chuyển ở nơi công cộng,” Bác Sĩ Perez nói.

Trong khi đó, Giáo Sư Ben Neuman nói về tình hình ở tiểu bang Texas một cách đầy lo lắng.

“Có thể chỉ có mình tôi đeo khẩu trang thường xuyên ở nơi làm việc. Tôi không thích điều đó nhưng không làm gì khác được,” ông Neuman chia sẻ.

“Có một điều đáng lo ngại ở đây: Texas là một trong những khu vực tập trung những người không hoặc chưa được chích ngừa COVID-19 và cũng chính là tác nhân đẩy nước Mỹ vào rủi ro lây lan mới,” ông Neuman nói thêm.

Ông nhấn mạnh: “Dùng thuốc sát khuẩn và mang màn che hay ‘shield’ cũng không hiệu nghiệm bằng đeo khẩu trang.”

Khi thảo luận về thông báo của CDC, nói học sinh và giáo viên không cần đeo khẩu trang nếu đã chích ngừa, Bác Sĩ Feigl-Ding nói học sinh lây bệnh cho nhau ở môi trường học đường, nhất là lây cho cha mẹ và ông bà trong gia đình.

Bác Sĩ Feigl-Ding cũng nói thêm rằng COVID-19 là bệnh lây qua không khí nên làm sạch môi trường xung quanh rất quan trọng như thường xuyên mở cửa sổ và dùng chai xịt thuốc diệt khuẩn trong nhà.

Ông cũng nói thêm: “Song song với việc chích ngừa, tạo sự thông gió hay thông hơi (ventilation) cũng là điều thiết yếu, và trường học nên có các thiết bị lọc không khí để giảm bớt việc lây nhiễm cho học sinh.”

Khi được truyền thông đặt câu hỏi liệu những ý kiến trái chiều về việc đeo khẩu trang có liên quan đến mục đích chính trị, ba chuyên gia cho biết “cuộc chiến” giữa khoa học và chính trị luôn là vấn đề nan giải.

“Đơn cử như ở Texas, lúc tiểu bang thông báo nên đeo khẩu trang thì người dân viện cớ rằng nhà thờ không bắt buộc họ nên không làm theo. Rồi khi CDC kêu gọi cả nước Mỹ đeo khẩu trang, thì thống đốc tiểu bang lại nói là không cần thiết. Người dân thì không biết ‘đường đâu mà lần’ nên cứ theo cảm tính,” Giáo Sư Neuman cho hay một cách bất bình.

Thêm vào đó, Bác Sĩ Feigl-Ding cũng cho biết rằng nhiều người dân vẫn còn “lơ mơ trong bóng tối.”

“Đến thời điểm này, nhiều người thậm chí không tin COVID-19 là thật,” ông nói. “Người đã chích ngừa rồi thì quan tâm đến biến thể Delta và tình hình dịch bệnh. Còn người chưa chịu chích ngừa thì không quan tâm lắm cho đến khi họ thấy số liệu nhiễm bệnh tăng vọt của bệnh viện.”

Tuy nhiên, Bác Sĩ Perez cũng trấn an rằng: “Không dịch bệnh nào tồn tại mãi nên mọi chuyện sẽ qua thôi nếu chúng ta tuân thủ đúng theo lời chuyên gia y tế.”

“Hãy chích ngừa và đeo khẩu trang,” ông khuyên. “Đây không phải là trò chơi chính trị mà là bảo vệ sức khỏe con người.”

Bác Sĩ Feigl-Ding cũng khuyến khích các chuyên gia y tế ở cấp tiểu bang, quận hạt, và thành phố nghĩ ra thêm nhiều biện pháp để phòng tránh sự lây lan của biến thể COVID-19 để cùng tạo “bức tường” miễn nhiễm.

Cả ba chuyên gia đồng lòng khuyến cáo tất cả mọi người đeo khẩu trang, thậm chí đeo hai khẩu trang, cùng với việc chích ngừa để bảo vệ chính mình và cộng đồng.

“Việc bảo vệ và ngừa dịch bệnh bắt đầu từ quý vị. Ai đó cần chủ động chịu trách nhiệm, hãy chính là người đó,” Bác Sĩ Neuman nói. (N/V)