Saturday, April 27, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Ba Mươi Tháng Tư Trong Ký Ức và Thơ

Huỳnh Kim Quang

Ba mươi tháng tư của bốn mươi sáu năm trước đối với hàng triệu người Việt không chỉ đơn thuần là thời điểm xảy ra trên diễn trình của thời gian vận hành liên lỉ bất tận. Ba mươi tháng tư đối với hàng triệu người Việt là điểm tụ của ký ức khó phai.

Ba Muoi Thang Tu Trong Ky Uc va Tho 03
Một người mẹ người Miền Nam và 3 đứa con ngồi co ro trên boong tàu chỉ huy đổ bộ được trực thăng của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đưa ra khỏi Sài Gòn, Việt Nam vào ngày 29 tháng 4 năm 1975. (Hình CBS)  

Đừng tưởng ký ức là cái gì đã qua thì dễ phai nhạt và không hiện thực. Khi ký ức với những vết hằn khổ lụy sâu hoắc của một quãng đời nào đó có cơ hội tái hiện thì nó còn thật hơn gấp triệu lần cái hiện tại mà con người đang sống, đang tiếp xúc bằng lục căn với lục trần (từ ngữ nhà Phật chỉ cho 6 giác quan gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, và 6 đối tượng ngoại giới gồm màu sắc, âm thanh, hương vị, mùi vị, xúc chạm và ý thức). Lúc đó ký ức như một thứ mãnh lực phi thường chiếm lĩnh cả thân tâm để lôi ngược con người trở về quá khứ và bỏ mặc cho hiện tại đứng trơ vơ và trống rỗng một mình. Ký ức ấy một khi cưu mang những sự kiện lịch sử mà một cộng đồng dân tộc đã cùng nhau chứng kiến và ghi nhớ thì nó trở thành một thứ “ký ức cộng đồng” (collective memory). Một khi nó đã trở thành ký ức cộng đồng thì sức của một cá nhân không đủ để bôi xóa.

Ba mươi tháng tư năm một chín bảy mươi lăm trong ký ức của một cậu bé vị thành niên như tôi là những mảnh hình ảnh hỗn độn, hãi hùng và chết chóc! Nó chứng kiến cái chết thảm thiết của người anh ruột bị giết tập thể cùng hơn một trăm hai mươi quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa đã nghe lời đường mật của các cán bộ cộng sản kêu gọi tập trung học tập trong vòng mươi ngày rồi thả về nhà. Nó chứng kiến đưởng phố ngổn ngang áo quần, giày dép, súng đạn, xe cộ của những đơn vị chính quy Quân Lực VNCH tan hàng bỏ chạy còn ném lại bên đường. Nó nhìn thấy những bà mẹ đi tìm con hớt hả; những người vợ đi tìm chồng đỏ mắt; và những đứa con mất cha bơ vơ lạc lõng. Nó nghe tiếng kêu gào của người vợ tìm thấy xác chồng đã mục rữa chỉ còn nhận dạng được bộ đồ bọc xương nằm lăn lóc nơi bìa rừng heo hút.

Nhà thơ Mỹ gốc Việt Ocean Vuong – tên thật là Vương Quốc Vinh — ra đời mười ba năm sau khi Sài Gòn thất thủ, đã làm bài thơ nổi tiếng “Aubade with Burning City” [Bài Hát với Thành Phố Đang Cháy], nằm trong thi phẩm “Night Sky with Exit Wounds,” được xuất bản vào năm 2016, mô tả Sài Gòn ngày 29 tháng 4 năm 1975, nghĩa là một ngày trước khi Sài Gòn bị mất vào tay cộng sản, với bản nhạc “White Christmas” của Irving Berlin phát đi mà tiếng hát nghe khắp thành phố, chỉ huy cảnh sát chết nằm bên đường, đoàn người tập trung để được trực thăng Mỹ bốc đi khỏi thành phố trong khi chiến dịch di tản công dân Mỹ và người Việt tị nạn sắp kết thúc.

“Những cách hoa sữa trên đường

Giống như những mảnh áo dài của người con gái

Chúc bạn những ngày hạnh phúc và tươi sáng…

Chàng rót rượu vào tách trà, đưa tới môi nàng.

Chàng nói hả ra.

Nàng hả ra.

Bên ngoài, một người lính phun

điếu thuốc lá trong khi những bước chân

đứng đầy quảng trường như những viên đá rơi xuống từ trời. Cầu chúc tất cả Lễ Giáng Sinh của bạn đều trắng khi người cảnh sát giao thông đưa tay mở bao đựng súng ra.

Tay của hắn vuốt ve chiếc áo dài trắng của cô nàng

Cặp mắt đen của hắn

Mái tóc xanh của nàng.

