Friday, April 26, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Việt Nam trông chờ vào ‘hộ chiếu vắc-xin’ để phục hồi du lịch

Từ năm ngoái đến nay, để ngăn chận đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn đóng cửa biên giới, chỉ tiếp nhận các công dân Việt Nam hồi hương và một số khách quốc tế thiết yếu, đồng thời cách ly rất chặt chẽ những người nhập cảnh. Một phần nhờ vậy mà cho tới nay, theo các số liệu chính thức, tính đến ngày 13/04/2021, tổng số ca nhiễm virus corona ở Việt Nam chỉ mới là 2,714 ca.

Các hãng hàng không Việt Nam dự trù mở lại các chuyến bay quốc tế kể từ tháng 09/2021. Trong ảnh: Một chiếc Airbus của Bamboo Airways đáp xuống sân bay quốc tế Nội Bài ngày 18/04/2019.
Các hãng hàng không Việt Nam dự trù mở lại các chuyến bay quốc tế kể từ tháng 09/2021. Trong ảnh: Một chiếc Airbus của Bamboo Airways đáp xuống sân bay quốc tế Nội Bài ngày 18/04/2019. (Hình REUTERS)

Nhưng nay, cũng như một số nước khác, Việt Nam đang đứng trước một thách đố, giữa một bên là nhu cầu mở cửa trở lại để đón du khách quốc tế và qua đó vực dậy ngành du lịch, và bên kia là sự cần thiết phải tiếp tục ngăn chận đại dịch. Trong bối cảnh mà chiến dịch chích ngừa Covid-19 đang tăng tốc ở nhiều nước, chính phủ Hà Nội trông chờ vào “hộ chiếu vắc-xin” để phục hồi ngành du lịch.

Thời gian rất gấp rút, bởi vì Thái Lan, đối thủ cạnh tranh lợi hại của Việt Nam, gần đây đã thông báo dự trù mở cửa du lịch trở lại trong tháng 6 hay tháng 7.

Thật ra thì từ hơn một năm qua, do người dân Việt Nam không thể du lịch ở nước ngoài, cho nên mọi người đua nhau đi du lịch trong nước. Theo một bài phân tích đăng trên trang Routesonline ngày 08/04, thị trường hàng không nội địa của Việt Nam hiện có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới tính về sản lượng ghế cung ứng.

Nhưng về thị trường quốc tế thì tình hình hoàn toàn ngược lại. Cho nên, các hãng hàng không lớn nhất của Việt Nam là Vietnam Airlines, VietJet and Bamboo Airways đều có doanh thu tiếp tục bị sụt giảm mạnh trong năm nay và có nguy cơ cạn vốn. VietJet chỉ mới mở lại một số chuyến bay đến Bangkok, Tokyo, Seoul và Đài Bắc. Vietnam Airlines thì chỉ mới mở lại các chuyến bay đến Tokyo, Seoul và Sydney.

Nói chung, đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều công ty du lịch Việt Nam phải đóng cửa, những công ty khác thì chuyển toàn bộ nhân viên sang làm du lịch nội địa trong khi chờ Việt Nam mở cửa trở lại.

Trả lời RFI Việt ngữ ngày 15/04/2021, chị Nguyễn Thị Nhạn, đại diện Công ty cổ phần du lịch Swalow Việt Nam, cho biết: 

” Trong một năm qua, do tình hình đóng cửa, nên các công ty du lịch vốn chỉ có khách nước ngoài mà không có làm du lịch nội địa phải đóng cửa. Còn công ty của chúng tôi thì có làm cả du lịch nội địa, nên toàn bộ các nhân viên làm bên khách inbound ( khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch ) đều chuyển sang làm nội địa trong vòng một năm qua, để cố gắng duy trì công ty.

Thật sự thì không thể bù đắp được. Mặc dù rất là khó khăn, nhưng công ty cố gắng cho tất cả nhân viên đều có việc làm, bởi vì nếu nghỉ việc thì gần như không có lương, để họ có một thu nhập hàng tháng cho những chi tiêu tối thiểu thôi, chứ không có thu nhập cao như những năm có khách nước ngoài.

