Wednesday, April 24, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Vũ Hán, một năm sau –Thân nhân người chết vì Covid bị bịt miệng

Toán chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới-WHO ở Vũ Hán ngày 29/1/2021. (Photo by Hector RETAMAL / AFP)
Toán chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới-WHO ở Vũ Hán ngày 29/1/2021. (Photo by Hector RETAMAL/AFP)

Cách đây 1 năm, cư dân Vũ Hán nhận tin nhắn trên điện thoại di động vào lúc 2g sáng giờ địa phương, loan báo lệnh phong tỏa vì Covid-19. Qua đêm, mọi sinh hoạt tại Vũ Hán, một trung tâm công nghệ và giao thông của Trung Quốc, hầu như hoàn toàn bị tê liệt. Cuộc phong tỏa kéo dài suốt 76 ngày, và đây là lần đầu tiên trên thế giới một thành phố bị phong tỏa để kiềm chế dịch Covid-19.

Một năm sau, nhìn từ bên ngoài, sinh hoạt tại thành phố có 11 triệu dân này về phần lớn đã trở lại bình thường trong khi cả thế giới vẫn đang chật vật chống chọi với những hình thức biến dạng mới của con virus đã lây lan và tiếp tục hoành hành trên toàn cầu.

Tường trình từ Vũ Hán, thông tín viên Jan van der Made của RFI nói rằng 1 năm sau, mặc dù xe cộ tại Vũ Hán vẫn thưa thớt nhưng không còn dấu hiệu của những rào cản đã được dựng lên vào tháng Một năm 2020 để cô lập các khu xóm láng giềng, cấm cửa cư dân, không cho ra ngoài tòa nhà hoặc chung cư nơi họ cư ngụ.

Theo thống kê chính thức, thành phố Vũ Hán ghi nhận 4,635 ca tử vong, chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số ca tử vong vì Covid-19 ở Trung Quốc. Lệnh phong tỏa theo truyền thông và chính quyền địa phương, là một thành công lớn vì cho tới giờ, không có vụ bộc phát mới nào đáng kể từ khi lệnh phong tỏa được hủy bỏ vào ngày 8/4/2020.

Một phụ nữ mang khẩu trang đi ngang qua một bảng quảng cáo tuyên truyền về Chủ tịch Tập Cận Bình ở Vũ Hán (AFP)

Một năm sau, Bắc Kinh dùng thành tích khống chế dịch tại Vũ Hán như một công cụ tuyên truyền cho cái gọi là ‘tính ưu việt’ của chế độ cầm quyền và sự sáng suốt của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và tìm cách giảm nhẹ, khỏa lấp điều được tin rộng rãi là con virus dẫn đến đại dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán, lan truyền tới tỉnh Hà Bắc và xa hơn, và mãi cho tới bây giờ đang tiếp tục gây tang tóc trên khắp thế giới.

Tính tới ngày 26/1, virus Covid-19 đã hoành hành tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong danh sách các nước bị tác động nặng nề nhất có: Hoa Kỳ, Ấn Độ, Brazil, Nga, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý đại lợi, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức.

(Sources: Worldometers 26-1-2021)

https://www.worldometers.info/coronavirus/?utm_campaign=homeAdvegas1?

Tờ Hoàn cầu Thời báo do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát hôm 23/1 ca tụng thành tích của “thành phố anh hùng” Vũ Hán, nói rằng thành phố này đã trở thành một tấm gương cho thế giới noi theo.

Tờ báo viết:

“Khi thành phố Vũ Hán trở lại sinh hoạt bình thường vào tháng Tư năm 2020, trong khi các nước phương Tây chật vật đối phó với Covid-19, nhiều cư dân vũ Hán, thoạt tiên hoang mang về quyết định của chính quyền phong tỏa thành phố, giờ là những người ủng hộ biện pháp đó kiên cường nhất.”

Một cuộc triển lãm kéo dài 3 tháng khởi sự từ tháng 10 với khẩu hiệu “Cuộc sống trên hết-Nhân dân trên hết” được tổ chức tại một trong các bệnh viện đã được cấp tốc xây dựng ở Vũ Hán trong những ngày đầu đại dịch. Cuộc triển lãm trưng bày hình ảnh các nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ, tận tụy đấu tranh cứu mạng các bệnh nhân.

