Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

“Trái ngược với chính sách ngoại giao”: Thủ tướng Morrison hối thúc Victoria bãi bỏ thỏa hiệp Một vành đai một con đường – BRI

Kính thưa:

  • Quý vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo
  • Hội cựu Quân Nhân Victoria,
  • Quý vị lãnh đạo các hội đoàn, đoàn thể,
  • Giới truyền thông báo chí
  • Cùng toàn thể đồng bào

Thủ tướng Scott Morrison đã lớn tiếng chống đối thỏa hiệp Một vành đai, Một con đường của Victoria với Trung cộng. Ông cho rằng thỏa hiệp này đi ngược với quyền lợi quốc gia. Ông cũng hối thúc Thủ hiến Daniel Andrews bãi bỏ những thỏa thuận này.

Việc Thủ tướng can thiệp vào BRI ngày càng gây thêm áp lực trên Thủ hiến Andrews trong lúc ông này vẫn tìm cách tiến hành những thỏa thuận với Bắc Kinh, dẫu có nhiều nhân viên cao cấp trong chính quyền Liên bang Úc đã tỏ ra lo ngại.

BRI là kế hoạch mang dấu ấn của Chủ tịch nhà nước Trung cộng Xi Jinping, chính sách ngoại giao này bỏ tiền vào các chương trình hạ tầng cơ sở khắp nơi  trên thế giới. Nhiều quốc gia đã lên án cho đây là một “chính sách ngoại giao ép nợ”, khi các nước đang phát triển bị dồn vào những món nợ không trả được.

Khi ký xong hợp đồng với Victoria, Trung cộng có quyền tham gia vào mọi đầu tư ở tiểu bang này và công ty xí nghiệp của Victoria sẽ có quyền tham gia vào các dự án của Trung cộng ở ngoại quốc.

Ông Morrison nhấn mạnh rằng không một tiểu bang hoặc lãnh thổ nào nên tham gia những hợp đồng đi ngược với chính sách ngoại giao của Úc.

Ông nói với Neil Mitchell đài 3AW “Đây là một chương trình mà chính sách ngoại giao Úc không công nhận được…..vì chúng tôi không tin là nó phù hợp với quyền lợi quốc gia Úc”.

“Hằng ngày chính phủ phải đương đầu đến nhiều vấn đề an ninh quốc gia, để giữ an toàn, rất tiếc chúng tôi không thể nào công bố được.”

“Đây không phải là một chương trình mà chính phủ Úc đã ký kết, mà cũng không phải là một chương trình nằm trong chính sách ngoại giao của chính quyền Úc. Tất cả các tiểu bang và lãnh thổ không nên hành xử trái với chính sách trung ương của Liên bang.”

Khi được hỏi Thủ hiến Andrews có nên rút lui hay không, Ông Morrison trả lời:  “Phải chứ, vì chương trình này đi ngược hẳn với chính sách của chính quyền trung ương Úc “.

Tiếp lời ông Morrison, Lãnh tụ Đảng đối lập Victoria ông Michael O’Brien tuyên bố rằng nếu đắc cử ông sẽ rút khỏi BRI.

Trong cuộc phỏng vấn hôm thứ năm vừa qua, Ông nói rằng: “đây là một hợp đồng vô ích, đã không lợi cho công ăn việc làm lại còn hại đến nền an ninh và quyền lợi của chúng ta.”

“Daniel Andrews đã hành động sai. Ông ấy phải thú nhận mình đã sai và rút Victoria ra khỏi Vành đai con đường….. chúng ta cùng quan tâm vào một việc là một quốc gia có cùng một tiếng nói khi chúng ta bang giao với ngoại quốc hoặc đối phó với chính trị trong vùng.”

Mối bang giao Úc – Trung cộng lúc này rất tồi tệ khi Bắc kinh đưa ra cảnh báo về vấn đề du học sinh và du khách đến Úc. Trung cộng tố cáo hành vi kỳ thị và bạo lực ở Úc “ngày càng gia tăng một cách đáng ngại trong mùa đại dịch.”

