Sunday, December 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Ấn Độ, Úc thúc đẩy quan hệ song phương toàn diện


Nhằm thúc đẩy quan hệ song phương tổng thể bao gồm các lĩnh vực thương mại và đầu tư, lãnh đạo hai nước đều thể hiện ‘tham vọng chung’ trong việc sớm ký kết Hiệp định Hợp tác kinh tế toàn diện.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và người đồng cấp Úc Anthony Albanese tại cuộc họp báo chung ở Sydney ngày 24/5/2023. Hình AFP

Sáu cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Úc Anthony Albanese chỉ trong vòng một năm và hai chuyến thăm song phương cấp nhà nước của hai nhà lãnh đạo trong vòng 2 tháng qua đã “phản ánh chiều sâu và sự trưởng thành trong quan hệ” giữa hai nước.

Thủ tướng Modi cũng đã cho thế giới thấy tầm quan trọng của Úc trong chính sách đối ngoại của New Delhi khi ông tiếp tục hành trình tới Caberra cho dù nhóm Bộ tứ an ninh (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc) hủy kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại đây. Bên cạnh đó, ông đã dành tới một nửa trong tổng số 6 ngày công du khu vực châu Á-Thái Bình Dương (từ 19-24/5) cho các hoạt động tại Úc.

Đây là chuyến thăm chính thức Úc lần thứ hai của nhà lãnh đạo Ấn Độ. Ông đánh giá kể từ chuyến thăm trước đó vào năm 2014 tới nay, quan hệ song phương đã “chuyển đổi căn bản”, thể hiện qua các hội nghị thượng đỉnh thường niên, hợp tác kinh tế, các hiệp định thương mại và nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.

Về giao lưu nhân dân —được coi là một trụ cột vững chắc của quan hệ song phương, Thủ tướng Modi đánh giá: “Chúng tôi đã tiến bộ đáng kể trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đầu tư, giáo dục, y tế và văn hóa…”

Sự gắn kết giữa Ấn Độ với Úc nằm ở cộng đồng người gốc Ấn sinh sống tại đảo quốc này, cộng đồng hải ngoại lớn thứ hai (sau Anh) ở Úc với 673,000 người. Yếu tố này, cùng sự đồng điệu trong quan điểm chính trị và phát triển là thứ giúp hai bên duy trì quan hệ tốt đẹp trong khoảng thời gian dài vừa qua.

Thủ tướng Modi mô tả cộng đồng hải ngoại là sức mạnh thực sự của mối quan hệ song phương đang phát triển, trong khi Thủ tướng Albanese cho rằng cộng đồng người Ấn Độ ở Úc sẽ luôn là “huyết mạch” của mối quan hệ giữa hai nước.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và người đồng cấp Úc Anthony Albanese trong cuộc gặp ở Sydney ngày 24/5/2023. Hình AFP

Ông Albanese nhấn mạnh: “Úc và Ấn Độ là những người bạn và đối tác thân thiết hơn bao giờ hết” và rằng “Úc trở nên tốt đẹp hơn nhờ sự đóng góp của cộng đồng người Úc gốc Ấn và chúng tôi muốn thấy nhiều mối liên hệ hơn giữa các quốc gia của chúng ta.”

Về thương mại, nhằm thúc đẩy quan hệ song phương tổng thể bao gồm các lĩnh vực thương mại và đầu tư, lãnh đạo hai nước đều thể hiện “tham vọng chung” trong việc sớm ký kết Hiệp định Hợp tác kinh tế toàn diện (CECA) trong năm nay.

Điều này sẽ tiếp thêm sức mạnh và định hướng mới cho hợp tác kinh tế và thương mại song phương. Thương mại song phương giữa hai nước đã lên tới gần 27 tỷ USD vào năm 2021-2022 và dự kiến vượt qua 45-50 tỷ USD vào năm 2035.

Về tầm nhìn chung đối với hợp tác ở Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương, trong cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo cũng nhắc lại quyết tâm bảo đảm một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng mở, hòa bình, thịnh vượng và bao trùm, được củng cố bởi một trật tự quốc tế dựa trên luật định.

