Carla Zampatti: Nguyên tố đem lại thắng lợi cho Cộng Đồng Người Việt Úc Châu
Vụ SBS TV trình chiếu chương trình “Thời Sự”của VTV4 hồi năm 2003
*Ls Lưu Tường Quang
Ngày Thứ Sáu 02/04/2021 vừa qua tại Sydney, một ngôi sao Thời Trang của Úc đã mãn phần ở tuổi 78. Đó là Bà Carla Zampatti, AC, mà giới truyền thông chính mạch đã ca ngợi như là một khuôn mặt lớn đã đưa đẩy thời trang Úc Châu vào dòng chính thế giới. Ít ai nhắc đến một thành công khác của Bà Carla Zampatti với tư cách là Chủ tịch Hội Đồng Quản trị SBS Corporation, một chức vụ mà bà đã phục vụ 10 năm, sau khi được chính phủ John Howard bổ nhiệm hồi năm 1999.
Thuộc nguồn gốc di dân từ Italy, lúc 8 tuổi Carla đã đến định cư trước tiên tại Perth, Tây Úc, hồi năm 1950. Vào lớp tuổi đôi mươi, Carla đã đến Sydney với đam mê và ước vọng thành công trong lãnh vực thời trang. Sau một cuộc triển lãm nhỏ hồi năm 1965 tại Sydney, ngôi sao Carla Zampatti đã bắt đầu sáng chói từ thập niên 1970 tại Úc cũng như trên thế giới.
Tuy không có kinh nghiệm trực tiếp về truyền thông, nhưng Bà Carla Zampatti là một phụ nữ rất giàu về mặt sáng tạo, nên bà đã đưa SBS Corp qua nhiều thử thách, cũng như vị Chủ tịch tiền nhiệm Sir Nicholas Shehadie, AC, cũng thuộc nguồn gốc di dân từ Lebanon.
Tôi có may mắn là trong suốt 17 năm giữ chức vụ Trưởng Nhiệm SBS Radio, một trong hai bộ phận chính của SBS Corp, tôi đã nhận được sự yểm trợ mạnh mẽ từ hai vị Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị. Thứ nhất là tiến trình canh tân cải cách hồi năm 1992 hai Đài Radio 2EA tại Sydney và Radio 3EA tại Melbourne thành một hệ thống SBS Radio toàn quốc, với 68 ban ngôn ngữ ‘on air and online’ mà Tiếng Việt là 1 trong 6 ngôn ngữ lớn nhất.
Vận Động của Đại sứ quán Hà Nội tại Canberra
Diễn tiến thứ nhì cũng rất quan trọng, nhưng không trực tiếp liên hệ đến nhiệm vụ TGĐ SBS Radio của tôi mà lại là một vấn đề mà cộng đồng Người Việt tại Úc rất quan tâm và chống đối mạnh mẽ. Đó là sự việc kể từ ngày 06/10/2003, SBS TV đã trình chiếu mỗi buổi sáng trong chương trình gọi là WorldWatch, Sinh hoạt Thời Sự do Đài VTV4 tại Hà Nội sản xuất như là một công cụ tuyên truyền ở nước ngoài.
Tôi ở trong hoàn cảnh tế nhị, nhưng tôi không thể thờ ơ, và nhất là khi tôi chia sẻ và ủng hộ quan điểm của cộng đồng Người Việt. Để tránh trường hợp có thể coi là “xung đột quyền lợi”, tôi đã xác nhận rõ lập trường này trong các phiên họp của Ban Điều Hành (SBS Executive meetings) cũng như các phiên họp hàng tháng của Hội Đồng Quản Trị (SBS Board Meetings) mà Bà Carla Zampatti chủ toạ. Tôi nhắc lại tôi đã từng là chủ tịch đầu tiên của Cộng Đồng Người Việt Tự Do liên bang Úc Châu, nên tôi rất gắn bó và ủng hộ các vị chủ tịch và ban chấp hành đương nhiệm.
Tôi được chấp nhận như là một ‘honest broker” theo nghĩa là tôi có thể cố vấn cho lãnh đạo cộng đồng Người Việt đồng thời trợ giúp Hội Đồng Quản Trị tìm một lối thoát mà không bị mất uy tín của một cơ quan truyền thông công lập nhưng hoàn toàn độc lập với chính phủ.
