Welcome Corps: Giới thiệu chương trình bảo lãnh người tị nạn
Cập nhật của BPSOS ngày 08/03/2023
http://machsongmedia.org
Kế hoạch của BPSOS để giải quyết định cư cho số 1 nghìn đồng bào đã có quy chế tị nạn ở Thái Lan bao gồm: (1) vận động các quốc gia đệ tam gia tăng định cư người tị nạn nhằm giải quyết việc định cư cho 2/3 số đồng bào này, (2) cổ động và hỗ trợ người Việt ở Canada và Hoa Kỳ giúp định cư số 1/3 còn lại qua chương trình bảo lãnh tư nhân.
Trong những tháng gần đây, Cao Uỷ Tị Nạn LHQ tăng đáng kể việc phỏng vấn định cư người tị nạn Việt Nam nhằm giới thiệu đến các quốc gia đệ tam. Hoa Kỳ, Canada và cả New Zealand cũng nhận định cư thêm số người tị nạn Việt Nam. Đây là một dấu hiệu đáng mừng.
Để thúc đẩy việc bảo lãnh tư nhân ở Canada, BPSOS hợp tác với Trung Tâm Người Việt Canada.
Nhằm vận dụng chương trình định cư theo diện bảo lãnh tư nhân của Hoa Kỳ, hiện chưa áp dụng cho người Việt tị nạn ở Thái Lan, chúng tôi vận động sẵn các nhóm và tổ chức người Việt ở Hoa Kỳ tham gia chương trình Welcome Corps. Đến nay đã có 49 nhóm bảo lãnh của người Việt ở Hoa Kỳ đã hoặc đang được thành lập, và 50 hội thánh Tin Lành Hoa Kỳ bày tỏ mong muốn nhận định cư người tị nạn Việt Nam. Mục tiêu của chúng tôi là đưa 120 hộ gia đình người Việt tị nạn định cư qua chương trình bảo lãnh tư nhân khi chương trình này được chính thức triển khai.
Trong video dưới đây, cựu Đại Sứ Grover Joseph Rees kêu gọi các cựu thuyền nhân đã đến Hoa Kỳ qua chương trình ROVR hãy giang tay giúp định cư những đồng bào đã có quy chế tị nạn nhưng đang kẹt ở Thái Lan. Đại Sứ Rees chính là người đã cùng với Dân Biểu Christopher Smith soạn đạo luật dẫn đến chương trình ROVR, giúp định cư vào Hoa Kỳ hơn 18 nghìn đồng bào thuyền nhân sau khi hồi hương và sau đó được nới rộng để định cư gần 2 nghìn đồng bào cựu thuyền nhân ở Philippines.
Cùng lên tiếng với Đại Sứ Rees là Mục Sư Jordan Smith, trong toán nhân sự của BPSOS ở Thái Lan. Mục Sư Smith chuyên trách vận động các hội thánh Tin Lành ở Hoa Kỳ yểm trợ nỗ lực của BPSOS để định cư người Việt tị nạn và giữ liên lạc với CUTN/LHQ để bảo đảm sự hợp tác thích ứng và kịp thời của cơ quan quốc tế này.
Bấm vào đây để xem video.
Transcript:
Cựu Đại sứ Hoa Kỳ Grover Joseph Rees: “Xin kính chào bạn. Tôi là Grover Joseph Rees.
Trong 14 năm qua, tôi đã làm việc cho Boat People SOS, trong lãnh vực nhân quyền và người tị nạn tại Đông Nam Á.
Trước đó, tôi phục vụ trong vai trò Đại sứ Mỹ và trước đó nữa, tôi làm việc cho Quốc Hội Mỹ trong tiểu bang về các hoạt động quốc tế và nhân quyền, chủ tọa bởi người hùng nhân quyền: Dân biểu Chris Smith.
Thật là một đặc quyền lớn cho tôi khi được làm việc với Dân biểu Smith vào những năm 1995 và 1996, với các vị dân biểu khác và với TS Thắng từ Boat Psople SOS, các tổ chức nhân đạo khác, để tìm cách ngăn chặn việc cưỡng bách hàng ngàn thuyền nhân hồi hương về Việt Nam và các chế độ toàn trị khác.
Và Quốc hội đã làm điều đó. Chúng tôi đã thông qua dự luật ngăn chặn nguồn tài trợ để sẽ không có khoản tiền nào của Hoa Kỳ có thể được sử dụng để hồi hương bất kỳ ai về Việt Nam, trừ khi thực sự có đủ những bảo vệ cho những người tị nạn thực thụ.