Hồi tháng tư, Trung cộng đã tẩy chay nhập cảng 1 tỷ đô thịt bò và lúa mạch khi Úc lên tiếng kêu gọi điều tra nguồn gốc Covid.

Ông Morrison trả lời rằng những lời ám chỉ du học sinh Trung Quốc bị kỳ thị là vô căn cứ.”

Ông cũng thêm rằng Úc sẽ không thối lùi khi tranh đấu cho giá trị quốc gia. Còn Trung cộng có muốn hăm doạ chúng ta thì đó là “vấn đề của Trung cộng.”

“Chúng ta chỉ là người Úc. Chúng ta không làm cũng chẳng dự định làm những gì trái với giá trị của chúng ta và cũng chẳng muốn gây thù hằn gì khi bang giao với Trung cộng . Dầu đó là vị trí của chúng ta trong các vấn đề mạng viễn thông, mối can thiệp của ngoại bang, tranh đấu về nhân quyền hay quyền tự do hàng hải.”

Trong tuần qua, Tổng thư ký NATO (Minh Ước Bắc Đại Tây Dương) ông Jens Stoltenberg đã lên tiếng kêu gọi liên minh quân đội đứng lên chống lại hành động “đàn áp và ép buộc” của Trung Cộng, liên kết chặt chẽ hơn các nước như Úc và Tân Tây Lan.

Khi trả lời về sự can thiệp của NATO, ông Morrison nói rằng: “chúng ta không thể nào chịu cúi đầu và buông bỏ giá trị của chúng ta khi bàn đến nền kinh tế mậu dịch tự do.”

Trung cộng ra vẻ muốn dùng sức mạnh kinh tế để đe dọa Úc – tuy nhiên chính quyền Úc đang nhắm đến một kế hoạch mới.

Bài viết của ký giả David Crowe

Khi có tin chính phủ Trung cộng ra cảnh báo sinh viên hãy suy nghĩ lại việc sang Úc du học. Tôi liền bắt điện thoại và gởi điện thư đến một người bạn trong chính quyền Liên bang.

Tôi đánh xuống tin nhắn: “Coi bộ tệ nha”. Tôi nhận được điện thoại gọi lại ngay.

Bên kia đường dây người bạn tôi lên tiếng: “tệ thiệt là tệ” với một giọng buồn ảm đạm.

“Càng ngày càng tệ”

Tôi rất thâm hiểu mối bi quan đó. Cảnh buồn này rất rõ và không tránh được.

Chính phủ Trung cộng ra vẻ muốn dùng sức mạnh kinh tế để đe dọa cưỡng ép mọi hành vi của Úc.

Tháng rồi, chính quyền Trung cộng đã dựng rào cảng thương mại ngăn cản hàng lúa mạch, thịt bò và than đá Úc.

Bắc Kinh thúc sinh viên suy nghĩ lại việc du học sang Úc. Trung cộng tố cáo thêm là sự kỳ thị người Hoa đang gia tăng.

Những thông cáo này được đưa ra sau khi đại sứ Trung cộng ở Úc lên tiếng tẩy chay hàng hoá Úc vì Canberra đặt vấn đề kêu gọi cuộc điều tra đại dịch Covid.

Tuần này, Bắc Kinh chuyển hướng từ hàng hoá sang người. Sau khi cảnh báo du khách có thể gặp nạn kỳ thị nếu họ sang Úc du lịch, Bắc Kinh nay khuyến cáo sinh viên nghĩ kỹ lại ý định sang Úc du học, một lần nữa nhắc rằng sự kỳ thị người Hoa đang gia tăng tại Úc.

Hiện thì chúng ta chưa thấy hậu quả ngay lúc này – Úc đang trong thời kỳ bế quan tỏa cảng vì đại dịch Covid. Nhưng mối thảm họa này không trì hoãn được.

Bang giao Úc – Trung cộng đang sa vào mối nghi ngờ lẫn nhau

Năm ngoái, du học sinh và khách du lịch Trung Quốc mang lại cho kinh tế Úc 18 tỷ đô, làm giàu cho kho bạc của Úc và tạo thêm vô số công ăn việc làm.

