Sunday, December 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Cháy Chùa Phổ Quang 800 tuổi, nơi cất giữ bảo vật quốc gia ở Phú Thọ


PHÚ THỌ, Việt Nam – Chùa Phổ Quang 800 tuổi – Di Sản Văn Hóa Bảo Vật Quốc Gia – ở xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, bất ngờ bốc cháy ngùn ngụt, ước tính thiệt hại tổng giá trị vật chất khoảng 25 tỷ đồng ($984,000).

Chùa Phổ Quang ở xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, bốc cháy dữ dội sáng 23 Tháng Mười. Hình Lao Động
Nhiều xe cứu hỏa đến hiện trường dập lửa. Hình Lao Động

Theo báo Tiền Phong, khoảng 9 giờ 30 phút sáng 23 Tháng Mười, ông Nguyễn Xuân Quang, 59 tuổi, nhà đối diện chùa, là người phát hiện ngôi Tam Bảo bị cháy. Ngay lập tức ông Quang chạy sang chùa và hô hoán người dân sử dụng bình chữa cháy và các vật dụng sẵn có để dập lửa. Tuy nhiên, do lửa cháy quá lớn nên không thể dập tắt và tiếp tục lan ra các khu vực xung quanh.

Nhận được tin báo, Công An Huyện Lâm Thao huy động năm xe chữa cháy cùng hàng chục lính cứu hỏa tới hiện trường.

Tòa Tam Bảo sau vụ cháy. Hình ĐPCC
Bàn thờ Phật bằng đá hoa sen bị hư hỏng nặng. Hình TPO

Đến hơn một tiếng sau, hỏa hoạn mới được dập tắt, tuy nhiên phần lớn cấu kiện của tòa chính điện đã bị cháy rụi.

Thời điểm cháy, trong chùa không có người.

Điều đáng mừng là “bảo vật quốc gia” là bàn thờ Phật bằng đá không bị ảnh hưởng nhiều sau vụ cháy. Tuy nhiên, hệ thống tượng bị hư hại, lực lượng hữu trách đang kiểm kê và điều tra nguyên nhân cháy.

Cổng cũ của chùa Phổ Quang chụp năm 2021. Hình Nguyễn Đại Đồng
Hiện trường sau vụ cháy ngôi chùa Phổ Quang. Hình Cục Di sản văn hóa

“Vụ hỏa hoạn không gây thiệt hại về người nhưng chùa chính hư hỏng nghiêm trọng, đây là điều vô cùng đáng tiếc,” ông Nguyễn Trọng Vĩnh, phó chủ tịch xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, nói với báo Dân Trí.

Chùa Phổ Quang xây dựng cách đây hơn 800 năm khoảng đầu thời Trần, trải qua nhiều lần tu sửa. Lần tu sửa lớn nhất vào đầu thế kỷ 17.

Các pho tượng cổ trong chùa Phổ Quang. Hình Nguyễn Đại Đồng

Chùa xây theo kiểu chữ Công, lợp ngói, có hai cấp chùa, gồm các công trình kiến trúc cơ bản: Tam quan – gác chuông, nhà văn chỉ, nhà bia, nhà Tổ, được xếp hạng “Di Sản Văn Hóa Bảo Vật Quốc Gia” từ năm 1980.

Chùa lưu giữ nhiều di vật, cổ vật có giá trị, đặc biệt là bàn thờ Phật bằng đá hoa sen từ thời Trần – một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lý-Trần với niên đại tạo tác “Xương Phù thập niên – Tức Xương Phù năm thứ 10 – năm 1388, triều vua Trần Phế Đế” được công nhận “bảo vật quốc gia” hồi năm 2021.

Ngoài ra, chùa còn lưu giữ hơn 30 pho tượng gỗ và đất có giá trị. (T/H, N/V)