Cũng vì người Việt Nam không được ra ngoài và người nước ngoài cũng không được vào trong, nên tình hình du lịch nội địa có khởi sắc hơn. Mỗi khi dịch bùng lên thì Nhà nước cấm, không đi được, nhưng sau khi im dịch thì mọi người lại ồ ạt kéo nhau đi, lượng khách cũng tăng, không hề giảm sút so với mọi năm”.

Cho tới nay, những hành khách trên các chuyến bay đến Việt Nam đều phải được kiểm soát rất gắt gao về Covid-19 trước và sau chuyến bay, bao gồm cả việc cách ly bắt buộc khi đến và tiếp theo là thời gian tự cách ly tại nhà. Các hành khách này còn phải tải một ứng dụng tin học để phía Việt Nam giám sát việc đi lại của họ và biết được họ đã tiếp xúc với ai trong thời gian ở Việt Nam.

Nay chính phủ Việt Nam muốn giảm bớt những biện pháp gắt gao đó để có thể đón nhiều khách quốc tế hơn, nhưng vẫn bảo đảm an toàn về y tế. Công cụ tốt nhất có lẽ là “hộ chiếu vắc-xin”, mà nhiều nước khác cũng đang hoặc sắp áp dụng.

Cục Hàng Không Việt Nam ngay từ cuối tháng 3 đã kiến nghị với chính phủ mở lại các đường bay quốc tế theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 3 sẽ bắt đầu kể từ tháng 9/2021. “Tùy thuộc vào tiến trình tiêm vắc-xin tại Việt Nam và mức độ miễn dịch cộng đồng sau khi tiêm vắc-xin đại trà trong xã hội”, Cục Hàng không sẽ triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam mà không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh khi áp dụng cơ chế “hộ chiếu vắc-xin”.

Vietnam Airlines sẵn sàng thử nghiệm “hộ chiếu vắc xin”
Sẵn sàng xây dựng, thử nghiệm “hộ chiếu vắc xin” trong lộ trình từng bước khôi phục mạng bay quốc tế. (Hình VNA).

“Hộ chiếu vắc-xin” là tài liệu kỹ thuật số chứng minh một cá nhân đã được tiêm phòng virus (còn được gọi là thẻ sức khỏe kỹ thuật số). Tài liệu này thường được lưu trữ trên điện thoại di động, dữ liệu hiển thị dưới dạng mã QR.

Ngày 09/04 vừa qua, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, cục trưởng cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn đã trình bày đề xuất của bộ Y tế về phương án triển khai “hộ chiếu vắc-xin”, trước mắt sẽ áp dụng cho 3 nhóm đối tượng. Nhóm thứ nhất là người Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài và nay đã được tiêm vắc-xin. Nhóm thứ hai là những người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh. Nhóm thứ ba là khách du lịch quốc tế, với hướng ban đầu là du khách từ các nước kiểm soát tốt dịch bệnh, đã triển khai tiêm vắc-xin đạt miễn dịch cộng đồng.

Tại cuộc họp nói trên, đại diện các doanh nghiệp công nghệ thông tin khẳng định là hệ thống hạ tầng công nghệ của Việt Nam “hoàn toàn thích ứng với quốc tế” để chuẩn bị triển khai “hộ chiếu vắc-xin”.

Ngành du lịch Việt Nam đang chuẩn bị như thế nào cho khả năng mở lại biên giới để đón du khách quốc tế, chị Nguyễn Thị Nhạn, đại diện Công ty cổ phần du lịch Swalow Việt Nam, cho biết:

” Chúng tôi cũng đang chờ tin chính thức, vì tất cả chỉ mới là dự thảo thôi. Cũng hy vọng là tin đó sớm thành hiện thực. Tuy nhiên, các nhân viên đã chuẩn bị rất nhiều chương trình khuyến mãi lớn, giảm giá rất nhiều dành cho khách ngoại quốc về Việt Nam, để kích cầu du lịch. Các chương trình của chúng tôi đều có chế độ giảm giá ví dụ như là 25%, 50% hoặc 60%, tùy theo chương trình.