Tương lai nguồn lợi tức này ngày càng phai mờ – rất đáng lo ngại khi chính phủ Morrison cố gắng hồi phục nền kinh tế vừa bị một đại dịch trăm năm một thuở tàn phá.

Quan trọng hơn nữa khi bang giao của Úc với mối mậu dịch lớn nhất của mình đang sa vào mối nghi ngờ lẫn nhau nếu không nói thẳng là thù nghịch.

Nhân viên cao cấp và các bộ trưởng trong chính quyền Úc không ai có thể thuyết phục được một ai bên phía Bắc Kinh bắt điện thoại để bàn luận về những tranh cãi đang xảy ra.

Và trong tuần này, bộ Ngoại giao Trung Cộng đã tố cáo Úc về vấn đề kỳ thị và bạo hành khi các bộ trưởng Úc phản đối lời cảnh báo du lịch của Trung cộng là phóng đại và vô căn cứ.

Nữ Phát ngôn nhân Trung Cộng Hua Chunying tuyên bố cùng phóng viên ở Bắc kinh rằng: “Chúng tôi khuyên Úc nên nhìn thẳng vào vấn đề, suy nghĩ cho kỹ và tìm biện pháp cụ thể để bảo vệ sự an toàn, quyền lợi của người Trung Quốc hiện đang ở Úc”

Không có gì đáng ngạc nhiên, dĩ nhiên chính quyền Morrison đã mất dần đi kiên nhẫn.

Hãy nói toẹt ra đi

Khi Trung Cộng bắt đầu đánh hàng xuất cảng Úc, để tránh chuyện nổ lớn, Bộ trưởng mậu dịch ông Simon Birmingham đã chấp nhận lời Bắc kinh đảm bảo là tất cả mọi khó khăn hành chánh đặt trên hàng Úc không có liên quan gì đến mối tranh cãi chính trị giữa Bắc kinh và Canberra.

Nhưng tuần này nhiều thành viên cao cấp trong chính quyền Morrison phán quyết là đã đến lúc chúng ta ngưng giả vờ rằng “cái đồ dùng đào đất giống cái cuốc mà không phải cái cuốc”. (Lời giải: “ Hãy nói toẹt móng heo ra đi ”)

Hôm thứ năm vừa qua, Thủ tướng Scott Morrison lần đầu tiên đã dùng chử “C” trong chử “cưởng ép” khi đáp ứng một câu hỏi về những chế tài mà Bắc Kinh đã đề ra. Ông trả lời rằng : “Quốc gia chúng ta áp dụng thể chế giao dịch tự do”

“Nhưng tôi sẽ không bao giờ chỉ vì bị ngoại bang cưỡng ép mà phải chịu đánh đổi giá trị của chúng ta”

Ngoại trưởng Marise Payne đi xa hơn và đã tố cáo Bắc kinh “phao tin sai” về Úc.

Bà nói với phóng viên Sabra Lane của đài ABC rằng: “Hành động này chỉ gây ra một bầu không khí sợ sệt và chia rẽ giữa mùa đại dịch trong khi chúng ta cần sự hợp tác và thông hiểu lẫn nhau.”

Sau đó không lâu, Bộ trưởng Mậu dịch đã nói với báo Australian Financial Review rằng việc đại sứ Trung Cộng cảnh báo tẩy chay hàng hoá Úc là một “hình thức hăm dọa cưỡng chế kinh tế bất chính.”

Nhận thức được vấn đề chỉ là bước đầu

Và bây giờ thì chúng ta đã hiểu rõ lý do vì sao Chính phủ Morrison đã phải nhìn nhận rằng Úc có thể bị trả thù trước sự tiến triển quá mạnh của Trung Cộng.

Mối nguy cơ này càng đáng ngại hơn khi chính quyền Trung Cộng tỏ ra ngày càng độc tài và quả quyết. Hiện có mối lo ngại dai dẳng về những vấn đề chúng ta quan tâm nhất rất có thể sẽ xảy ra.

