Vui mừng trước phát hiện mới về hiệu quả của vắc-xin Covid-19
Phát hiện mới về hiệu quả của vắc-xin Covid-19. Không phải một mà ba nghiên cứu khoa học được công bố cuối tháng 6 đã cung cấp bằng chứng mới cho thấy vắc-xin sẽ tiếp tục là lá chắn bảo vệ con người chống lại virus corona trong thời gian tới.
Báo cáo đầu tiên cho thấy hầu hết người được tiêm chủng vắc-xin Covid-19 dạng mRNA có khả năng miễn dịch, miễn là biến thể virus không tiến hóa quá nhanh. Tuy nhiên, điều này không đảm bảo được tương lai chắc chắn.
Trong khi đó, báo cáo thứ hai cho biết việc kết hợp các loại vắc-xin sẽ mang đến những triển vọng hứa hẹn hơn. Đặc biệt, theo báo cáo thứ ba, việc tiêm nhắc lại vắc-xin được áp dụng rộng rãi sẽ tăng cường hệ miễn dịch của con người.
Trước đó, các nhà khoa học đã lo ngại rằng khả năng miễn dịch do vắc-xin mang lại có thể bị ảnh hưởng bởi các biến thể virus mới.
Tuy nhiên, những phát hiện trên đã mở ra tương lai tươi sáng trên con đường chống lại dịch bệnh của nhân loại, New York Times đưa tin.
Giờ đây, “vũ khí” cần thiết để chấm dứt đại dịch đã có sẵn, bất chấp sự xuất hiện của các biến thể mới dễ lây lan đang gây đau đầu cho cả thế giới.
“Bạn còn nhớ lúc đầu khi mọi người hoảng sợ về việc kháng thể biến mất?”, ông Deepta Bhattacharya tại Đại học Arizona nói. “Với những tin tốt hiện nay, chúng ta sẽ không cần phụ thuộc vào thuốc tăng cường miễn dịch sau mỗi chu kỳ 6-9 tháng nữa”.
Vắc-xin có khả năng bảo vệ lâu dài
Virus corona đang liên tục tiến hóa thành chủng mới, nhưng con người cũng đang tìm cách để bảo vệ chính mình.
Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng vắc-xin Covid-19 của Pfizer-BioNTech và Moderna tạo ra phản ứng miễn dịch kéo dài, có thể bảo vệ con người trước SARS-CoV-2 trong nhiều năm.
Theo New York Times, vào tháng 5, tiến sĩ Ellebedy và các đồng nghiệp công bố nghiên cứu cho thấy trong cơ thể những người sống sót sau Covid-19, các tế bào miễn dịch nhận dạng được virus sẽ nằm yên trong tủy xương ít nhất 8 tháng sau khi mắc bệnh.
Trong nghiên cứu mới, nhóm của ông cũng phát hiện ra rằng 15 tuần sau lần tiêm chủng đầu tiên, các tế bào miễn dịch trong cơ thể tổ chức ngày càng trở nên tinh vi và học cách nhận ra một loạt chuỗi gene virus có khả năng phát triển.
Các tế bào này càng “trưởng thành”, chúng càng có nhiều khả năng ngăn cản các biến thể mới của virus corona xuất hiện.
Kết quả nghiên cứu cho thấy phần lớn những người được tiêm chủng sẽ được bảo vệ lâu dài khỏi SARS-CoV-2, ít nhất là trước các biến thể hiện có.
Tuy nhiên, người lớn tuổi, những người có hệ thống miễn dịch yếu và những người dùng thuốc ngăn chặn khả năng miễn dịch, có thể cần thuốc tăng cường.
Những người sống sót sau Covid-19 và sau đó được tiêm chủng có thể không bao giờ cần đến các loại thuốc này.
Khó có thể dự đoán được chính xác khả năng bảo vệ của vắc-xin mRNA sẽ kéo dài bao lâu trong cơ thể người bình thường. Tuy nhiên, các chuyên gia cho hay trong trường hợp không có các biến thể mới vượt qua hệ miễn dịch, thì về lý thuyết, khả năng miễn dịch này có thể tồn tại suốt đời.