Các cơ quan tuyên truyền ở địa phương tung ra hàng chục phim tài liệu về cuộc đấu tranh chống Covid. Tất cả đều ca tụng sự sáng suốt của các nhà lãnh đạo cộng sản, đặc biệt là Chủ tịch Tập Cận Bình.

Đánh dấu một năm thành phố Vũ Hán bị phong tỏa trong 76 ngày, bộ phim “Days and Nights in Wuhan- Những ngày và đêm ở Vũ Hán” ca tụng thành tích chống Covid-19 của Trung Quốc, được công chiếu tại 350 buổi chiếu phim ở 70 thành phố trên khắp nước.

Nhưng đàng sau những lời tuyên truyền, vẫn còn rất nhiều nghi vấn về nguồn gốc con virus đã dẫn tới ‘trận dịch thế kỷ’, và nhất là cách đáp ứng của nhà cầm quyền Trung Quốc trong thời gian đầu sau khi dịch bộc phát, cũng như sự thiếu minh bạch của Bắc Kinh, cản trở những nỗ lực của cộng đồng quốc tế, như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), muốn truy tìm nguồn gốc virus để rút kinh nghiệm, tránh để xảy ra lần nữa trong tương lai.

Tổng Giám đốc WHO, Bác sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus.

Sứ mạng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)

Sứ mạng của WHO liên tục bị hoãn lại qua các cuộc điều đình và những trở ngại khác, khiến Tổng Giám đốc WHO, bác sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, vốn hiếm khi lên tiếng chỉ trích Trung Quốc, cuối cùng phải công khai than phiền.

Sau một thời gian dài vận động, nhóm chuyên gia của WHO cuối cùng đã được phép tới Vũ Hán hôm 14/1, và sau 14 ngày cách ly, đã bắt đầu cuộc điều tra, nhưng hiện vẫn không biết nhà cầm quyền Trung Quốc sẽ cho họ đi tới đâu và gặp những ai.

Ngay từ đầu vụ bộc phát, Trung Quốc đã sách nhiễu, bịt miệng những người tìm cách báo động về mối nguy của virus, đã lan truyền từ một loài động vật nào đó – có thể là dơi, sang người. Bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), người bị chính quyền khiển trách vì đã đưa ra cảnh báo sớm về mối nguy của Covid-19, chỉ là một trong rất nhiều người đã tìm cách gióng lên hồi chuông báo động cho thế giới.

Bác sĩ Lý Văn Lượng qua tranh Rebel Pepper. Bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) một trong 8 bác sĩ đầu tiên lên tiếng báo động nguy cơ virus Corona chết người ở Vũ Hán từ tháng 12/2019, đã qua đời đêm thứ Năm 6/2/2020 vì lây nhiễm siêu vi nCov từ một bệnh nhân trong bệnh viện Vũ Hán.

Thân nhân người chết vì Covid ở Vũ Hán bị bịt miệng

Những người chỉ trích và gia đình, thân nhân của những nạn nhân đã chết trong dịch Covid-19 ở Vũ Hán nói họ bị chính quyền bịt miệng.

Báo Guardian hôm 27/1/2021 thuật lời một nhóm thân nhân những người chết vì virus corona ở Vũ Hán nói trang mạng xã hội của họ đã bị chính quyền Trung Quốc xóa. Họ bị cảnh cáo là không nên lên tiếng trong khi toán chuyên gia WHO đang tiến hành điều tra về nguồn gốc đại dịch.

Hàng chục thân nhân người chết đã tụ tập trên mạng để đòi các quan chức ở Vũ Hán phải chịu trách nhiệm về hành động của họ. Nhóm thân nhân quy lỗi cho các quan chức này là không xử lý đúng đắn vụ bộc phát đã quét qua thành phố này cách đây một năm, giết chết 4000 người, theo số liệu chính thức.