Sự kiện Chương trình Thời Sự VTV4 trên SBS TV không phải đương nhiên mà có. Đại sứ CHXHCN Việt Nam đã nhiều lần mời mọc Chủ tịch Sir Nicholas Shehadie và nhất là phu nhân, Giáo sư Y khoa Marie Bashir (mà sau này trở thành Toàn Quyền NSW) thăm viếng Việt Nam. Sir Nicholas thường tham khảo ý kiến tôi mỗi khi ông nhận được lời mời. Tuy nhiên, việc sử dụng SBSTV để xâm nhập vào cộng đồng Người Việt tại Úc là một thoả thuận xảy ra sau này.
Một dấu hiệu tiên khởi
Vào cuối năm 2002, Kỹ sư trưởng của SBSTV, Hing Shek đã kín đáo thông báo cho tôi biết là anh đã nhận được chỉ thị lắp ráp một satellite disk trên nóc của SBS Headquarters Building mà mục đích là để bắt được sóng truyền hình từ Việt Nam. Tôi ghi nhận nguồn tin quan trọng này và để ý, đọc kỹ các phúc trình của SBSTV. Vào khoảng giữa năm, SBS TV loan báo nội bộ dự định phát sóng TV từ Việt Nam vào khoảng cuối năm 2003.
Tôi đã tiếp xúc với Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại NSW và cá biệt là Chủ tịch Nguyễn Mạnh Tiến. Chúng tôi đồng ý với đề nghị yêu cầu SBS TV tham khảo ý kiến cộng đồng. Tôi đã tổ chức một tiệc tối vào một chiều mùa Đông lạnh lẽo tại Nhà Hàng Việt Nam Lemongrass Tree trên Parramatta Road gần khu Leichhardt, nội thành Sydney. Theo yêu cầu của Bs Nguyễn Mạnh Tiến, tôi mời Ông Nigel Milan, Tổng Quản trị (SBS Managing Director) và Trưởng nhiệm SBS TV, Ông Peter Cavanagh đến họp mặt với đại diện Cộng Đồng NSW gồm gần 10 người, kể cả Bs Nguyễn Mạnh Tiến, thành viên Ban Chấp Hành VCA/NSW, Ông Võ Minh Cương, Ông Phan Đông Bích (nay đã mãn phần), Bs Vũ Ngọc Tấn, Bs Võ Văn Phước, Bà Đặng Kim Ngọc, Ông Nguyễn Văn Sơn, Cô Ngọc Hân, Trưởng ban Việt Ngữ Sydney… Chủ nhân của nhà hàng này là Ông Bà Nguyễn Thanh Vân, thành viên của Liên Minh Dân Chủ tại Sydney.
Cắt ngắn một câu chuyện dài, phái đoàn Cộng Đồng đã nêu quan ngại và phản đối việc SBS TV dự định phát sóng chương trình Thời Sự của VTV 4. SBS TV lắng nghe nhưng không cam kết điều gì cụ thể, ngoài việc hứa là sẽ tham khảo ý kiến cộng đồng lần nữa trước khi Chương trình Thời Sự được bắt đầu. Đây là một điểm quan trọng và một trong các lý do chính dẫn đến thắng lợi cho VCA/NSW về mặt tiến trình.
Trong vai trò “honest broker”, tôi đã họp bàn với Ban Chấp Hành VCA/NSW rất nhiều lần và Ban Chấp Hành VCA/Victoria ít nhất hai lần khi tôi bay xuống Melbourne để gặp Kỹ sư Châu Xuân Hùng (VCA/Vic) và Kỹ sư Đoàn Việt Trung, chủ tịch liên bang thứ 4 (1999-2004). Trong các dịp nầy, tôi đã lắng nghe nhiều ý kiến độc đáo cũng như những bước kế tiếp khả thi trong nỗ lực đấu tranh của lãnh đạo và thành viên Cộng Đồng tại Sydney và Melbourne. Về phần tôi, nhìn từ góc cạnh chuyên môn trong bối cảnh truyền thông tại Úc, tôi đưa ra một số đề nghị như sau để Cộng Đồng cứu xét:
1. Công nhận quyền biên tập độc lập của SBS Corp (editorial independence) Đây là nguyên tắc cơ bản của giới truyền thông độc lập tại một quốc gia dân chủ. Nếu Cộng đồng dồn SBS Corp vào chân tường, họ sẽ đánh trả quyết liệt.
