Thursday, January 23, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Các chuyên gia khuyến cáo cách đeo khẩu trang để phòng dịch COVID-19

Các loại khẩu trang y tế được sản xuất có bộ lọc tốt nhưng lại không vừa vặn nên có thể đeo thêm một chiếc khẩu trang vải bên ngoài để định hình tốt hơn và giảm thiểu các khe hở.

Trong bối cảnh các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cao, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc cân nhắc sử dụng những loại khẩu trang chuyên dụng hơn, hay thậm chí kết hợp đeo khẩu trang y tế và khẩu trang vải cùng lúc để phòng dịch.

Giới khoa học thừa nhận rằng có lúc virus SARS-CoV-2 cũng lây lan qua không khí chứ không chỉ riêng tiếp xúc bề mặt. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các giọt bắn nhỏ từ hoạt động hô hấp và giao tiếp thông thường của con người cũng có thể bắn ra xa và đây là cách thức lây nhiễm chủ yếu.

Ngoài ra, những biến thể mới có khả năng lây nhiễm nhanh, như biến thể B.1.1.7 phát hiện ở Anh, cũng gây mối đe dọa lớn hơn so với các biến thể thường gặp, bởi chỉ một lượng nhỏ virus biến thể cũng có thể lây lan với tốc độ nhanh chóng.

Thời gian đầu khi dịch bệnh mới bùng phát, giới chức y tế khuyên người dân che mặt cũng là lúc các loại khẩu trang phù hợp khan hiếm, do đó người dân được khuyến khích sử dụng các giải pháp thay thế từ khăn hoặc áo phông. Tuy nhiên, đến nay những giải pháp này đã không còn hữu hiệu như trước.

Chuyên gia về dân sinh và kỹ sư môi trường tại Viện Đại học Virginia Tech (Mỹ), bà Linsey Marr cho rằng hiệu quả của một chiếc khẩu trang phụ thuộc 2 yếu tố gồm khả năng lọc và kích cỡ phù hợp. Trong đó, khả năng lọc tốt sẽ giúp loại bỏ các vật thể bên ngoài, còn kích cỡ phù hợp sẽ đảm bảo khẩu trang ôm khít khuôn mặt, không tạo ra khe hở, hạn chế các loại virus xâm nhập. Bà cho biết chỉ một khe hở nhỏ cũng có thể làm giảm 50% khả năng bảo vệ của khẩu trang.

Bà Marr cho biết các loại vật liệu tốt nhất giúp ngăn chặn vật thể nhỏ bao gồm vật liệu sử dụng trong khẩu trang N95 và nhiều loại khẩu trang y tế khác hay như bộ lọc HEPA dùng trên máy bay. Trong số các loại khẩu trang vải, vải dệt cotton có hiệu quả cao nhất.

Theo chuyên gia này, nếu lựa chọn các loại khẩu trang vải thì nên đeo các loại khẩu trang nhiều lớp, tốt nhất là loại có ngăn để gài thêm các lớp lọc. Chuyên gia này cho biết các loại khẩu trang y tế được sản xuất có bộ lọc tốt nhưng lại không vừa vặn nên có thể đeo thêm một chiếc khẩu trang vải bên ngoài để định hình tốt hơn và giảm thiểu các khe hở.

Theo một nghiên cứu, việc bổ sung thêm một lớp khẩu trang cũng giúp tăng khả năng lọc khuẩn, ví dụ nếu một lớp lọc giúp ngăn 50% các loại bụi, thì kết hợp hai lớp sẽ tăng tỷ lệ này lên 75%. Tuy nhiên, bà Marr khuyến cáo người dân không nên đeo nhiều hơn hai khẩu trang, bởi việc này sẽ làm giảm khả năng lưu thông không khí và hô hấp.

Bên cạnh đó, loại khẩu trang có phần mũi bằng kim loại sẽ giúp che kín hơn, tương tự với loại có dây đeo vòng qua đầu thay vì qua tai. Một lựa chọn khác là tìm mua khẩu trang N95 hoặc các loại tương tự như KN95 hoặc FFP2./. (VN+)