Bộ Ngoại giao ghét dự luật đó và họ đã yêu cầu Tổng thống Clinton phủ quyết.
Nhưng chúng tôi đã nói rõ rằng Quốc hội sẽ tiếp tục thông qua dự luật đó, hết lần này đến lần khác và Quốc Hội sẽ không cung cấp tiền cho những đợt hồi hương cưỡng bách về Việt Nam, trừ khi có những biện pháp bảo vệ thực sự cho người tị nạn.
Thế là Bộ ngoại giao bằng lòng đàm phán và chúng tôi đã đồng ý về một chương trình được gọi là chương trình ROVR, viết tắt của Resettlement Opportunities for Vietnamese Returnees”.
Dân biểu Chris Smith: “Tôi chỉ đưa ra nhận xét rằng chúng ta cũng có Tiến sĩ Thắng đang có mặt ở đây, và tôi muốn chia sẻ đôi lời về những việc ông ấy đã làm trong những năm 1990, khi tôi là Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Hạ viện.
Chính TS Thắng đến văn phòng của tôi và nói rằng hiện có một vấn đề nhân quyền nghiêm trọng liên quan đến người tị nạn sắp bị cưỡng bức hồi hương về Việt Nam, rằng những người này sắp bị cưỡng bức hồi hương về Việt Nam, nơi mà họ nhiều khả năng sẽ phải đối diện với tình trạng bị đối xử một cách ác độc và nhiều người trong số họ sẽ bị bỏ tù.
Nhờ việc vận động của TS Thắng, chúng tôi tổ chức bốn cuộc điều trần, trong đó có một cuộc họp kín mà trong đó, Nội các Clinton có ý định đưa những người bị từ chối quy chế tị nạn trở lại Việt Nam cho dù các tổ chức bảo vệ nhân quyền đã tuyên bố rất rõ ràng họ là người tị nạn, và nói nỗi sợ bị đàn áp của họ khi quay trở về Việt Nam, vì bị cưỡng bức hay vì bất cứ lý do nào khác là có thật. Việc này là không hợp lý.
Sau bốn cuộc điều trần, tôi đề xuất một điểm sửa trong một dự luật, lần này, cũng theo hướng dẫn của TS Thắng, quy định không được sử dụng tiền của Hoa Kỳ để cưỡng bách hồi hương bất cứ ai.
Điều này đã làm Chính phủ Hoa Kỳ thay đổi thái độ.
Chúng tôi cũng có một số người bạn trong Chính phủ Mỹ, như TS Thắng cũng biết.
Từ đó, chương trình ROVR được thiết lập. Và tôi thực muốn cảm ơn TS Thắng vì ông chính là người đã làm cho chương trình này được thiết lập, ông là nhà hoạt động nhân quyền. Và cảm ơn tổ chức của ông, BPSOS. Nhưng ông chính là người đã tạo ra sự khác biệt trong việc cứu khoảng 20 ngàn người tị nạn khỏi bị cưỡng bách hồi hương”.
Grover Joseph Rees: “Họ phỏng vấn 19.000 người đã bị trục xuất về Việt Nam, và nhận ra 18,000 người trong số đó là người tị nạn thực sự, mà đáng lẽ ra họ không phải bị ép hồi hương.
Chúng tôi đã đưa 18,000 người này, sau đó là gia đình của họ, đến Hoa Kỳ.
Những người thuộc diện ROVR hiện đã ở Hoa Kỳ được khoảng 25 năm. Một số người đi theo các chương trình nhân đạo khác, chẳng hạn như chương trình HO đã ở Hoa Kỳ lâu hơn nữa.
Và nhiều người trong số họ đã có thể xây dựng cuộc sống tốt đẹp cho bản thân và gia đình, đóng góp cho xã hội và nền kinh tế của chúng ta.
Nhiều người trong số này đã tìm mọi cách để đóng góp lại vào đất nước Hoa Kỳ.
Tôi đến đây để nói với bạn rằng vẫn còn những người tị nạn từ Việt Nam vì bị đàn áp chính trị, vì đàn áp tôn giáo ở Việt Nam. Họ bị mắc kẹt ở Bangkok và những nơi khác ở Đông Nam Á.
Trước đây, chúng ta không thể làm gì cho họ, nhưng bây giờ có thể có một cơ hội.
Tổng thống Biden đã thông báo rằng sẽ có một cái gọi là chương trình bảo lãnh tư nhân cho người tị nạn.
