Công ty sản xuất đoàn tàu lửa mới của Melbourne có liên hệ với dự án BRI của Trung Quốc
Công ty CRRC, vốn giành được hợp đồng trị giá $2.3 tỷ đô la để sản xuất đoàn tàu lửa mới cho Melbourne, gần đây đã bị chính phủ Mỹ đưa vào danh sách đen vì những rủi ro an ninh và mối liên hệ với chính phủ Trung Quốc.
Các điểm chính:
- CRRC Changchun Railway Vehicle giành được hợp đồng đóng 65 đoàn tàu lửa cho Melbourne vào năm 2016
- Dự án trị giá $2.3 tỷ đô la này đã bị trễ tiến độ hơn 18 tháng
- CRRC gần đây đã bị Bộ Quốc phòng Mỹ liệt vào danh sách những công ty có rủi ro về an ninh do liên hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc
Hồi năm 2016, CRRC Changchun Railway Vehicles đã đánh bại các công ty địa phương ở Victoria để giành hợp đồng đóng 65 đoàn tàu lửa có sức chứa lớn cho Melbourne.
Dự án xe lửa này được ký kết một tuần trước khi Thủ hiến Daniel Andrews đến thăm Trung Quốc hồi tháng 9/2016, và hiện đã bị chậm tiến độ hơn 18 tháng.
Đây là một công ty con của nhà sản xuất toa xe quốc doanh lớn nhất Trung Quốc CRRC, vốn bị Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo là một mối đe dọa an ninh mạng tiềm ẩn, và bị Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) liệt kê trong danh sách 82 công ty hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ việc cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ.
Bản phúc trình của ASPI tiết lộ KTK Group, một công ty cung cấp phụ kiện cho CRRC, đã sử dụng người lao động Duy Ngô Nhĩ từ năm 2019 tại một trong những nhà máy ở Trung Quốc.
CRRC và mối đe doạ an ninh tiềm ẩn
CRRC hiện là nhà sản xuất toa xe lớn nhất thế giới, được thành lập vào năm 2015 sau khi sáp nhật hai trong số các công ty đường sắt lớn nhất Trung Quốc để tạo nên một công ty xuất cảng hàng đầu quốc gia.
Trong năm 2018, CRRC đạt doanh thu hơn $44 tỷ Úc kim và tuyển dụng khoảng 180,000 công nhân tại hơn 40 công ty con.
Công ty này đang sản xuất tàu cao tốc cho các quốc gia ký thoả thuận Vành đai và Con đường (BRI), và đã tham gia vào hàng chục dự án ở Pakistan, Iran, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ.
Hồi tháng Sáu, Bộ Quốc phòng Mỹ lần đầu tiên công bố danh sách các công ty Trung Quốc hoạt động tại Mỹ có quan hệ mật thiết với chính phủ hoặc quân đội Trung Quốc.
Các công ty nằm trong danh sách này, bao gồm Huawei và CRRC, có thể đối mặt với lệnh trừng phạt của Tổng thống Mỹ.
Phát ngôn nhân Ngũ giác đài Jonathan Rath Hoffman nói:
Trong bối cảnh Trung Quốc cố gắng làm mờ ranh giới giữa các lĩnh vực dân sự và quân sự, việc hiểu rõ nhà cung cấp của quý vị là rất quan trọng.
“Chúng tôi hy vọng danh sách này sẽ là một công cụ hữu ích cho chính phủ Hoa Kỳ, các công ty, nhà đầu tư, các tổ chức học thuật và các đối tác có cùng chí hướng, trong việc thẩm định quan hệ đối tác với các thực thể này, đặc biệt khi danh sách ngày càng mở rộng.”
Chính phủ Andrews đã chọn CRRC trước cuộc đấu thầu với sự tham gia của các công ty địa phương như Alstom ở Ballarat hay Bombardier ở Dandenong.
Chuyên gia về quan hệ Úc-Trung Quốc John Fitzgerald, giáo sư danh dự tại Đại học Swinburne, nhận định thoả thuận xe lửa này có thể khiến nước Úc phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc nhiều hơn nữa, trong bối cảnh Bắc Kinh “nhiều lần cho thấy họ sẵn sàng tận dụng sự phụ thuộc kinh tế của Úc để giành lợi thế chính trị”.
Ông Fitzgerald cho biết trong nửa đầu thập niên trước, các chính phủ Úc thường chọn nhà cung cấp giá rẻ trong những ngành kỹ nghệ cốt lõi như sản xuất xe hơi và phụ kiện đường sắt.
Kết quả là Úc mất năng lực độc lập về sản xuất toa xe và trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc.
Giáo sư Fitzgerald cho biết “sự tập trung đặc biệt” vào Trung Quốc có thể khiến Victoria đánh mất cơ hội xây dựng các mối quan hệ sâu sắc với Ấn Độ và Nhật Bản.
Liệu ông Andrews có cung cấp cơ hội đầu tư tương tự vào các dự án cho Nhật Bản, Ấn Độ và các đối tác khu vực khác.
Chất lượng sản phẩm của CRRC cũng là điều đáng quan ngại.
Khoảng 40 đoàn tàu của CRRC đã bị ngừng hoạt động ở New Zealand trong năm 2014 do nhiễm chất asbestos, và chính phủ Singapore đã gửi trả 26 đoàn tàu bị lỗi trong năm 2016.
Năm 2015, các công ty đường sắt Trung Quốc cáo buộc tiêu chuẩn chất lượng giảm sút của CRRC đã khiến cho số tai nạn tàu lửa ngày càng gia tăng ở nước này. (SBS)