2. Nhưng, về mặt nội dung, Cộng đồng nên lập luận về hậu quả của quyết định mà chương trình Thời Sự đã và đang gây ra về mặt an sinh của cộng đồng Người Việt mà đa số là người tị nạn đã vượt biển vượt biên để thoát khỏi chế độ độc tài cộng sản. Cùng lúc, hàng trăm thành viên cộng đồng, với tư cách cá nhân và nét chữ tiếng Việt đôi khi ngoắc ngoéo, mô tả nỗi đau mà họ đã trải qua khi còn ở Việt Nam, mà chương trình Thời Sự đã khơi dậy trở lại. Cô Ngọc Hân lãnh trách nhiệm dịch tất cả thư nầy sang tiếng Anh và hàng ngày chuyển đến Văn Phong Bà Chủ tịch. Phương thức này rất hữu hiệu vì Bà Chủ tịch có trong tay những bằng chứng cụ thể về ảnh hưởng tai hại của Chương trình Thời Sự.
3. Đây là chương trình Tiếng Việt nhằm vào đối tượng người Việt tại Úc nên SBS Corp không thể lập luận như thường lệ là những ai không muốn xem thì đừng xem, và để người khác xem. Với tư cách người đóng thuế, người Việt có quyền đòi hỏi SBS TV phải chấm dứt thỏa hiệp với Hà Nội.
4. Về mặt chính trị, nếu Cộng đồng cần thông báo nội vụ với thành viên chính phủ John Howard, thì không nên yêu cầu chính phủ can thiệp với Hội Đồng Quản Tri của SBS, vì điều này có thể gây khó khăn cho cả chính phủ lẫn SBS, vì SBS – cũng như ABC – là những cơ chế truyền thông độc lập. Chính phủ có nhiều cách để chuyển đạt quan điểm, nhưng không thể công khai can thiệp vào một cơ quan truyền thông độc lập, chỉ vì áp lực của một cộng đồng. Chính tôi cũng đã chuyển đạt quan điểm cộng đồng đến Ông Bộ Trưởng Philip Ruddock, MP, và Bộ Trưởng Gary Hardgrave, MP, lúc bấy giờ phụ trách Văn Hóa Đa Nguyên Sự Vụ – mà không hề yêu cầu họ can thiệp.
5. Về mặt tiến trình, Cộng đồng nên tranh thủ ủng hộ của truyền thông chính mạch – đặc biệt là với chương trình của Ông Alan Jones trên Đài Phát Thanh 2GB Sydney – một người được coi là gần gũi với Thủ tướng John Howard. Điểm đặc biệt cần nhấn mạnh là SBSTV đã không giữ lời cam kết tham khảo ý kiến cộng đồng. Truyền thông chính mạch có thể đồng ý hay không với các lập luận của cộng đồng, nhưng tôi tin chắc là họ sẽ chỉ trích SBSTV về việc không tham khảo ý kiến cộng đồng. Đây là một tiến trình quan trọng trong sinh hoạt dân chủ tại Úc. Và đây cũng là một vấn đề mà SBSTV không thể bào chữa được.
Trưởng nhiệm SBS TV Peter Cavanagh đã rời khỏi SBS TV hồi năm 2002 và để lại hồ sơ tham khảo ý kiến cộng đồng Người Việt mà Trưởng nhiệm kế tiếp, Ông Shaun Brown đã không đọc và có lẽ cũng đã không quan tâm. Khi tôi nghe Bs Nguyễn Mạnh Tiến thảo luận vấn đề này với Ông Alan Jones trên Đài 2GB và lập tức Ông Alan Jones chỉ trích SBSTV, thì tôi có cảm tưởng là cộng đồng chúng ta đã đạt một lợi điểm rất hữu ích.
Tôi đã thông báo trung thực tất cả những cố vấn nói trên (ngoại trừ điểm cuối cùng) với Bà Carla Zampatti và Ông Nigel Milan. Tôi nói chiến lược mà tôi đề nghị với Cộng Đồng không nhằm đưa đến tình trạng kẻ thua người thắng mà là một giải pháp thỏa đáng không có người thua.
