Friday, March 29, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

WHO thay đổi khuyến nghị về tiêm ngừa Covid-19


Nhóm chuyên gia cố vấn chiến lược về tiêm phòng (SAGE), thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sau phiên họp trong tuần tại Genève, Thụy Sĩ, hôm Thứ Tư 29/03/2023, công bố một khuyến nghị mới về việc tiêm phòng Covid-19.

Các chuyên gia của WHO sửa đổi lời khuyên về vắc-xin Covid-19, nói rằng trẻ em và thanh thiếu niên khỏe mạnh có nguy cơ thấp.

Các chuyên gia WHO đề nghị 3 đối tượng ưu tiên cho việc chủng ngừa tùy theo mức độ nguy cơ phát triển thể nặng của bệnh tình hay tử vong: Rủi ro cao, trung bình và thấp. 

Ở những người cao niên, những người trưởng thành có mắc các bệnh nền, những đối tượng bị suy giảm hệ miễn dịch, phụ nữ mang thai và các nhân viên ý tế trên tuyến đầu, các chuyên gia khuyên nên tiêm thêm vắc-xin với liều nhắc lại sau phác đồ tiêm vắc-xin ban đầu và mũi nhắc lại đầu tiên. Thời gian cách quãng giữa các lần tiêm nhắc là từ 6 đến 12 tháng tùy thuộc vào tình trạng bệnh tật. 

Trong nhóm những người chưa đến 60 tuổi, được cho là có rủi ro trung bình, cùng với đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên có bệnh nền trong độ tuổi từ 6 tháng đến 17 tuổi, WHO cho rằng không có rủi ro gì cho việc tiêm thêm liều bổ sung, nhưng “khả năng phục hồi sức khỏe là thấp”. 

WHO ra khuyến cáo mới về tiêm ngừa Covid-19. Hình minh họa

Cuối cùng, đối với những người được cho là có sức khỏe tốt, Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá là không nhất thiết phải tiêm thêm một liều vắc-xin ngừa Covid-19, ngoài liều tiêm ban đầu và một liều tiêm nhắc đầu tiên do rất ít tác dụng. 

Theo AFP, những khuyến nghị mới này của WHO phản ảnh tác động của Omicron và mức độ miễn dịch cộng đồng cao đạt được trên thế giới do sự lây nhiễm và nhờ vào các chiến dịch tiêm chủng. 

Dù vậy, WHO thừa nhận các kết quả nghiên cứu còn “thiếu nhất quán” liên quan đến tác động của những loại vắc-xin ngừa Covid-19 đối với căn bệnh Covid kéo dài, thường phát triển những triệu chứng mệt mỏi cực độ hay không thể tập trung. 

Tính đến nay đã có 13.3 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid đã được tiêm trên thế giới. WHO cho biết tiếp tục nghiên cứu các loại vắc-xin mới có thể phủ nhiều biến thể khác nhau, có tác dụng lâu dài hơn và hiệu quả chống nhiễm và lây nhiễm tốt hơn. (T/H, RFI)