Thursday, January 2, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Bà Võ Thị Ánh Xuân trở thành Quyền Chủ tịch nước


HÀ NỘI, Việt Nam – 465 trong số 482 đại biểu Quốc Hội CSVN bỏ phiếu cho ông Nguyễn Xuân Phúc thôi chức chủ tịch nước, đại biểu Quốc Hội, trong phiên họp bất thường tại nghị trường hôm 18 Tháng Giêng.

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng (ngoài cùng bên trái) chừa ghế trống cạnh ông Nguyễn Xuân Phúc, người vừa mất ghế chủ tịch nước, tại phiên họp Quốc Hội Việt Nam hôm 18 Tháng Giêng. Hình Thanh Niên

Tờ Thanh Niên cùng ngày đưa tin này và cho biết thêm, việc miễn nhiệm ông Nguyễn Xuân Phúc được quyết định bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Cách đây gần hai năm, theo Wikipedia, trong phiên họp hôm 2 Tháng Tư, 2021, có 446 trong số 452 đại biểu Quốc Hội (tỷ lệ 92.9%) phê chuẩn ghế chủ tịch nước cho ông Phúc.

Bản tin của báo Thanh Niên cho biết thêm, ông Phúc làm đơn “xin thôi giữ chức vụ chủ tịch nước, chủ tịch Hội Đồng Quốc Phòng-An Ninh, thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc Hội, nghỉ công tác và nghỉ hưu” vào hôm 15 Tháng Giêng.

Theo báo Zing, ông Phúc “chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có hai phó thủ tướng, ba bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng, hai bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự.”

Bà Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền Chủ tịch nước
Bà Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền Chủ tịch nước. Hình VNEconomy

Báo VietNamNet hôm 18 Tháng Giêng xác nhận, bà Võ Thị Ánh Xuân, phó chủ tịch nước, được Bộ Chính Trị “phân công giữ quyền chủ tịch nước cho đến khi Quốc Hội bầu chủ tịch nước.” Hiện, chưa rõ khi nào cơ quan này mới tổ chức cuộc bầu người thay thế ông Phúc.

Theo phân tích gia Lê Hồng Hiệp, hiện là một chuyên viên tại Viện Nghiên Cứu ISEAS – Yusof Ishak Institute ở Singapore, viết trên tạp chí Fulcrum thì ứng viên hàng đầu thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc là ông Tô Lâm, bộ trưởng Công An và là ủy viên Bộ Chính Trị đã hai khóa. Ông quan nổi tiếng thế giới vụ “ăn thịt bò dát vàng” ở London, Anh, hiện là người rất được ông Nguyễn Phú Trọng hài lòng và tin cậy trong chiến dịch “đốt lò” (đánh tham nhũng).

Hôm 17 Tháng Giêng, đúng như “tin đồn” những ngày qua, ông Nguyễn Xuân Phúc bị mất chức chủ tịch nước sau cuộc họp bất thường Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam tại Hà Nội, theo báo điện tử đảng Cộng Sản Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng hoa chúc mừng Bà Võ Thị Ánh Xuân được Quốc hội bầu làm Phó chủ tịch nước ngày 06/04/2021. Hình Quân Đội Nhân Dân

Đây là lần thứ nhì một người trong “tứ trụ” của Việt Nam mất chức giữa nhiệm kỳ, nhưng là lần đầu tiên một chủ tịch nước đương nhiệm bị mất chức.

Hồi năm 1997 ông Đỗ Mười trong lúc đang làm tổng bí thư cũng bị thay bằng ông Lê Khả Phiêu.

“Tứ trụ” là bốn chức vụ quyền lực nhất của Việt Nam, bao gồm tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, và chủ tịch Quốc Hội.

Tin đồn về việc ông Phúc mất ghế đã rộ lên từ nhiều tháng trước, với nguyên nhân được suy đoán là do bà Trần Thị Nguyệt Thu, vợ ông, là “trùm cuối” trong vụ Việt Á.

Ông Nguyễn Xuân Phúc bỏ phiếu miễn nhiệm chức danh chủ tịch nước của bản thân trong phiên họp bất thường của Quốc Hội Việt Nam hôm 18 Tháng Giêng. Hình VNExpress

Ông Nguyễn Xuân Phúc, 69 tuổi, quê xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, là chủ tịch nước thứ mười của Việt Nam từ 5 Tháng Tư, 2021.

Trước đó, ông làm thủ tướng từ năm 2016-2021, sau khi làm phó thủ tướng thường trực dưới thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng.

Ông cũng từng là bộ trưởng-chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ và phó bí thư, chủ tịch tỉnh Quảng Nam.

Trước khi leo lên các vị trí chóp bu của đảng, vị trí ban đầu của ông Phúc là cán bộ Ban Quản Lý Kinh Tế Tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng hồi năm 1980. (T/H, N/V)