Sunday, November 24, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Bắc Kinh không có lựa chọn nào khác ngoài việc mua quặng sắt của Úc

Bất chấp các lệnh trừng phạt thương mại có động cơ chính trị đối với hàng hóa của Úc, Bắc Kinh vẫn tiếp tục mua quặng sắt đắt đỏ của Úc với khối lượng lớn.

Giáo sư Kinh tế tại Đại học New South Wales (UNSW), ông Richard Holden, nói rằng Canberra có rất nhiều ảnh hưởng đối với Bắc Kinh, vì không có nơi nào khác có thể đáp ứng nhu cầu quặng sắt đang khan hiếm của Bắc Kinh, ngay cả khi Bắc Kinh muốn.

Một lò đổ thép. (Hình Unsplash)

Ông Holden nói với The Epoch Times, “Chúng tôi thực sự có rất nhiều đòn bẩy với Trung Quốc trong trường hợp này, đó là họ cần rất nhiều quặng sắt. Và họ không mua quặng sắt từ chúng tôi vì họ muốn thể hiện đặc biệt tốt với Úc.”

“Họ mua quặng sắt bởi vì chúng tôi sản xuất rất nhiều, chúng tôi sản xuất rất hiệu quả và hiệu suất, và chúng tôi không có một số tình huống dẫn đến giá quặng sắt tăng quá nhiều, như khi Brazil đã gặp rất nhiều vấn đề về nguồn cung cấp.”

Brazil, một nguồn cung cấp quặng sắt chính khác của Trung Quốc, đã buộc phải giảm sản lượng khai thác kể từ đầu năm nay sau khi mưa lớn và lũ lụt ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng của khu khai thác.

[Tình hình] trở nên bế tắc hơn do thiếu nguồn cung, nhưng nhu cầu không suy giảm của Trung Quốc đối với loại khoáng sản này đã đẩy giá quặng sắt lên mức chưa từng có 200 USD/tấn trong tháng Năm (2021). Giá tiếp tục ở trên mức đó trong suốt tháng Sáu (2021).

Một người đàn ông làm việc trước lò tại nhà máy thép của Công ty TNHH Thép đặc biệt của Đại Liên ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, hôm 20/06/2018. (Hình Reuters)

Kết quả đã chứng kiến huyết mạch kinh tế của Úc – ngành công nghiệp xuất cảng – vượt qua mức kỷ lục 40 tỷ AUD (30 tỷ USD) trong tháng Sáu (2021), trong đó hơn một phần ba – hoặc khoảng 15 tỷ AUD (11 tỷ USD) – là riêng từ các chuyến quặng sắt sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Holden cảnh báo rằng Bắc Kinh sẽ không ngần ngại chuyển sang một nguồn quặng sắt mới nếu có cơ hội, đặc biệt là trước đó họ đã chuyển nguồn cung ngay sau khi áp dụng các lệnh trừng phạt đối với rượu vang, lúa mạch, thịt bò và tôm hùm của Úc.

“Tôi nghĩ rằng trong thời gian gần đây Trung Quốc đã thể hiện việc sẵn sàng sử dụng đòn bẩy đó — họ đã làm điều đó với các loại hình xuất cảng khác, khi người tiêu dùng Trung Quốc không thấy quan trọng lắm, cho dù là họ uống rượu vang Pháp hay rượu vang Chile.”

Ông Holden cho biết, “Nếu điều đó xảy ra, tôi sẽ rất lo lắng. Khả năng điều đó xảy ra như thế nào? [Nhưng] tôi nghĩ có lẽ không có khả năng [xảy ra] như vậy.”

Trước đó, Bắc Kinh đã đe dọa đa dạng hóa nguồn cung cấp quặng sắt, và tháng trước họ đã ký một thỏa thuận có thể giám sát việc phát triển một dự án lớn ở Phi Châu mà có thể cung cấp 100 triệu tấn quặng sắt mỗi năm.

Một công nhân làm việc tại một nhà máy cán nguội của Tập đoàn Gang thép Vũ Hán ở ngoại ô Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc, hôm 22/06/2006. (Hình Reuters)

Giám đốc Quốc phòng, Chiến lược và An ninh Quốc gia của Viện Chính sách Chiến lược Úc, ông Michael Shoebridge, lập luận rằng quặng sắt của Úc đã được bảo vệ khỏi “sự ép buộc của nhà nước Trung Quốc” bởi giá trị quá lớn của sản phẩm này đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Trung Quốc, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, sử dụng sắt để sản xuất thép – một vật liệu có nhiều ứng dụng từ ngành xây dựng đến tàu ngầm quân sự.

Ông Shoebridge cũng chỉ ra rằng các mỏ quặng sắt ở Phi Châu có xu hướng hoạt động kém hơn so với các phương pháp sản xuất tinh chế và tân tiến của Úc.

Ông Shoebridge nói với The Epoch Times trong một email: “Độ tin cậy và quy mô của các nhà sản xuất khác không thể sánh với các nhà cung cấp của Úc, và phần lớn điều này khó có thể thay đổi nhanh chóng – rủi ro chủ quyền ở một số quốc gia Phi Châu vẫn là một vấn đề nan giải.”

Ông cho biết, “Lợi thế so sánh của Úc từ bản chất của các mỏ và kỹ thuật công nghệ cao của các công ty khai thác khiến Úc trở thành nhà sản xuất quặng sắt có khối lượng lớn nhất, cạnh tranh nhất trên toàn cầu. Đó là một lợi thế lâu dài được hỗ trợ bởi sự đầu tư liên tục.” (ETV)