Các đối tác vẫn liên lạc bình thường với chúng tôi, cũng chỉ đang chờ công văn chính thức của chính phủ. Hiện tại họ vẫn liên lạc với chúng tôi về các chương trình là tour ở nước ngoài hay các land tour của nước ngoài muốn đem vào Việt Nam. Đó là những chương trình truyền thống, đã có sẵn rồi, nên khi làm lại thì rất nhanh. Do tình hình Covid, nên tất cả các nhà hàng, khách sạn, hay dịch vụ xe đưa đón đều có chế độ giảm giá cho khách hàng, nên bây giờ nếu có khách nước ngoài vào Việt Nam thì chúng tôi sẽ nối lại và cho các chính sách cụ thể cho khách. 

Tùy vào chương trình với khách sạn 2, 3, 4, 5 sao mà giảm giá, nhưng thường thì giá các khách sạn 5 sao năm nay so với giá những năm chưa có Covid giảm đến 70%, nên chúng tôi có thể giảm cho khách đến 60,70%.”

Nhưng cùng với việc mở cửa trở lại để đón du khách quốc tế, các công ty du lịch như Swalow Việt Nam hy vọng được Nhà nước hỗ trợ bằng cách giảm thuế cho họ:  

Thực sự thì chúng tôi vẫn mong có khách về Việt Nam, nhưng vấn đề an toàn của người dân vẫn là trên hết. Kể cả khi có “hộ chiếu vắc-xin”  hay cái gì khác thì vẫn phải có an toàn thì mới đón khách được, chứ nhận khách vào mà dịch bùng lên trở lại thì khổ hơn nữa.

Cho nên chúng tôi mong là chính phủ có nhiều chính sách ưu đãi hơn về thuế. Trước kia chúng tôi phải đóng thuế thu nhập 25%. Bây giờ chúng tôi đã giảm giá cho khách rất là nhiều rồi, nên hy vọng là trong những năm Covid này thì chính phủ giảm thuế cho ngành du lịch, để bớt phần thuế đi, để chúng tôi có thể chi trả cho nhân viên, rồi giảm thêm giá cho khách nước ngoài. Khi giảm giá nhiều, kích cầu nhiều, thì họ sẽ về nhiều hơn nữa.

Ở cấp độ khu vực Đông Nam Á, tháng 3 vừa qua, các bộ trưởng kinh tế ASEAN cũng đã thảo luận về khả năng phát hành một “hộ chiếu vắc-xin” khu vực, để thúc đẩy du lịch giữa các nước trong khối này. Nhưng theo mạng truyền thông CNA của Singapore, việc mở cửa trở lại biên giới giữa các nước Đông Nam Á sẽ đặt ra nhiều thách thức, nhất là thách thức về dữ liệu cá nhân, một vấn đề mà các cơ cấu định chế hiện nay của ASEAN chưa đủ khả năng để giải quyết. Hệ thống “hộ chiếu vắc-xin” sẽ lưu giữ rất nhiều dữ liệu cá nhân. Nếu muốn thành công trong việc phát hành hộ chiếu này, ASEAN sẽ phải có những hiệp định về việc trao đổi dữ liệu cá nhân giữa các nước trong khối.

Theo CNA, ASEAN cần phải minh bạch về những vấn đề tiềm tàng của “hộ chiếu vắc-xin”  để mọi người hiểu được lợi ích và những nguy cơ, trước khi đề ra bất cứ chính sách nào. Nói chung là khi phát hành “hộ chiếu vắc-xin”, bất cứ quốc gia nào cũng phải làm sao bảo đảm người sử dụng được bảo vệ khỏi việc sử dụng sai dữ liệu, giả mạo và vi phạm quyền riêng tư dữ liệu cá nhân và dữ liệu sức khỏe. (RFI)