Khi Bà Zampatti và Ông Milan tiếp phái đoàn Cộng Đồng do Ông Đoàn Việt Trung và Bs Nguyễn Mạnh Tiến lãnh đạo, họ đều có thể đoán trước các lập luận của Cộng Đồng, vấn đề là làm thế nào để có một giải pháp thỏa đáng cho cả đôi bên.
SBS Corp là một cơ quan truyền thông văn hóa đa nguyên, nên SBS Board cũng như SBS Management tôn trọng những ý kiến dị biệt. Bởi thế hai ban Việt Ngữ tại Sydney và Melbourne cũng đã góp tiếng vào nỗ lực của Cộng Đồng. Ngọc Hân và Vũ Nhuận cũng như Quốc Việt và Phượng Hoàng và toàn thể nhân viên của chương trình Việt Ngữ đều đã ký tên vào một Bản Kiến Nghị (Petition) chuyển trực tiếp đến Bà Chủ tịch Carla Zampatti.
Hai cuộc biểu tình vô cùng ngoạn mục
Tuy vậy, SBS TV vẫn chưa chịu nhượng bộ. Sau cuộc biểu tình lần thứ nhất vào ngày Thứ Ba 28/10/2003, với khoảng gần 10 ngàn người tham dự trước trụ sở chính SBS tại Artarmon, Sydney, vấn đề này được ghi vào chuong trình nghị sự của phiên họp Ban Điều Hành (SBS Executive Meeting) mà tôi là một thành viên. Ban Điều Hành gồm chính thức 8 thành viên và đã biểu quyết 7 chống 1 để tiếp tục chương trình Thời Sự. Lá phiếu chống duy nhất là của tôi với tư cách Head of SBS Radio.
Tiếp đến là một biểu tình của Cộng Đồng Người Việt Tự Do Victoria trước trụ sở Phân bộ SBS tại Federation Square, Melbourne. Tuy nhân số ít hơn so với Sydney, nhưng quyết tâm của cộng đồng Người Việt đã tiếp tục thể hiện rõ rệt.
Trong khi SBSTV có vẻ trì hoãn, một diễn tiến có thể gọi là mốc điểm lịch sử của Cộng Đồng Người Việt tại Úc là cũng vào ngày Thứ Ba (ngày làm việc) 02/12/2003, 12 ngàn người đã đổ xô về trụ sở chính của SBS để sử dụng quyền công dân, đòi hỏi SBS TV phải chấm dứt chương trình Thời Sự. Có người còn gọi diễn tiến nầy là một “coup de grace”. Báo Sydney Morning Herald đánh giá đây là cuộc tập họp đông đảo nhất của cộng đồng người Việt (không kể tại các lễ hội) – Nguồn: SMH ngay 03/12/2003 – “Thousands protest at SBS.”
Trong khi bên ngoài, Ngọc Hân đang bận rộn tường trình tại chỗ, phỏng vấn không những lãnh đạo mà còn các thành viên cộng đồng về cảm tưởng và quyết tâm của họ, thì bên trong xuyên qua các khung cửa kiến cao rộng, Ông Nigel Milan và tôi quan sát cuộc biểu tình. Ông Milan nói đùa với tôi: “Tại sao hôm nay trời không mưa”. Tôi cũng đáp trả nhẹ nhàng: “Có lẽ cũng vì thời tiết cảm thông với lòng người”.
Các cuộc biểu tình của Cộng Đồng được tổ chức qui mô, trong bầu không khí náo nhiệt với nhiều khẩu hiểu được tung hô theo nhịp trống, nhưng hoàn toàn ôn hòa và bất bạo động. Khi kết thúc, hàng ngàn người đã ngồi xuống lượm rác nên các con đường chung quanh trụ sở SBS được sạch sẽ hơn. Cảnh sát NSW đã từng bày tỏ sự khâm phục. Cộng Đồng cũng được toàn thể báo chí truyền thông Việt Ngữ ủng hộ. Tuy vậy, cũng có một người viết trên một tuần báo đe dọa cá nhân Trưởng nhiệm SBS TV Shaun Brown, khiến SBS Corp đã phải báo cáo với Cảnh Sát vì lý do an toàn, nhưng không yêu cầu Cảnh sát có hành động gì cụ thể.
