Saturday, March 30, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

PGS Trần Huỳnh: Virus Langya không có nguy cơ trở thành ‘Covid-22’


Các chuyên gia cho biết, người dân không nên quá lo ngại về nguy cơ tử vong khi mắc virus Langya. Đồng thời, virus không có độc lực cao hoặc khả năng lây lan mạnh như Covid-19.

Virus Langya và SARS-CoV-2 có sự tương đồng. Đó là cả hai đều có một chuỗi di truyền đơn RNA.
Virus Langya và SARS-CoV-2 có sự tương đồng. Đó là cả hai đều có một chuỗi di truyền đơn RNA.

Virus không có độc lực cao

Loại virus mới phát hiện ở Trung Quốc là Langya henipavirus (LayV). Đã có ít nhất 35 ca bệnh được ghi nhận ở tỉnh Sơn Đông và Hà Nam. Theo nghiên cứu từ Tạp chí Y học New England, các nhà khoa học đã theo dõi những bệnh nhân nhiễm virus Langya. Họ nhận thấy, triệu chứng ở người nhiễm virus Langya giống bệnh cúm, bao gồm: Sốt, ho, nhức đầu, đau nhức cơ, mệt mỏi, chán ăn và buồn nôn.

Trong số 35 bệnh nhân, có 26 người được xác định chỉ nhiễm Langya, không có mầm bệnh nào khác. Các nhà khoa học Trung Quốc và Singapore cho rằng, Langya có thể đã lây trực tiếp hoặc gián tiếp sang người từ chuột chù.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết, không có bằng chứng nào cho thấy virus Langya đang lây lan giữa người với người hoặc gây ra sự bùng phát cục bộ ở các ca nhiễm.

Chia sẻ về Langya, TS.DS Phạm Đức Hùng – Bệnh viện Nhi Cincinnati (Mỹ) – cho biết, vào năm 1999, dòng virus này đã gây ra dịch bệnh ở Australia và Đông Nam Á, cụ thể là Malaysia và Singapore.

Các tỉnh Sơn Đông và Hà Nam, đông bắc Trung Quốc bùng phát loại virus mới. Hình Xinhua

“Trong họ này, hai loại virus độc lực cao nhất (hơn cả Covid-19) là Hendra và Nipah, gọi tắt là HeV và NiV. Tỷ lệ tử vong khi bị nhiễm hai loại virus này gây ra là từ 40 – 70%. Dơi là vật chủ tự nhiên của các virus này. HeV lây qua tiếp xúc với ngựa hoặc dịch tiết/mô từ con ngựa bị nhiễm bệnh.

Ngựa có thể bị lây nhiễm do tiếp xúc phân dơi. Trong khi đó, Nipah lây từ tiếp xúc với dơi hoặc heo bị bệnh và có thể lây nhiễm trực tiếp từ người sang người”, chuyên gia giải thích.

Theo TS.DS Hùng, dòng virus Langya không có độc lực như Hendra và Nipah. Tuy nhiên, bệnh có thể gây nguy hiểm nếu bùng phát. Bởi, hiện, chưa có thuốc đặc trị. Trong khi đó, phương pháp chữa trị chỉ là hỗ trợ.

Thời gian ủ bệnh là 5 – 16 ngày. Triệu chứng lâm sàng là sốt, mỏi cơ, đau đầu, chóng mặt. Vì vậy, TS.DS Phạm Đức Hùng khuyến cáo, phương pháp phòng bệnh hiện nay là hạn chế ăn thịt động vật hoang dã như ngựa và dơi.

Chuột chù có thể là trung gian truyền loại virus mới.
PGS.TS Trần Huỳnh, khi những tin tức về Langya xuất hiện, nhiều người lo rằng, virus này có thể gây đại dịch “Covid-22”. Tuy nhiên, PGS Huỳnh nhận định, điều đó sẽ không xảy ra.

Không phải virus mới

Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ, 2 virus trong họ Henipavirus được coi là mang tính độc lực cao. Đồng thời, chúng gắn với tỷ lệ các trường hợp tử vong cao. “Nhiễm Hendra và Nipah đều có thể gây bệnh giống cúm nặng với các triệu chứng sốt, đau cơ, đau đầu và chóng mặt. Bệnh có thể tiến triển thành viêm não nghiêm trọng với tình trạng lú lẫn, phản xạ bất thường, co giật và hôn mê. Các triệu chứng hô hấp cũng có thể xuất hiện”, CDC Mỹ lưu ý. Tuy nhiên, các nghiên cứu khẳng định, chưa có bệnh nhân nào tử vong do nhiễm virus Langya.

PGS.TS Trần Huỳnh (tên tiếng Anh là Huỳnh Wynn Trần) – Đại học Y khoa California Northstate (Mỹ) – giải thích, Langya không phải là virus “bà con” với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, hai dòng virus này có sự tương đồng. Đó là cả hai đều có một chuỗi di truyền đơn RNA.

“Chuỗi di truyền đơn RNA dễ bị biến đổi gen. Trong 3 năm qua, virus SARS-CoV-2 đã biến đổi nhiều lần. Ở SARS-CoV-2 là một chuỗi di truyền đơn RNA dương tính. Trong khi đó, virus Langya là chuỗi di truyền đơn âm tính”, PGS Huỳnh chia sẻ.

Ông cho biết, virus Langya đã xuất hiện khá lâu. Thậm chí, họ Henipavirus cũng xuất hiện từ lâu. Trước đó, dòng virus này được phát hiện là có sớm nhất ở loài dơi. Tuy nhiên, theo PGS Trần Huỳnh, có nhiều điều về virus Langya chưa được biết rõ.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra loại virus Langya chủ yếu ở chuột chù.
Bác sĩ Huỳnh Wynn Trần trong một buổi nói chuyện sức khỏe tại chùa Hiền Như Tịnh Thất tại Mỹ.

“Henipavirus có nhiều họ virus khác nhau. Trong đó, dòng virus có khả năng gây tử vong 70% là Nipah henipavirus”, chuyên gia giải thích. Do đó, theo PGS Huỳnh, người dân không nên quá lo lắng về khả năng gây tử vong ở virus Langya.

Chuyên gia chia sẻ, khi những tin tức về Langya xuất hiện, nhiều người lo rằng, virus này có thể gây đại dịch “Covid-22”. Tuy nhiên, PGS Huỳnh nhận định, điều đó sẽ không xảy ra.

Bởi, để khẳng định một con virus gây ra bệnh, cần có 4 yếu tố quan trọng: Virus được tìm thấy ở người mắc bệnh, nhưng không tồn tại trên người khỏe mạnh; Virus phải được lấy từ bệnh nhân; Sau khi lấy mẫu bệnh và cấy vào người khác, hoặc người khỏe mạnh vô tình bị, họ phải có triệu chứng tương tự.

Yếu tố cuối cùng là sau khi người bệnh cách ly, mẫu virus được lấy từ họ cho kết quả chính xác như loại virus ban đầu. Song, PGS Huỳnh cho biết, hiện, virus Langya chưa đạt đủ các tiêu chuẩn nêu trên.

“Virus họ hàng Langya có khả năng gây tỷ lệ tử vong rất cao. Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) và nhiều quốc gia khác đã theo dõi virus này. Langya không phải là virus mới, từng xuất hiện nhiều ở dơi và gần đây là chuồn chuồn. Tuy nhiên, tình hình chưa đáng lo ngại”, chuyên gia chia sẻ. (T/H, GDTD)