Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Ăn nhiều chất béo và thuốc kháng sinh có thể làm tăng nguy cơ tổn thương tiền viêm ruột

Một trong những cách giúp điều trị bệnh viêm ruột hữu hiệu là ổn định vi khuẩn ở đường ruột…

Theo nghiên cứu mới, sử dụng chế độ ăn nhiều chất béo kiểu phương Tây, kết hợp với sử dụng nhiều thuốc kháng sinh, sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển tổn thương tiền viêm ruột (pre-inflammatory bowel disease, pre-IBD).

Theo nghiên cứu trên Cell HostMicrobe cho thấy, sự kết hợp nêu trên sẽ khiến các nhà máy năng lượng (ty thể) trong các tế bào của niêm mạc đại tràng đóng lại, và dẫn đến viêm ruột.

Chứng viêm ruột này có liên hệ chặt chẽ với Hội chứng ruột kích thích (HCRKT) – hội chứng gây ảnh hưởng tới khoảng 11% dân số trên toàn thế giới. Triệu chứng của HCRKT bao gồm: đau bụng từng cơn, đầy hơi, và thay đổi thói quen đại tiện. 

Nếu bệnh nhân bị HCRKT có niêm mạc đường ruột bị tổn thương và thành phần vi khuẩn đường ruột bị thay đổi, thì các bác sĩ sẽ chẩn đoán đó là triệu chứng tiền viêm ruột.

Trong một nghiên cứu được thực hiện với sự tham gia của 43 người lớn khỏe mạnh và 49 bệnh nhân trên 18 tuổi được chẩn đoán mắc HCRKT, các nhà nghiên cứu đã đo calprotectin ở trong phân – một dấu hiệu sinh học để chẩn đoán bệnh viêm ruột. Nồng độ calprotectin trong phân tăng cao sẽ cho thấy tình trạng tổn thương tiền viêm ruột. Theo đó, nghiên cứu đã phát hiện và ghi nhận 19 bệnh nhân mắc HCRKT bị tổn thương tiền viêm ruột.

Quan sát chế độ ăn, các nhà nghiên cứu phát hiện thấy tất cả những người tham gia có ăn nhiều chất béo kết hợp với kháng sinh có nguy cơ mắc tiền viêm ruột cao gấp 8,6 lần so với những người ăn kiêng (ít chất béo) và không có tiền sử sử dụng kháng sinh gần nghiên cứu.

Ăn nhiều chất béo và thuốc kháng sinh có thể làm tăng nguy cơ tổn thương tiền viêm ruột
Chế độ ăn nhiều chất béo kết hợp với khác sinh không chỉ gây ra béo… (Pixabay)

Những người tham gia có mức tiêu thụ chất béo cao nhất có khả năng mắc tiền viêm ruột cao gấp khoảng 2,8 lần so với những người có lượng chất béo trong đồ ăn thấp hơn. Ngoài ra, chỉ riêng việc có sử dụng kháng sinh đã làm gia tăng khả năng mắc tiền viêm ruột lên cao gấp 3,9 lần.

“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, người vừa có chế độ ăn nhiều chất béo, vừa sử dụng kháng sinh, có nguy cơ bị tổn thương tiền viêm ruột cao nhất.” – Giáo sư Andreas Bäumler, chuyên gia vi trùng học và miễn dịch học tại Đại học California nói. “Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn chưa thể đánh giá được tác động của các yếu tố môi trường khác nhau có thể gây bệnh tiền viêm ruột là như thế nào.”

Theo nghiên cứu ở trên chuột, tác dụng của chế độ ăn nhiều chất béo và sử dụng kháng sinh đối với các tế bào trong niêm mạc ruột cho thấy, chế độ ăn này phá vỡ hoạt động của ty thể trong tế bào, làm giảm khả năng đốt cháy oxy. Sự gián đoạn này còn gây ra giảm tiêu thụ oxy tế bào, dẫn đến rò rỉ và làm tăng lượng oxy đi vào ruột.

Lợi khuẩn phát triển mạnh trong môi trường thiếu oxy như ruột già. Nồng độ oxy cao hơn trong ruột thúc đẩy sự mất cân bằng của vi khuẩn, và từ đó gây viêm ruột. Với sự gián đoạn trong môi trường đường ruột, vi khuẩn có lợi dần dần bị thay thế bằng các vi khuẩn gây viêm có khả năng chịu được môi trường oxy cao hơn. Điều này dẫn đến viêm niêm mạc ruột và liên quan đến tình trạng tiền viêm ruột.

Nghiên cứu cũng xác định 5-aminosalicylate (mesalazine), một loại thuốc giúp khởi động lại các nhà máy năng lượng (ty thể) trong niêm mạc ruột có thể là một phương pháp điều trị tiềm năng cho tổn thương tiền viêm ruột.

Cách để bảo vệ đường ruột khỏe mạnh là loại bỏ nguồn thức ăn ưa thích của các vi khuẩn gây hại, tức là tránh các thực phẩm giàu chất béo và lạm dụng kháng sinh, để tránh bị viêm ruột.

Quỹ nghiên cứu quốc gia Hàn Quốc, USDA / NIFA và Dịch vụ y tế công cộng đã hỗ trợ nghiên cứu.

Bài viết này được đăng tải lần đầu bởi UC Davis. Tái xuất bản qua Futurity.org theo Giấy phép Creative Commons 4.0.

(NTD, Theo The Epoch Times)