Ba ngày sau, Thứ Sáu 05/12/2003, Hội Đồng Quản Trị SBS nhóm họp để cứu xét vấn đề Chương Trình Thời Sự VTV 4, mà tôi có mặt tham dự. Nhân danh Hội Đồng Quản Trị, Bà Carla Zampatti quyết định SBSTV chấm dứt ngay Chương trình Thời Sự, vì lý do nội dung ảnh hưởng tiêu cực đến an sinh của tập thể người Úc gốc Việt. Đồng thời SBS Board xác quyết quyền tự do và độc lập biên tập – editorial independence, nhưng sửa đổi Chính sách và Quy lệ điều hành (Policy Guidelines và Code of Conduct) để truờng hợp tương tự sẽ không xảy ra trong tương lai.
Chính phủ Howard, qua lời phát biểu của Bộ Trưởng Gary Hardgrave, hoan nghênh quyết định của Hội Đồng Quản Trị SBS Corp. Nguồn: ABC Australia, Saturday 6 December 2003 at 8:23 am: “Govt welcomes end to Vietnamese news on SBS”.
Khi được tin Bà Carla Zampatti từ trần sau một tai nạn, tôi đã hỏi Ông Đoàn Việt Trung cảm tưởng và đánh giá thành quả lịch sử của Cộng Đồng.
Kỹ sư Đoàn Việt Trung, Melbourne
Ông Đoàn Việt Trung đã viết: “Khi nghe tin Bà Carla Zampatti bị té cầu thang phải vô bệnh viện, hình ảnh bà hiện ngay lên trong đầu tôi – người phụ nữ mảnh khảnh nhưng vững mạnh mà tôi đã được gặp 2 lần năm 2003. Mấy ngày sau, đọc tin bà qua đời, tôi sững sờ!
“Lần đầu, tôi từ Melbourne lên công ty Carla Zampatti ở Sydney là để xã giao, do Ls Lưu Tường Quang giới thiệu. Lần thứ nhì là trong phái đoàn cộng đồng để cám ơn bà sau khi cộng đồng Việt đánh bại đài VTV4 của CSVN ở SBS TV.
“SBS có 2 cái đầu tiên, đáng ghi vào lịch sử của họ cũng như lịch sử của Úc. Lần đầu tiên họ có phụ nữ làm chủ tịch, là Bà Carla Zampatti. Lần đầu tiên họ bị buộc phải ngưng hành động khiêu khích, là cộng đồng Việt.
“Mấy chục năm nay, giống như rất nhiều người Việt khác, tôi theo đuổi mục tiêu Việt Nam dân chủ. Những khi đặt viết lên giấy để tính toán công tác, tôi thường nhớ đến vụ VTV4.
“Tại Úc, SBS TV đã bị đánh bại vì cộng đồng Việt tuy yếu hơn họ nhưng đã đánh vào nhược điểm, nơi mà họ yếu hơn cộng đồng. Tại Kremlin năm 1991, đế quốc Sô Viết sụp đổ vì những nhược điểm của họ đã bộc phát.
“Tại Việt Nam, Đảng CSVN cũng có một số nhược điểm ngay trong nền tảng, tức là còn độc tài thì còn nhược điểm. Vấn đề là ta nhìn thấy được nhược điểm, và kiên trì khai thác”.
Bs Nguyễn Mạnh Tiến, OAM
Tại Sydney, Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến hồi tưởng:
“Tôi chỉ thực sự biết Bà Carla Zampatti vào năm 2003 khi làm Chủ tịch CĐNVTD/NSW và chịu trách nhiệm tổ chức cuộc tranh đấu của CĐ người Việt sinh sống tại Úc chống việc SBS-TV tiếp vận chương trình “Thời Sự”, mà thực chất là một chương trình tuyên truyền ngụy trang dưới vỏ bọc tin tức, do đài truyền hình VTV4 của CSVN thực hiện, chiếu hàng ngày trên đài SBS TV.
“Tôi vẫn nhớ, khi nghe phong phanh có tin là SBS đang dự định tiếp vận chương trình tin tức của CSVN để chiếu hàng ngày trên SBSTV, chúng tôi đã nhờ ông Lưu Tường Quang, bấy giờ là Trưởng Nhiệm của SBSRadio, mời ông Nigel Milan, Tổng Giám Đốc hệ thống SBS và ông Peter Cavanagh Trưởng Nhiệm của SBSTV, đi ăn tối tại một nhà hàng ở Leichhardt. Tham dự bữa ăn tối và thảo luận có ông Võ Minh Cương, Bs Vũ Ngọc Tấn, Bs Võ Văn Phước, ông Phan Đông Bích, Bà Đặng Kim Ngọc, Cô Ngọc Hân, ông Lưu Dân và một số người nữa.