Nhưng nhận thức được vấn đề chỉ mới là bước đầu. Tuyên bố nền mậu dịch Úc đã dựa vào Trung cộng quá nhiều và chúng ta phải tìm nhiều thị trường xuất cảng khác thì rất dễ. Nhưng thực hiện được hay không thì rất khó. Hiện nay chính phủ Morrison và nhân viên chính quyền Úc đang cố bỏ hết tài lực vào việc lập các mối quan hệ liên minh với các nước Á châu hạng trung cường hầu vạch vẽ tương lai mới trong khu vực.

Tuần qua, ông Morrison đã tổ chức một buổi hội nghị thượng đỉnh trực tuyến cùng với thủ tướng Ấn Narenda Modi.

Buổi họp trực tuyến không có phần duyệt binh lộng lẩy trước toà Rashtrapati Bhavan khi có một nguyên thủ quốc gia viếng thăm. Nhưng cũng đủ để đánh dấu một mối bang giao đối với Úc. Hai lãnh tụ cùng ký kết một hợp đồng có kế hoạch về vấn đề không gian mạng, các loại đất hiếm và hợp tác quân sự.

Đến gần các quốc gia trung cường như Ấn độ và Nam dương sẽ mang đến cho Úc thêm một cái lợi khác là mở mối giao dịch với thị trường xuất cảng mới.

Úc không những đi tìm bạn mới, mà cũng quay lại bắt tay với bạn cũ.

Thế giới đang biến chuyển – thì chúng ta cũng thay đổi.

Dĩ nhiên không phải là khi không mà cả Bộ trưởng Ngân khố lẫn Thủ tướng chọn tuần này để công bố liên minh Five Eyes intelligence network (tạm dịch – Hệ thống tình báo ngũ nhãn) bao gồm US, UK, New Zealand, Canada và Australia, sẽ chuyển đổi dần thành một tổ chức khác hẳn.

Cả năm quốc gia này sẽ ký kết một thỏa hiệp mới hầu tạo cơ hội cho năm bộ trưởng kinh tế bàn luận phương cách ra khỏi đại dịch Covid.

Hôm thứ tư vừa qua, Thủ tướng đã giải thích dài dòng về đề tài này. Ông tuyên bố cùng các nghị viên Liên minh rằng Australia đang hoạt động để giữ một hệ thống tối mật trong lãnh vực thương mại để “tạo những đường giây cung cấp tin cậy được “

Chính quyền không nêu rõ những hàng nào sẽ được vận chuyển theo các đường giây cung cấp này, nhưng Tổng Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ ông Mike Pompeo đã tiết lộ hồi đầu năm khi ông công bố rằng U.S. sẽ nhờ vào các quốc gia bạn cung ứng các mặt hàng quan trọng đến nền an ninh quốc gia của USA ví dụ như đất hiếm, dược phẩm và nguyên tử. Ông thêm rằng: “Chúng tôi cần duyệt lại tất cả các đường giây cung cấp, biết rõ và kiểm soát chặt chẽ những đường giây cung cấp trong những lúc này.”

Đây không phải chỉ là việc buôn hay bán, nhưng chính quyền Morrison còn tin rằng đây cũng là cách để Five Eyes trao đổi quyền sở hữu trí tuệ mà họ muốn bảo vệ không cho các nước khác biết.

Cũng có tin đồn rằng liên minh Five eyes sẽ đổ dồn sức và tài nguyên vào việc xây dựng những kỷ thuật quan trọng mà Trung cộng đang nắm.

Những điều này khác xa quan niệm thế giới mà các chính trị gia Úc đã cổ động từ 30 năm qua – Một quan niệm về tự do mậu dịch và sự nghi ngờ lẫn nhau sẽ giảm đi một khi kinh tế các quốc gia được nối kết với nhau.

Nhưng khi các nhân viên chính quyền và các nhà chính trị gia lập đề án này, họ tin tưởng rằng Trung cộng sẽ tự do hoá dần…. Và họ đã lầm.

Nói một cách khác như người bạn tôi đã nhận xét: “Thế giới đã biến chuyển”

“Thì chúng ta cũng thay đổi “.