Kết hợp giữa các liều vắc-xin
Nghiên cứu mới cũng cho thấy rằng phương pháp kết hợp vắc-xin có thể hoạt động hiệu quả. Những người đã tiêm một liều vắc-xin Johnson & Johnson hoặc AstraZeneca có thể chọn tiêm vắc-xin dạng mRNA ở lần thứ hai.
Trong một nghiên cứu về vắc-xin của Anh được công bố hôm 28/6, cơ thể các tình nguyện viên đã tạo ra một lượng cao kháng thể và tế bào miễn dịch sau khi kết hợp tiêm vắc-xin Pfizer-BioNTech và AstraZeneca.
Tiến sĩ Matthew Snape, chuyên gia về vắc-xin tại Đại học Oxford, đã bắt đầu thử nghiệm nghiên cứu có tên gọi là Com-COV vào tháng 2. Trong đợt đầu tiên, nhóm nghiên cứu đã chia nhau tiêm cho 830 tình nguyện viên theo 4 trường hợp khác nhau.
Một số được tiêm hai liều Pfizer-BioNTech hoặc AstraZeneca, cả hai đều là những vắc-xin được chứng minh là có hiệu quả chống lại Covid-19. Hai nhóm còn lại tiêm AstraZeneca và sau đó là Pfizer, hoặc ngược lại.
Kết quả cho thấy những người được tiêm hai liều Pfizer-BioNTech tạo ra lượng kháng thể cao hơn khoảng 10 lần so với những người được tiêm hai liều AstraZeneca.
Trong khi đó, nhóm tình nguyện viên được tiêm Pfizer-BioNTech trước và sau đó là AstraZeneca tạo ra lượng kháng thể cao hơn khoảng 5 lần so với tiêm hai mũi AstraZeneca.
Ngược lại, người tiêm AstraZeneca trước, sau là Pfizer-BioNTech, đạt được mức kháng thể tương đương với những người được tiêm hai liều Pfizer-BioNTech.
Những kết quả hứa hẹn này đang cho thấy việc kết hợp tiêm các loại vắc-xin khác nhau có thể tạo ra lượng tế bào miễn dịch cao hơn so với tiêm hai liều giống nhau.
“Điều này thật hấp dẫn”, tiến sĩ Snape nói.
Tuy nhiên, các thử nghiệm đã chứng minh rõ ràng rằng chiến lược này có thể giảm cơ hội nhận được vắc-xin Covid-19.
Đối với nhiều người, không phải lúc nào họ cũng có cơ hội được tiếp cận vắc-xin, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành trên toàn cầu. Các lô hàng vắc-xin đôi khi cũng có thể bị trì hoãn vì vấn đề sản xuất.
Theo New York Times, người trẻ ở một số quốc gia đã được khuyến cáo không nên tiêm liều AstraZeneca thứ hai, vì lo ngại về nguy cơ hình thành cục máu đông.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Snape, điều quan trọng cần cân nhắc là liệu mọi người có thể chuyển sang loại vắc-xin khác để tiêm liều thứ hai hay không.
Vì vậy, các nhà sản xuất vắc-xin đã thử nghiệm việc tiêm thêm các mũi tăng cường để đề phòng trong tương lai. Và thí nghiệm này đã mang đến một kết quả tốt.
Các nhà nghiên cứu đã báo cáo hôm 28/6 rằng liều thứ ba của vắc-xin AstraZeneca có khả năng tăng cường miễn dịch mạnh mẽ ở các tình nguyện viên.
Cụ thể, 90 tình nguyện viên ở Anh đã được tiêm mũi thứ 3 vào tháng 3 vừa qua, khoảng 30 tuần sau mũi thứ 2. Các phân tích cho thấy liều thứ 3 đã nâng mức kháng thể ở người lên cao hơn trông thấy.
Đây là dấu hiệu chứng minh rằng việc tiêm mũi thứ 3 sẽ cung cấp sự bảo vệ mới, tốt hơn cho con người, ngay khi tác dụng của hai liều đầu tiên đã suy yếu.
Tuy nhiên, điều này có thể gặp nhiều hạn chế, đặc biệt là ở các quốc gia nghèo, khi việc đáp ứng nguồn cung để tiêm những mũi vắc-xin đầu tiên cho công dân vẫn còn là vấn đề. (VBF)