Việt Nam mua phần mềm gián điệp của Israel để trấn áp đối lập
Phần mềm tình báo của Israel có tên Cellebrite đang cung cấp cho Việt Nam các công cụ giám sát kỹ thuật số mà họ đã sử dụng để dập tắt sự phản đối, theo các nhóm nhân quyền cho biết.
Tờ báo Haaretz của Israel cho biết Bộ Công an Việt Nam, cơ quan chịu trách nhiệm về cảnh sát và an ninh nội bộ, đã mua phần mềm này.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với nhật báo kinh doanh Globes, Giám đốc điều hành của công ty, Yossi Carmil, tuyên bố rằng công ty chuyên về công nghệ giám sát này đã phát triển thiết bị kỹ thuật để ngăn chặn các công cụ của họ rơi vào “tay kẻ xấu”.
Tuy nhiên, một cuộc điều tra do luật sư nhân quyền người Israel là Eitay Mack thực hiện, đã vạch trần cách chính quyền Việt Nam sử dụng phần mềm gián điệp vào năm 2018 để bắt giữ một công dân, người đã tham gia vào một trò nghịch tinh quái, có liên quan đến việc treo cờ miền Nam Việt Nam bị cấm ở nước này, rồi kết án anh ta 5 năm tù. Xe máy và điện thoại của anh cũng bị nhà nước tịch thu.
Trong một bức thư ngỏ được công bố hôm thứ Ba vừa qua cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) và các nhà đầu tư, các nhóm bảo vệ quyền lợi trên không gian kỹ thuật số, bao gồm Access Now, Electronic Frontier Foundation, Privacy International, đã kêu gọi tất cả “các bên tạm dừng thỏa thuận này cho đến khi Cellebrite chứng minh rằng họ đã đã thực hiện đầy đủ các biện pháp để tuân thủ các quyền con người ”.
Bức thư còn nói thêm rằng việc bán các công cụ giám sát của Cellebrite vẫn “tạo điều kiện cho việc giam giữ, truy tố và quấy rối các nhà báo, các nhà hoạt động dân quyền, những người bất đồng chính kiến và người thiểu số trên khắp thế giới”.
Luật sư chuyên về các quyền lợi Eitay Mack lưu ý về việc Việt Nam cũng được cấp phép sản xuất súng trường Tavor và Galil ACE của Israel, và bổ sung một danh sách dài các chuyến thăm và gặp gỡ cấp cao tới Việt Nam, bao gồm các quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng, cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu và cựu Tổng thống Reuven Rivlin .
Đáp lại, người phát ngôn của Cellebrite cho biết công ty có “các chính sách cấp phép và hạn chế nghiêm ngặt chi phối cách khách hàng có thể sử dụng công nghệ của chúng tôi” và quan tâm đến “hồ sơ nhân quyền của khách hàng tiềm năng và các chính sách chống tham nhũng”.
Hồ sơ gửi lên SEC của công ty cho biết họ không kinh doanh với Belarus, Trung Quốc, Hồng Kông, Ma Cao, Nga và Venezuela, “một phần do lo ngại về nhân quyền và bảo mật dữ liệu”. (Basam)