Nên truy xét các hợp đồng ngoại quốc kỷ hơn

Để tránh trường hợp bị ngoại bang nắm giữ những tài sản quan trọng của quốc gia, chính quyền Liên bang đã đề ra một dư luật để kiểm lại những sơ hở pháp lý trong tất cả các thỏa hiệp đầu tư ngoại quốc.

Dư luật này có thể ngăn chặn ngoại bang tiếp quản hay đầu tư vào những công trình và dự án quan trọng đến nền an ninh quốc gia, như kỹ thuật, năng lượng, thông tin hoặc bến cảng v.v…

Chiếu theo dư luật được đề ra, cơ quan quản lý có toàn quyền điều tra tất cả các công ty xí nghiệp nào lách luật hoặc bất tuân các điều kiện trong bản thỏa hiệp. Nếu phạm luật, cơ quan quản lý có quyền buộc công ty bán tất cả tài sản mà họ đã mua.

Bộ trưởng Ngân khố ông Josh Frydenberg sẽ công bố những thay đổi trong dư luật này vào thứ sáu tới. Ông cũng cảnh báo rằng nhiều tài sản quốc gia Úc sẽ “gặp nhiều rủi ro” và chúng ta cần Quốc hội thông qua các điều luật này để “dựng rào cản”.

Chính phủ đã bắt đầu thảo luận về những điều thay đổi này từ ba năm qua và lúc đó không phải vì đại dịch Covid. Chính phủ đưa thông điệp này ra ngày nay đúng vào lúc nhiều công ty xí nghiệp Úc đang có cơ nguy bị ngoại bang tiếp quản và thị trường chứng khoán bị suy sụp.

Đặc điểm chính của dự án pháp lý này là không những các công ty xí nghiệp tư nhân hay cá nhân mà cả các cơ quan chính phủ cũng sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Khác với pháp luật hiện nay, nhiều điều kiện được nới lỏng đối với nhiều công ty xí nghiệp, tuy nhiên khắc khe hơn đối với những công ty thuộc quyền sở hữu của chính quyền ngoại bang như Trung cộng hay quốc gia nào khác.

Ông Frydenberg định công bố bản dự luật vào tháng Bảy tới và kết thúc tham vấn vào tháng Tám. Quốc hội có thể cho ra quyết nghị vào tháng Mười, như thế chính phủ sẽ áp dụng được điều luật mới này vào tháng Giêng.

Trưởng ban An ninh Quốc hội Liên bang Úc có mối lo âu gì cùng với Nghị viên Đảng Xanh của  Đức, cựu bộ trưởng quốc phòng Nhật và cựu bộ trưởng tư pháp Đảng Tự Do Canada? Câu trả lời là Trung cộng.

Một khối gồm 19 đại biểu từ tám quốc gia và nhiều Đảng phái khác nhau vừa thông báo thành lập một liėn minh quốc tế lập pháp kêu gọi chính phủ họ hãy cùng có một lập trường cứng rắn hơn đối với Trung cộng.

Thượng nghị sĩ Lao động Victoria, bà Kimberley Kitching, cùng với nghị viên Tự Do và là trưởng ban an ninh quốc phòng của quốc hội Liên bang Úc, ông Andrew Hastie, đứng ra đại diện Úc trong liên minh này.

Ông Kitching nói rằng ông rất “phấn khởi “ được hợp sức cùng “những dân biểu đồng chí hướng “.

Ông thêm rằng thế giới ghi nhận là Trung cộng mỗi ngày mỗi mạnh; và ở Úc chúng ta ngày càng nhận thức được là chúng ta không thể nào đối xử với các quốc gia độc tài  giống như chúng ta đối xử với các nước dân chủ được.

Ông Duncan cũng giải thích là chính sách ngoại giao xâm lược “sói dữ” của Bắc kinh và chính sách kinh tế “hăm dọa” đối với Úc càng tăng thêm sự cần thiết của khối liên minh này, nhất là những quốc gia chưa có chính sách đối Tàu rõ ràng. Những hành động của Trung cộng ở Biển Nam Trung Quốc và việc đàn áp Hồng Kông từ khi đại dịch xẩy ra đã cho các nước tự do thấy vị trí mới của chủ tịch Trung cộng Xí Jinping và ngầm hiểu phải tìm cách đối phó gấp.