Trả lời phỏng vấn báo The Australian, Thủ tướng Modi bày tỏ mong muốn nâng cấp mối quan hệ Ấn Độ và Úc lên một tầm cao mới, bao gồm quan hệ mật thiết hơn nữa về quốc phòng và an ninh để bảo đảm một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Ông cho rằng, tình hình căng thẳng trong khu vực khiến quan hệ đối tác của Ấn Độ với Úc trở nên “quan trọng hơn bao giờ hết.”

Để củng cố mối quan hệ này, hồi tháng 6/2020, Ấn Độ và Úc đã nâng mối quan hệ của song phương lên thành đối tác chiến lược toàn diện và ký Thỏa thuận Hỗ trợ hậu cần lẫn nhau (MLSA) mang tính bước ngoặt.

Đáng lưu ý —trước khi tới Úc, Thủ tướng Modi đã tham dự Diễn đàn Hợp tác Ấn Độ – Các quốc đảo Thái Bình Dương tại thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea. Ông đã công bố một bản kế hoạch gồm 12 bước nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác với các quốc đảo tại khu vực Thái Bình Dương.

Đánh giá về tầm quan trọng của quan hệ song phương Úc-Ấn Độ qua chuyến thăm của Thủ tướng Modi, Giáo sư Ian Hall, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Griffith ở Brisbane, nói: “Những gì chúng ta thấy trong lần xuất hiện chung này là sự hài hòa trong các chính sách đối nội và đối ngoại của Úc và Ấn Độ. Cả hai nhà lãnh đạo đang tìm kiếm nguồn tài trợ và hỗ trợ, tập trung vào cộng đồng người Ấn Độ ở Úc và tận dụng lợi thế của quan hệ hợp tác song phương.” Việc hai bên ký kết thỏa thuận hợp tác di cư sẽ tăng cường hơn nữa hoạt động giao lưu nhân dân –cầu nối hữu nghị giữa hai nước.

Trong một bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách vào năm ngoái, cựu Đại sứ Úc Peter Varghese cho rằng “cả Úc và Ấn Độ đều ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” và rằng họ là đối tác “trong việc tìm cách xây dựng các thể chế khu vực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mang tính bao trùm, thúc đẩy hội nhập kinh tế hơn nữa và có thể giúp quản lý căng thẳng khi tăng trưởng kinh tế trên khắp khu vực thay đổi trọng tâm và tính tương đối chiến lược”.

Theo trang mạng “afr.com”, Ấn Độ đang gắn kết lợi ích của mình ngày càng chặt chẽ hơn với phương Tây, và điều đó đã đưa Úc vào danh sách đối tác quốc tế hàng đầu của New Delhi. Sự phát triển nhanh chóng gần như đáng kinh ngạc của quan hệ Úc-Ấn Độ trong những năm gần đây là hiếm có trong một hệ thống quốc tế căng thẳng, chia rẽ và đầy rủi ro.

Giới chuyên gia cho rằng, cùng với vai trò ngày càng nổi bật của Ấn Độ trong nhóm Bộ tứ an ninh, New Delhi đang xuất hiện trên trường quốc tế với tư cách là một cường quốc Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Điều này đã dần được hiện thực hóa kể từ khi ông Modi trở thành thủ tướng vào tháng 5/2014. Những nỗ lực và thành quả của ông trong hoạt động đối ngoại đã được thế giới công nhận.

Ngày nay, Ấn Độ là quốc gia hiếm hoi có thể đối thoại được với cả Nga và Ukraine. Trong thời kỳ khủng hoảng như đại dịch và thảm họa thiên tai, nhiều quốc gia mong đợi sự giúp đỡ từ Ấn Độ. Bản sắc của một Ấn Độ mới đã hình thành trong thời kỳ ông Modi cầm quyền.

Ngày nay ông được coi là một nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng trên thế giới, qua đó góp phần nâng cao vị thế của Ấn Độ. Chuỗi thành công trong 9 năm cầm quyền của ông Modi đã được bổ sung bằng chuyến công du Úc lần này thông qua những thỏa thuận hợp tác và cam kết nâng mối quan hệ song phương lên tầm cao mới./. (T/H, VN+)