Nhiều người tỏ ra hoài nghi về các số tử vong do nhà nước đưa ra, nêu lên rằng vì trong sự hỗn loạn của những ngày đầu dịch bùng phát, nhiều ca tử vong không được thử nghiệm và không được tính vào số liệu chính thức, và điều đó có nghĩa là số tử vong vì Covid-19 cao hơn nhiều trên thực tế.

bác sĩ
Nhiều người đặt vòng hoa thương tiếc cố bác sĩ Lý Văn Lượng. Nhiều người dân Trung Quốc bằng mọi cách thể hiện sự thương tiếc, ngưỡng mộ, thậm chí cả sự bất bình trước cái chết của vị bác sĩ nhãn khoa 34 tuổi này. Qua sự kiện này yêu cầu về tự do ngôn luận cũng được nêu lên, mặc dù chính quyền Trung Quốc quyết dập tắt. (Hình AFP)

Nhóm thân nhân người chết vì Covid ở Vũ Hán nói nỗ lực của họ bị chính quyền cản trở, các hoạt động của nhóm thân nhân trên các trang mạng xã hội bị theo dõi, và họ bị trấn áp tinh thần, cảnh cáo chớ nên nói chuyện với truyền thông.

Theo báo Guardian thì điều này xảy ra sau khi toán chuyên gia của WHO được kêu gọi hãy gặp gỡ thân nhân của những người chết vì Covid-19 ở Vũ Hán, trong đó có ông Zhang Hai.

Ông Zhang Hai nói trang mạng của một nhóm thân nhân người chết ở Vũ Hán, gồm 80 tới 100 người, dùng mạng xã hội WeChat để chia sẻ với nhau trong năm qua, bất thần bị xóa không một lời giải thích cách đây 10 ngày.

Cha ông Zhang chết vì Covid-19 vào ngày 1/2/2020 sau khi du hành tới Vũ Hán. “Tôi hy vọng rằng các chuyên gia WHO sẽ không trở thành những công cụ để lan truyền những lời dối trá” Ông Zhang Hai thuộc Nhóm Thân nhân các Nạn nhân chết vì Covid-19 ở Vũ Hán nói với AP

“Chúng tôi đã không ngừng tìm sự thật. Đây là một hành động tội ác, và tôi không muốn WHO tới Trung Quốc để che đậy những tội ác đó.”

Ông Zhang Hai nói thêm:

“Đừng giả vờ như thể chúng tôi không hiện hữu, chúng tôi có mặt ở đây và đang tìm cách buộc những kẻ chịu trách nhiệm phải nhận trách nhiệm của họ. Các ông xóa hết các diễn đàn của chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn muốn cho tất cả mọi người biết qua truyền thông báo chí, rằng chúng tôi vẫn không từ bỏ cuộc đấu tranh này.”

Như ông Zhang, rất nhiều người bày tỏ phẫn nộ về cách chính quyền Trung Quốc tìm cách giảm nhẹ mối nguy do virus Covid đặt ra vào lúc ban đầu, và nhóm này đang tìm cách kiện chính quyền Vũ Hán.

Một thân nhân khác có con gái chết vì virus Covid-19 hồi tháng Một năm ngoái, cho hãng tin AFP biết rằng bà đã bị chính quyền gọi lên, và khuyến cáo “chớ nói chuyện với truyền thông và để người khác lợi dụng”.

AP dẫn lời một nhà nghiên cứu của Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, Yaqiu Wang, tố cáo chính quyền Trung Quốc là cản trở cuộc điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới. Ông Wang nói WHO nên có phản ứng trước hành động cản trở này, và nếu không gặp được nhóm thân nhân người chết vì Covid ở Vũ Hán, WHO phải công khai lên án hành động can thiệp của chính quyền Trung Quốc.

Đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành

Theo Worldometers, tính đến ngày 29/1/2021, số ca nhiễm trên toàn cầu là 102,117,505 người, tổng số ca tử vong là 2,202,722 người, số ca bình phục là 73,966,647.

https://www.worldometers.info/coronavirus/?zarsrc=130

Dĩ nhiên con số này không ngừng gia tăng, mà còn tăng theo cấp số nhân với số các ca nhiễm mới hàng ngày xê dịch từ hơn 600,000 ca mỗi ngày, trong khi số tổng số ca tử vong cũng tăng hơn 17,000 ca mỗi ngày. (VOA)