Ngọn đèn đơn độc

Những cái bóng của họ: hai cái bấc.

Chiếc xe tải quân đội chạy nhanh qua ngả tư, tiếng của những đứa trẻ la réo bên trong. Một chiếc xe đạp lật nhào qua cửa sổ một cửa hàng. Khi bụi bay lên, con chó mực nằm trên đường, thở hổn hển. Hai chân sau của nó dập nát trong ánh đèn Giáng Sinh trắng xóa.

Trên tủ đầu giường, chồi non của cây mộc lan nở ra như bí mật được nghe lần đầu tiên.

Những ngọn cây lấp lánh và trẻ em lắng nghe, cảnh sát trưởng gục mặt vào đống Coca-Cola. Tấm hình của cha ông lớn cỡ bàn tay ướt đẫm nằm một bên tai trái.

Bài hát vang ra khắp thành phố như một góa phụ.

Một màu trắng… một màu trắng…. tôi đang mơ một màn tuyết rơi từ đôi vai của bà…”

Ở cái tuổi chưa trưởng thành, tôi đã có nhận thức về chủ nghĩa cộng sản là tàn ác và dã man. Nhận thức đó của một đứa trẻ không đến từ những lý thuyết trong sách vở mà đến từ chính những gì nó chứng kiến tận mắt và nghe tận tai.

Sau đó, tôi đã chứng kiến cảnh tượng của chiến dịch triệt tiêu nền văn hóa Miền Nam mà chế độ cộng sản gọi là nền văn hóa “đồi trụy.” Dùng chữ “đồi trụy” để kết án nền văn hóa Miền Nam là cách dùng sỉ nhục và hoàn toàn khiên cưỡng. Thực chất là chế độ cộng sản không thể và không dám dung nạp nền văn hóa Miền Nam với tự do, khai phóng và sáng tạo. Đối với những người cộng sản, mà cho đến hôm nay vẫn thế, không thể chấp nhận nếp sống văn hóa tự do và khai phóng, vì đó là kẻ thù quyền lực nhất có khả năng xóa bỏ sự mù quáng, cuồng tín, độc tài, chuyên chế và bạo lực là nền tảng mà chế độ cộng sản xây dựng trên đó.

Bởi thế, Lenin đã từng tuyên bố “trí thức là phân.” Câu này thường được cho là do Mao Trạch Đông nói, nhưng trong bài viết “Lenin lần đầu gọi ‘trí thức là phân’ trong thư gửi Gorky,” được đăng trên trang mạng Đài BBC Tiếng Việt vào ngày 25 tháng 1 năm 2020, thì cho rằng câu này do Lenin nói vào năm 1919. Một lãnh tụ của đảng cầm quyền xem thành phần “trí thức là phân” thì đất nước đó đang chìm trong bóng tối của bạo tàn.

Ba Muoi Thang Tu Trong Ky Uc va Tho 01
Viên chức CIA giúp những người di tản leo lên thang để vào chiếc trực thăng Mỹ tại nóc Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại địa chỉ 22 Đường Gia Long ở Sài Gòn hôm 29 tháng 4 năm 1975. (nguồn: www.en.wikipedia.org)

Chính vì vậy, suốt ba phần tư thế kỷ cai trị Miền Bắc và gần nửa thế kỷ thống trị Miền Nam, chế độ cộng sản Hà Nội đã thực hiện bao nhiêu chiến dịch trù dập giới trí thức văn nghệ sĩ, từ vụ án Nhân Văn Giai Phẩm vào cuối thập niên 1950s đến vụ bỏ tù giới trí thức văn nghệ sĩ Miền Nam sau năm 1975. Dưới chế độ cộng sản nền văn học Việt Nam không ngóc đầu lên nổi bởi vì bị độc tài đảng trị đè đầu. Cho đến giữa thập niên 1980s có phong trào văn học phản kháng thì mới thấy xuất hiện một vài tác phẩm văn chương sáng tạo. Nhưng rồi không bao lâu thì phong trào này cũng bị trù dập. Như thế rõ ràng là phải đi ngược lại đường lối của chính quyền cộng sản thì mới có tự do và sáng tạo.