“Trong buổi gặp gỡ này, CĐ người Việt đã nêu lên những quan ngại, và cực lực phản đối việc chiếu chương trình tin tức của CSVN trên SBSTV. Cả ông Milan lẫn ông Cavanagh đều đã trấn an CĐ rằng họ mới ở trong giai đoạn xem xét, nghiên cứu chứ chưa có gì cụ thể, và hứa sẽ tham khảo với CĐ trước khi có quyết định dứt khoát.
“Bẵng đi một thời gian không nghe động tĩnh gì, Chủ tịch CĐ Liên bang ông Đoàn Việt Trung lại viết cho ông Cavanagh một lá thư, nhắc lại lập trường chống đối của CĐ đối với việc chiếu chương trình tuyên truyền của CSVN trên SBSTV. Ông Cavanagh đã viết thư trả lời CĐ, nhắc lại lời hứa cũ là sẽ tham khảo với CĐ trước khi quyết định.
“Đùng một cái, vào cuối tháng 9 năm 2003, mình mới nghe tin là bắt đầu từ tháng 10, SBSTV sẽ chiếu “Thời Sự” trong chương trình tin tức sắc tộc mỗi buổi sáng. CĐNVTD Liên bang và các Tiểu bang Lãnh thổ đã họp gấp và quyết định bằng mọi giá, sẽ phải đoàn kết chống lại việc làm sai trái này của SBSTV.
“Chính trong quá trình vận động đấu tranh chống việc chiếu VTV4 mà chúng tôi đã có dịp gặp Bà Carla Zampatti, bấy giờ là Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị của SBS. Qua sự dàn xếp của ông Lưu Tường Quang, tôi và ông Trung CT/CĐ Liên bang đã đi ăn tối với bà và ông Quang, và đã trình bày cặn kẽ lý do tại sao CĐ Việt chống việc chiếu VTV4 trên SBS TV, cũng như những chấn thương tinh thần mà việc trông thấy lá cờ máu của CSVN trên màn ảnh TV đã gây ra cho nhiều người trong CĐ, vì nó gợi cho họ nhớ lại những kinh nghiệm hãi hùng khi còn ở VN và chịu sự đàn áp, đày đọa của chế độ CSVN. Bà Zampatti là một phụ nữ rất nổi tiếng trong giới thượng lưu của thành phố Sydney, nhưng bà cũng rất bình dị và hiểu biết, chăm chú lắng nghe chúng tôi trình bày vấn đề. Bà tỏ vẻ thông cảm với những đau thương mà người tị nạn VN đã phải trải qua dưới chế độ CSVN cũng như trên con đường vượt biển gian lao, và hứa sẽ suy nghĩ nhiều hơn để tìm ra một giải pháp tốt đẹp hầu giải quyết chuyện này.
“Sau này trong cuộc họp quyết định ngày Thứ Sáu 05/12/2003 của Hội Đồng Quản Trị SBS, chúng tôi được biết là chính bà Zampatti đã đề nghị hủy bỏ việc chiếu VTV4 trên SBSTV, mà cuối cùng các thành viên của Hội Đồng đã bỏ phiếu thuận, đánh dấu một thắng lợi to lớn cho CĐ người Việt.
“Khi nghe tin bà Zampatti bị ngã và vài ngày sau đã qua đời vì chấn thương sọ não, tôi rất bàng hoàng và thương tiếc, vì bà là một ân nhân và là một người bạn của CĐ người Việt chúng ta. Chẳng biết làm gì hơn là thắp cho bà một nén hương lòng, và cầu chúc hương hồn bà an nghỉ đời đời nơi cõi vĩnh hằng”.
***
Một ngôi sao đã tắt. Tôi và các cựu nhân viên phát thanh đã từng phục vụ cộng đồng tại SBS Radio đều cảm thấy vô cùng thương tiếc Bà Zampatti, vị cố chủ tịch đáng kính và đầy nhân ái. Xin cảm tạ và nguyện cầu hương linh Carla an giấc ngàn thu.
*Ls Lưu Tường Quang, AO
(Sydney, ngày 05.04.2021)