Ông thêm rằng “có một chuỗi những sự kiện đánh dấu chính quyền Xí thay đổi chiều hướng – đó là Trung cộng không còn để ý đến vấn đề ngoại giao bình thường nữa nhưng chỉ tìm cách đàn áp các nước khác.”

Cộng Đồng Người Việt Tự Do Victoria và liên minh các cộng đồng Á châu biểu tình chống Vành Đai-Con Đường và gặp gỡ Thủ Lãnh Đảng Đối Lập.

Trích từ Thông báo của CĐNVTD-VIC của Ông Nguyễn Văn Bon.

Cuộc biểu tình ngày 7 tháng 6 năm 2020 vừa qua, mặc dù chúng ta phải tuân thủ đúng 1m rưỡi khoảng cách xã hội và kêu gọi tề tựu khoảng 20 người biểu tình, tuy nhiên số lượng người vào xem live Stream đã lên đến 40.000 người chỉ sau 30 tiếng đồng hồ.

Sau khi cuộc biểu tình xảy ra trước tiền đình quốc hội Victoria phản đối sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” thì cộng đồng chúng ta đã có dịp gặp gỡ với lãnh tụ đối lập tại tiểu bang Victoria.

Thứ năm vừa qua ngày 11/6 một phái đoàn 10 người gồm có đại diện ban chấp hành cộng đồng, hội đồng tư vấn và giám sát cùng hội cựu quân nhân Victoria đã gặp gỡ với lãnh tụ đối lập Ông Michael O’Brien cùng với các vị bộ trưởng đối lập gồm có bà Georgie Crozier và ông Neil Angus.

Phái đoàn Việt Nam đã bày tỏ sự quan ngại đối với sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” mà chính phủ Andrews đã ký trong bản ghi nhớ đợt một vào năm 2018 và đợt hai năm 2019 mong muốn thúc đẩy quan hệ giữa Victoria gần gũi hơn với Bắc Kinh.

Cộng đồng Việt Nam cũng đưa ra một số đề nghị cụ thể bảo vệ quyền lợi của nhân dân Úc phản đối việc sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”.

Phiên họp này đã được lãnh tụ đối lập đón nhận một cách nồng nhiệt. Lãnh tụ và bộ trưởng đối lập đã bày tỏ sự cảm ơn của họ đối với những việc làm của cộng đồng Việt Nam tại tiểu bang Victoria, đồng thời bày tỏ sự mong mỏi làm việc gần gũi hơn đối với cộng đồng. Lãnh tụ đối lập một lần nữa đã xác nhận lập trường là sẽ hủy bỏ bản ghi nhớ đã được ký trước đây do chính phủ Andrews. Ông cũng nói thêm chúng ta là công dân Victoria nhưng công nhân Victoria cũng là công dân Úc và vì vậy chúng ta cần phải bảo vệ quyền lợi của nước Úc.

Đại diện cộng đồng Việt Nam cũng nói rõ “Chúng ta là người Úc, nếu chúng ta không bảo vệ quyền lợi của nước Úc thì đừng hy vọng người khác bảo vệ quyền lợi của nước Úc cho chúng ta”.

Phiên họp đã được kết thúc một cách rất tốt đẹp với nhiều sự hứa hẹn làm việc chặt chẽ hơn giữa cộng đồng Việt Nam với đảng Tự Do tại Victoria.

Thưa quý vị, những bước kế tiếp cộng đồng người Việt tự do tại tiểu bang Victoria dự định thực hiện gồm có những trình tự như sau:

– Chúng ta vẫn tiếp tục biểu tình, xin quý vị theo dõi thông tin và hãy hỗ trợ ban chấp hành.

– Chúng ta tiếp tục vận động với chính giới.

– Chúng ta tiếp tục vận động với báo chí các cơ quan truyền thông.

– Chúng ta sẽ vận động ký “Kiến nghị thư”.

Mọi chi tiết xin quý vị hãy liên lạc với ông Nguyễn Thế Phong qua số điện thoại 0411 756 552.