Chủ nghĩa cộng sản rất sợ thành phần trí thức, bởi vì trí thức là cái đầu biết suy nghĩ, biết phân biệt đúng sai, biết lên tiếng phản đối. Thành phần trí thức được chế độ cộng sản xếp vào hàng đầu trong danh sách những kẻ thù cần phải tiêu diệt: trí, phú, địa, hào. Chủ nghĩa cộng sản lấy lực lượng công nông làm chủ lực để tiến hành cách mạng bạo lực cướp và nắm chính quyền. Cho nên, muốn cai trị dân bằng độc tài chuyên chế thì phải diệt trí thức. Một trong những cách diệt trí thức của cộng sản là phải tẩy não, phải bắt họ ngồi tù, bỏ đói, bắt làm việc cật lực để không còn đủ sức và thì giờ mà suy tư mơ mộng, phải diệt sạch văn hóa “đồi trụy.”  Sau năm 1975, tôi đã thấy nhiều gia đình đốt, thủ tiêu những sách báo, tài liệu, giấy tờ và cả hình ảnh liên quan đến chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Những năm sau 1975, tôi cũng đã từng chứng kiến các cán bộ văn hóa của cộng sản lục soát, tịch thu và tiêu hủy tất cả sách báo, tài liệu thuộc chế độ cũ ở những cơ quan, chùa chiền và tư gia.

Mô tả chính sách bỏ đói người tù để khống chế họ trong các trại tù khổ sai mà chế độ cộng sản Việt Nam gọi một cách “văn vẻ” là “trại học tập cải tạo,” nhà thơ Trần Dạ Từ, ngưởi bị tù dưới chế độ cộng sản sau năm 1975, trong bài thơ làm trong tù dài nhất từ trước tới nay với khoảng bảy trăm câu có tựa đề “Hòn Đá Làm Ra Lửa” được đăng trong tuyển tập thơ của Trần Dạ Từ xuất bản vào năm 2018, viết như sau:

“Nhưng chúng ta biết cái đói khác

Cái đói tùng xẻo rỉ rả đêm ngày

Được xưng tụng là kinh điển, chính sách

Được trang phục lộng lẫy bằng mỹ từ

“Phát minh vĩ đại của thiên tài

Vũ khí chuyên chế vô địch của giai cấp

Chủ nghĩa bách chiến bách thắng của thế kỷ”

Ở đâu ra cái đói quỷ quái ấy?

Từ quả cân đẫm mồ hôi, lão địa chủ thu tô

Từ đồng xu cắt cổ, bác chà gom nợ lãi

Đâu giản dị có vậy

Cái đói phát minh của thiên tài

Mọc từ luống cầy trên trán hói

“Cầy đi cầy lại cầy tới cầy lui”

Đã để lại bao nếp nhăn tối tăm

Trên vầng trán đẹp đẽ, đáng tiếc

sớm hói vì hằn học

Cái đói phát minh của thiên tài.

Nó là thứ gì vậy?

Tên nó, “Chính sách lương thực của Lenin”

Nó giản dị thôi:

Kinh nghiệm phản xạ có điều kiện

từ con chó của Pavlov

được tính toán, phối hợp lô gích cho con người

Sự co thắt dạ dầy. Nước miếng. Tiếng kẻng

Cái đói thành vũ khí chuyên chế vô địch

Nó được tung, được hứng, được quảng cáo xôm tụ:

“Kiểm kê. Quản lý. Làm chủ”

Và nó vơ. Nó vét. Nó ban phát ơn huệ

Biến chén cơm, miếng bánh thành ma túy

Biến tiếng kẻng cho ăn thành lệnh của ma quỷ

Để khuất phục đồng loại

Tôi biết cái vũ khí đói này

Em ở đâu. Em coi chừng nó

Kẻng ăn gõ

Nước miếng ứa

Rớt nhãi chẩy

Biến hóa thành muôn hình nghìn vẻ…”

Các nhà tù cộng sản là những địa ngục trần gian, là nơi mà nhà thơ Tô Thùy Yên đã miêu tả là đã biến con người thành con “vượn cổ sơ.” Nhưng ngoài nhà tù nhỏ còn có nhà tù lớn là cả đất nước. Vì thế, hàng triệu người đã không thể sống được trong cái nhà tù lớn đó nên đành bỏ quê hương mà đi tìm tự do bằng đường bộ và đường biển sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Sau hơn mười năm ở tù cộng sản, nhà thơ Tô Thùy Yên (1938-2019) khi ra tù đã sáng tác bài thơ nổi tiếng “Ta Về,” được đăng trong tập Thơ Tuyển xuất bản vào năm 1995. Xin trích một số đoạn trong bài thơ “Ta Về” của nhà thơ Tô Thùy Yên như sau:

“Ta về một bóng trên đường lớn

Thơ chẳng ai đề vạt áo phai

Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ

Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay

Vĩnh biệt ta mười năm chết dấp

Chốn rừng thiêng ỉm tiếng nghìn thu

Mười năm mặt sạm soi khe nước

Ta hóa thân thành vượn cổ sơ

Ta về qua những truông cùng phá

Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may

Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ

Nghe tàn cát bụi tháng năm bay

Chỉ có thệ Trời câm đất nín

Đời im lìm đóng váng xanh xao

Mười năm, thế giới già trông thấy

Đất bạc màu đi, đất bạc màu

Ta về như bóng chim qua trễ

Cho vội vàng thêm gió cuối mùa

Ai đứng trông vời mây nước đó

Ngàn năm râu tóc bạc phơ phơ

Một đời được mấy điều mong ước

Núi lở sông bồi đã mấy khi

Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động

Mười năm, cổ lục đã ai ghi

Ta về cúi mái đầu sương điểm

Nghe nặng từ tâm lượng đất trời

Cảm ơn hoa đã vì ta nở

Thế giới vui từ mỗi lẻ loi

Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa

Làng ta ngựa đá đã qua sông

Người đi như cá theo con nước

Trống ngũ liên nôn nả gióng mừng

Ta về như lá rơi về cội

Bếp lửa nhân quần ấm tối nay

Chút rượu hồng đây xin rưới xuống

Giải oan cho cuộc biển dâu này

Ta khóc tạ ơn đời máu chảy

Ruột mềm như đá dưới chân ta

Mười năm chớp bể mưa nguồn đó

Người thức mong buồn tận cõi xa

Ta về như hạt sương trên cỏ

Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời

Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt

Tội tình chi lắm nữa người ơi

Quán dốc hơi thu lùa nỗi nhớ

Mười năm người tỏ mặt nhau đây

Nước non ngàn dặm bèo mây hỡi

Đành uống lưng thôi bát nước mời

Ta về như sợi tơ trời trắng

Chấp chới trôi buồn với nắng hanh

Ai gọi ai đi ngoài cõi vắng

Dừng chân nghe quặn thắt tâm can

Lời thề buổi ấy còn mang nặng

Nên mắc tình đời cởi chẳng ra

Ta nhớ người xa ngoài nỗi nhớ

Mười năm ta vẫn cứ là ta

Ta về như tứ thơ xiêu tán

Trong cõi hoang đường trắng lãng quên

Nhà cũ mừng còn nguyên mái, vách

Nhện giăng, khói ám, mối xông nền

Mọi thứ không còn ngăn nắp cũ

Nhà thương khó quá sống thờ ơ

Giậu nghiêng cổng đổ, thềm um cỏ

Khách cũ không còn, khách mới thưa

Ta về khai giải bùa thiêng yểm

Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi

Hãy kể lại mười năm chuyện cũ

Một lần kể lại để rồi thôi…”

Chuyện kể thì cũng phải có kết cuộc, nhưng ký ức thì sẽ còn đó. Chính vì còn đó nên đã làm cho “tứ thơ xiêu tán.” Đọc bài thơ “Ta Về” của nhà thơ Tô Thùy Yên trong ngày ba mươi tháng tư mà cảm nghe một mảng ký ức tuông trào với bao nỗi niềm bi thương, chua xót, “Dừng chân nghe quặn thắt tâm can”.

Ba Muoi Thang Tu Trong Ky Uc va Tho 02
Người Mỹ và người Việt chạy tới chiếc trực thăng của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tại Sài Gòn trong cuộc di tản của thành phố vào ngày 29 tháng 4 năm 1975.  (Hình CBS)

Thay lời kết, xin trích một số đoạn trong bài thơ “Nửa Phút Mặc Niệm Cho Ba Mươi Tháng Tư” của nhà thơ KC được đăng trên trang mạng vietbao.com hôm 15 tháng 4 năm 2021 để mặc niệm tất cả những người đã chết hay còn sống trong biến cố lịch sử đau thương của ngày ba mươi tháng tư năm một chín bảy lăm. 

“…

cho triệu người buồn

gầm gừ dọa biển

cho tôi tự do hay cho tôi cái chết

nhưng trước lưỡi dao hải tặc

chỉ có thể im lặng nghiến răng

hay nài van như người đàn bà không còn xuân sắc

cho tôi thế cô bé kia

cô chưa tới chín tuổi mà 

cho những người chết xa

không phải chỉ trên đường hồ chí minh cay nghiệt

nhưng bất cứ đường nào

đưa ra khỏi nước

những xác khô

những hồn ma luẩn quẩn ngơ ngơ ngác ngác

bên Miên bên Việt

chỗ nào là quê hương?

cho những người

tặng hoà bình

khói cay, biểu ngữ, những ý niệm nhân bản, nhân văn nhất

họ vẫn sống hay đã chết

dưới gánh nặng ký ức

và hai trăm ngàn xác “boat people”?

nửa phút mặc niệm cho ba mươi tháng tư

cho lỗi lầm, cho lịch sử vô tình

cho chính mình

bạc nghĩa” .

Huỳnh Kim Quang