Và họ đã công bố các chi tiết sơ bộ của chương trình. Chúng tôi không biết được tất cả những chi tiết đó. Chúng tôi không thực sự biết nó giúp được gì hay không.
Nhưng chúng tôi hy vọng rằng trong vài tháng nữa, các cá nhân, các gia đình, các Hội thánh, các cộng đồng có thể cùng tụ họp lại để quyên góp một số tiền, để có được một số tài nguyên và chào đón những người tị nạn mắc kẹt này, để đưa họ đến Hoa Kỳ, để đưa họ đến tự do và an toàn.
Bây giờ tôi xin giới thiệu Mục sư Jordan Smith, là người sẽ cho biết những chi tiết mà chúng ta biết cho đến nay về chương trình bảo lãnh tư nhân này”.
Mục sư Jordan Smith: “Cám ơn ông Đại sứ Rees. Tôi tên là Jordan Smith và gần đây tôi đã tham gia với BPSOS tại Bangkok. Vai trò của tôi là tái định cư người tị nạn và hỗ trợ cộng đồng.
Như Đại sứ Rees đã nói, tôi có vai trò tiếp cận các nhóm tôn giáo và cộng đồng, các người thuộc diện ROVR tại Hoa Kỳ, để trình bày cơ hội kết nối với các người tị nạn tại Bangkok.
Cơ hội mà Đại sứ Rees gọi là Welcome Corps.
Chúng tôi biết chút ít về chương trình này. Tôi sẽ nói những gì chúng tôi biết cũng và những gì chúng tôi không biết, và những bước bạn có thể thực hiện để chuẩn bị cho viễn cảnh đến Mỹ của những người tị nạn từ Đông Nam Á qua chương trình này.
Những gì chúng tôi biết là chương trình được gọi là kế hoạch bảo lãnh tư nhân. Hay nói cách khác là một số cá nhân có cơ hội tham gia vào chương trình này và chào đón những người tị nạn từ khắp nơi trên thế giới vào Hoa Kỳ, vào các cộng đồng mà họ đang sinh sống.
Những gì bạn có thể làm vào lúc này là bạn có thể tham gia Welcome Corps.
Bạn có thể ghi danh cho bốn người bạn và cùng chuẩn bị để có thễ đón những người tị nạn từ Đông Nam Á trong chương trình này.
Nhưng điều chính bạn có thể làm ngay bây giờ là ghi danh với Welcome Corps để tham dự các buổi hướng dẫn bằng video, để chuẩn bị một kế hoạch chào đón người tị nạn, và kết nối cùng 5 người bạn để sẵn sàng chào đón những người tị nạn nếu cơ hội đó xảy ra trong tương lai.
Và chúng tôi muốn khơi dậy sự lạc quan của bạn, chúng tôi hy vọng về chương trình này.
Những gì chúng ta chưa biết là các chi tiết và chương trình sẽ vận hành ra sao, và chương trình này sẽ mang lại lợi ích gì cho các cộng đồng ở đây và ở Đông Nam Á.
Chúng tôi khuyên bạn không nên làm việc với những người nói rằng họ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc này. Và xin đừng đưa tiền cho những người nói rằng họ có thể tạo điều kiện cho các bạn đến Hoa Kỳ.
Điều bạn có thể làm là theo dõi trang web Welcome Corps. Theo dõi những tin nhắn và cập nhật chính thức của BPSOS.
Và chúng tôi đang nỗ lực làm việc và sẽ cập nhật khi có thêm thông tin về cơ hội bảo lãnh thông qua chương trình này.
Xin cám ơn”.
Thông tin liên lạc:
Ở Hoa Kỳ: Ts. Phan Quang Trọng, email: [email protected]
Ở Thái Lan: Mục Sư Jordan Smith, email: [email protected]
Thông tin liên quan:
Cập nhận về chương trình định cư người tị nạn – ngày 27 tháng 2, 2023: https://machsongmedia.org/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/1906-chuong-trinh-dinh-cu-ti-nan-theo-dien-tu-nhan-bao-lanh-cua-hoa-ky.html
Cập nhật ngày 17 tháng 2, 2023: https://machsongmedia.org/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/1904-cap-nhat-ve-no-luc-dinh-cu-nguoi-ti-nan-o-thai-lan-ngay-17-thang-2-2023.html
Cập nhật ngày 12 tháng 2, 2023: https://machsongmedia.org/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/1902-cap-nhat-ve-no-luc-thuc-day-dinh-cu-nguoi-ti-nan-o-thai-lan.html