Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Bạo lực gia đình trầm trọng hơn vì Covid-19

Theo báo cáo của Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ (UN Women), trong bối cảnh dịch Covid-19, tỷ lệ phụ nữ và trẻ em trên thế giới bị bạo lực gia tăng từ 30 – 300%.

Con số này thực sự là hồi chuông báo động nhiều quốc gia cần chú trọng giải quyết các vấn nạn xã hội, song hành cùng công tác phòng chống, dịch bệnh.

Thêm nhiều “vết sẹo khó lành”

Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chỉ ra một thực tế đáng quan ngại rằng, nạn bạo lực đối với phụ nữ vẫn còn phổ biến trên thế giới, khi cứ 3 người phụ nữ thì lại có 1 người (khoảng 736 triệu phụ nữ) từng phải chịu cảnh bạo lực thể chất hoặc tình dục trong đời. WHO cũng chỉ ra rằng, đại dịch Covid-19 đang khiến nạn bạo lực đối với phụ nữ trở nên nghiêm trọng hơn do các biện pháp phong tỏa và các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu bị ngắt quãng.

 Một nạn nhân của bạo lực gia đình tại Brazil. (Hình REUTERS)

Theo Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Giám đốc điều hành UNWomen Phumzile Mlambo – Ngcuka, Covid-19 đã gây ra “một đại dịch bóng” liên quan tới gia tăng bạo lực được báo cáo dưới mọi hình thức đối với phụ nữ và trẻ em gái. Bà Phumzile Mlambo – Ngcuka cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về nạn bạo lực đối với phụ nữ, trong đó bạo lực tình dục có thể khiến các cô gái từ độ tuổi 15-24 phải trở thành những bà mẹ trẻ.

Ở Việt Nam, một kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, 32% phụ nữ từng kết hôn phải chịu bạo hành thể chất trong đời, 10% từng bị bạo hành tình dục, 54% phải chịu bạo hành tinh thần… Việc bạo hành khiến nạn nhân phải chịu những hậu quả nghiêm trọng như chấn thương về thể chất, sức khỏe sinh sản, trầm cảm, thậm chí là các vấn đề nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều phụ nữ phải chạy trốn khỏi chính ngôi nhà của mình, tìm tới tư vấn tâm lý. Nhất là trong thời gian Covid-19, đường dây nóng phản ánh hành vi bạo lực gia đình thậm chí có lúc quá tải. Chỉ riêng trong tháng thực hiện giãn cách xã hội (4.2020), đường dây nóng đã nhận được hơn 340 cuộc, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ của năm 2019.

Trong khi đó tại Thái Lan, một trong những nước có tỷ lệ bạo lực với phụ nữ cao nhất thế giới, số trường hợp bạo lực gia đình cũng đã tăng hơn 60% kể từ khi các biện pháp kiểm soát dịch được áp đặt tại nước này. Lý do chính khiến nạn bạo lực gia đình ở Thái Lan gia tăng được cho là bởi thất vọng về việc thu nhập bị giảm sút khi nhiều người bị mất việc vì Covid-19 và do lượng rượu, bia tiêu thụ gia tăng trong giai đoạn cách ly xã hội.

Tìm “vắcxin” phòng, chống bạo lực gia đình

Để giảm thiểu và ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ, bà Phumzile Mlambo – Ngcuka kêu gọi chính phủ các nước cần thực hiện các bước đi mạnh mẽ, chủ động, đồng thời thu hút vai trò tham gia của phụ nữ để giải quyết vấn đề này. Trong khi đó, WHO cũng đề nghị các quốc gia thực hiện các chính sách phù hợp về chuyển đổi giới, tăng cường phản ứng của hệ thống y tế, tăng cường vai trò can thiệp ở trường học và trong lĩnh vực giáo dục để đẩy lùi tư tưởng phân biệt đối xử, đầu tư vào các chiến lược phòng ngừa dựa trên bằng chứng bền vững và hiệu quả.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định, bạo lực đối với phụ nữ là vấn nạn ở mọi quốc gia và nhiều nền văn hóa, để lại những “vết sẹo khó lành” đối với hàng triệu phụ nữ và gia đình của họ. Theo ông Ghebreyesus, Covid-19 có thể chống đỡ bằng vắcxin, còn bạo lực đối với phụ nữ chỉ có thể ngăn chặn bằng những nỗ lực mạnh mẽ và bền vững từ các chính phủ, cộng đồng và cá nhân.

Bởi thế, việc thay đổi những tư duy không phù hợp, cải thiện khả năng tiếp cận các cơ hội và dịch vụ cho phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời thúc đẩy các mối quan hệ lành mạnh và tôn trọng lẫn nhau là hết sức cấp thiết. Hiện WHO cũng đang thúc đẩy các chính phủ ngăn ngừa bạo lực, cải thiện dịch vụ phúc lợi xã hội cho các nạn nhân và ngăn chặn bất bình đẳng về kinh tế vốn thường làm cho phụ nữ bị mắc kẹt trong các mối quan hệ khiến họ bị lạm dụng.

Được biết, Bộ Phát triển xã hội và An ninh con người Thái Lan đã thành lập trung tâm trú ẩn ở nhiều nơi, trợ giúp những nạn nhân bạo lực gia đình. Thái Lan cũng đã xuất bản một cuốn sách giới thiệu kinh nghiệm của những người đã từng tham gia giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình và đưa ra các phương thức để cộng đồng địa phương thông qua đó cùng nhà chức trách vạch ra các giải pháp lâu dài, giải quyết vấn đề.

Trong khi Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc tìm lời giải cho bài toán bạo lực gia đình chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu chính quyền và cộng đồng các nước quan tâm, chú ý hơn tới các chính sách an sinh xã hội, giảm thiểu bất bình đẳng về giới và đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế… thì cũng sẽ tạo ra “vắcxin” phòng chống bạo lực gia đình. (VHO)